Luật hóa chính sách hỗ trợ khởi nghiệp là đòi hỏi của thực tiễn

Trần Quí Thanh

—–

Mấy năm qua, chuyện khởi nghiệp được bàn đến rất nhiều, đó là một tín hiệu rất tốt. Bởi vì, dân khởi nghiệp nhiều thì mới có nhiều chuyện để bàn, nhiều bài toán được đặt ra từ thực tiễn cần phải nghiên cứu, giải quyết.

Theo một khảo sát của một mạng lưới kết quả toàn cầu, Việt Nam lọt vào nhóm 60 nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Có lẽ, cái gọi là tinh thần này dựa trên số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tỉ lệ đầu dân.

Tuy nhiên, số lượng hay tinh thần chỉ là bắt đầu thôi, quan trọng là kết quả, và như chúng ta đã biết, startup thành công chỉ chiếm 10%.

Người dân có tinh thần khởi nghiệp, hăng hái hành động, nhưng không thành công, vì sao?

Các nghiên cứu cá nhân cũng như tổ chức chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó có năng lực của startup, sản phẩm chưa đạt chất lượng, vốn, thị trường và chính sách hỗ trợ.

Về chính sách, tuy có những lời kêu gọi, chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp nhưng chưa cụ thể, mỗi địa phương vận dụng một cách, mang tính phong trào hơn là thực thi chính sách.

Chính sách là phải cụ thể bằng quy định của pháp luật. Ví dụ như hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp theo đối tượng nào, tiêu chuẩn nào, hạn mức nào?

Vốn không chỉ từ ngân hàng, mà còn từ các quỹ đầu tư, nhà nước phải tạo khung pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các kênh. Ngược lại, các quỹ đầu tư được pháp luật bảo vệ bằng công cụ pháp luật như thế nào để họ có niềm tin vào đầu tư vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, việc đánh giá sản phẩm phải có tiêu chí khoa học và công bằng. Từ đó nhà nước có các chính sách hỗ trợ như miền hay giảm thuế, miễn hay giảm phí thuê đất, miễn hoặc giảm lãi suất từ quỹ hỗ trợ… Một sản phẩm sáng tạo về khoa học công nghệ thành công mang lại lợi ích kinh tế rất lớn, cho nên phải chú trọng đến khu vực khởi nghiệp sáng tạo.

Một sản phẩm công nghệ thành công không chỉ là kết quả của nó trong phòng thí nghiệp, mà phải được sản xuất, được đưa ra thị trường, được thương mại hóa. Các bước đó rất cần được hỗ trợ bằng chính sách cụ thể.

Chính sách đó chính là bà đỡ cho đứa bé sinh ra, như người mẹ nuôi dưỡng đứa con lớn lên.

Xin được nhắc lại khái niệm “Make in Việt Nam” của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ, đó là ý tưởng sáng tạo tại của người Việt Nam, sản xuất sản phẩm tại Việt Nam.

Hãy có chính sách hỗ trợ cho “Make in Việt Nam” thì ý chí chính trị mới biến thành sản phẩm trên thực tế đời sống.

Luật hóa chính sách hỗ trợ khởi nghiệp là đòi hỏi của thực tiễn. Nếu không làm thì mọi lời nói chỉ là những câu khẩu hiệu sáo rỗng mà thôi.

 

Sài Gòn ngày 22/01/2020

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *