Luật cần giải phóng tối đa quyền tự do kinh doanh

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: luatvietnam.vn

Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi một số điều Luật Doanh nghiệp năm 2014, đây là một sự kiện quan trong thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, với hy vọng sẽ có những cải cách quan trọng để doanh nghiệp có điều kiện và cơ hội tốt hơn trong kinh doanh.

Luật doanh nghiệp có lịch sử cải cách nhiều lần, nhưng vẫn lỗi thời so với thời đại. Đó là điều đương nhiên, bởi Việt Nam có những cải cách về thể chế kinh tế, hội nhập vào các nền kinh tế thế giới, tham gia nhiều hiệp định thương mại quốc tế, cho nên cái mới luôn phát sinh. Vì thế pháp luật phải tiếp tục sửa đổi để điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực kinh doanh.

Một điều mà các nhà lãnh đạo luôn chú trọng, đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ 4.0, vậy thì trước hết phải vận dụng nó vào trong xây dựng luật. Cụ thể ở Luật Doanh nghiệp, cần phải quy định về thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Những công cụ về công nghệ phải giúp rút ngắn thời gian hoàn thành đăng ký doanh nghiệp.

Quy định hộ kinh doanh phải thực hiện nhiều thủ tục như thông báo với cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường ở các địa điểm kinh doanh, đây là những quy định không cần thiết, thủ công mất thời gian. Tất cả phải được số hóa theo quy chuẩn chính quyền điện tử, chính phủ điện tử, không còn phù hợp để đưa vào luật.

Những quy định làm ảnh hưởng vô lối đến doanh nghiệp, cản trở phát triển, hạn chế quyền tự do kinh doanh đương nhiên phải loại bỏ. Xin lưu ý, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số về gia nhập thị trường của Việt Nam vẫn chỉ xếp ở thứ hạng 104 của thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh Doing Business, một trong những chỉ số thấp nhất của môi trường kinh doanh Việt Nam. Thực tế cho thấy, còn nhiều thủ tục làm mất thời gian và tăng chi phí cho doanh nghiệp, làm mất sức cạnh tranh, chưa kẻ bị công chức trong cơ quan hành pháp lợi dụng lạm quyền dẫn đến tiêu cực.

Một trong những nội dung quan trọng của việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp là xây dựng các quy định tạo  sự thuận lợi cho cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình; thực hiện được quyền của cổ đông dù ở tỉ lệ sở hữu cổ phần thấp hay cao.

Các chuyên gia pháp lý chỉ ra những bất cập khi quy định “cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty có các quyền như: đề cử người vào hội đồng quản trị và ban kiểm soát; xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hàng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua hội đồng quản trị và tài liệu khác trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty; yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 điều này; yêu cầu ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết…”.

Với quy định trên, sẽ tạo ra một “khoảng trống quyền lực” bởi vì khi chưa đủ thời hạn sáu tháng thì cổ đông/nhóm cổ đông không thể can thiệp ngay vào việc quản lý điều hành của công ty. Và chính khoảng trống này sẽ tạo cơ hội cho ban điều hành thực hiện những ý đồ riêng mà không bị kiểm soát, ngăn chặn từ phía chủ sở hữu.

Còn nhiều bất cập khác mà lần sửa đổi , bổ sung này cần làm triệt để, nói như nhiều chuyên gia là không phải sửa mà là “viết lại”, có tính lâu dài, ổn định. Bởi nếu cứ vài năm sửa đổi một lần thì ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp cũng nhưu gây tổn hại đến nền kinh tế.

Sài Gòn ngày 13/11/2019

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *