Luật Đất đai, những lỗ hổng pháp lý cần chỉnh sửa

Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam/ Báo NĐT

Sau gần 20 năm, những lùm xùm trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2, TP.HCM) vẫn còn đó. Trong ảnh: Người dân căng bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm tại buổi tiếp xúc cử tri 9.5 vừa qua. Ảnh: PLO

Luật Đất đai 2013 có hiệu lực từ 1.7.2014, đến nay đã tròn 4 năm vào cuộc sống. Thực tế cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề nóng, phức tạp, nhất là tình trạng sử dụng đất lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm trong các dự án đầu tư xây dựng. Phân tích dưới đây chỉ ra những bất cập nổi cộm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của Nhà nước và người dân trong việc thu hồi đất và bồi thường.

Có thể xem đây như một “lỗ hổng” pháp lý cần được điều chỉnh nhằm hạn chế những hệ lụy xã hội và niềm tin của dân chúng. 

Hiến pháp năm 2013 tại điều 54 Khoản 9 quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

Tuy nhiên cụm từ “trong trường hợp thật cần thiết do luật định” vào Luật Đất đai đã không thể hiện được nội dung này, thể hiện tại khoản 3 Điểm C Điều 62 Luật Đất đai về thu hồi đất – cho phép hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân được thu hồi đất với đối tượng rất rộng rãi: dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn, chỉnh trang đô thị, cụm công nghiệp, sản xuất chế biến nông lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung, dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. 

Như vậy khoản 3 Điểm C Điều 62 này đã rất “thoáng” khi quy định hầu như tất cả các dự án đều được thu hồi đất để cơ quan quản lý nhà nước có quyền giao đất, cho thuê đất dẫn đến tình trạng xin – cho dự án vào các dự án phát triển kinh tế đặc biệt tại các khu đất vàng như đất công sở, nhà máy, kho tàng, bến bãi khi di dời và nhiều công trình khác. Vì các nhà đầu tư có lợi nhuận cực lớn do chênh lệch địa tô (đền bù thấp theo giá của tỉnh, thành phố, còn bán theo giá thị trường). 

Vì vậy cần sửa đổi toàn bộ Điều 62 Luật Đất đai theo hướng Nhà nước chỉ thu hồi trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đất phải được đấu giá với mọi dự án phát triển kinh tế. 

Điều đáng nói là theo quy định của Luật, việc thu hồi đất thuộc thẩm quyền hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhưng trong thực tế với hàng ngàn, hàng vạn dự án khác nhau, hội đồng nhân dân cấp tỉnh không thể và không có điều kiện xem xét quyết định (nhất là các dự án thuộc diện chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, dự án công ích). Trong thực tế quyền thu hồi đất này chỉ nằm ở một số đơn vị tham mưu và người có chức có quyền thiếu hẳn quy chế công khai minh bạch, dân chủ, giám sát của cộng đồng

Trong khi đó, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất lại là nguyên nhân gây khiếu kiện nhiều nhất, gây bức xúc trong dư luận, nhất là các dự án phát triển kinh tế, đặc biệt là dự án nhà ở để bán. Bởi lẽ:

– Thu hồi đền bù vì mục đích quốc phòng, an ninh, công trình công cộng, và vì mục đích phát triển kinh tế là hai phương thức hoàn toàn khác nhau. Thực tế cho thấy, người dân ít búc xúc, khiếu kiện đối với dự án vì mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích cộng đồng. Nhưng đền bù một cách bắt buộc “theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định” quy định tại Điều 74 khoản 2 Luật Đất đai (thường là thấp hơn nhiều so với giá thị trường) cho các dự án phát triển kinh tế – đặc biệt là dự án nhà ở, công trình sản xuất kinh doanh – để chủ đầu tư được giao đất, được ăn chênh lệch địa tô lớn là không phù hợp.

– Việc bồi thường đã không được tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhiều địa phương triển khai thực hiện mang tính áp đặt, không công khai minh bạch, nhất là giá đền bù, mục đích thu hồi đất thiếu dân chủ, công bằng gây khiếu kiện làm mất an ninh trật tự xã hội. 

Để có thể tổng hợp một cách đầy đủ, các ban ngành hữu quan cần tổ chức thành lập một nhóm nghiên cứu từng điều, từng khoản để kiến nghị những điều cần sửa đổi bổ sung để Luật Đất đai đi vào cuộc sống, đặc biệt là tiêu chí thế nào là dự án trong điều kiện “trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế”, góp phần chống tham nhũng đất đai, một trong những lĩnh vực nổi cộm nhất trong xã hội, theo hai phương thức: kiến nghị xem xét đề nghị sửa đổi bổ sung một số điểm, điều, nổi cộm nhất; xem xét sửa đổi một cách toàn diện, đồng bộ từng điều, từng khoản, thậm chí xây dựng một bộ luật đất đai mới vì đây là vấn đề rất lớn của xã hội.

NGUỒN:  Theo Báo Người Đô Thị online

Link bài: Luật Đất đai…

(http://nguoidothi.net.vn/luat-dat-dai-nhung-lo-hong-phap-ly-can-chinh-sua-14575.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *