Xuân Lộc/ Báo Phụ nữ Tp HCM
Thiếu vắng niềm vui trong công việc dẫn đến năng suất lao động thấp. Hạnh phúc được đo lường bằng hiệu quả công việc cũng như chất lượng sống…
Tôi từng làm việc trong một công ty bất động sản lớn, kêu gọi được những khoản đầu tư khổng lồ từ các quỹ quốc tế. Công ty có gần 3.000 nhân viên và mọi người đều có mức lương cao so với thị trường. Mọi người làm việc hăng say nhưng ít khi thấy ai nở nụ cười. Không khí làm việc đầy áp lực bao trùm văn phòng từ sáng đến tối.
Thường vào buổi trưa, chúng tôi chỉ có khoảng một giờ để đi ăn. Anh phó giám đốc phụ trách tài chính cũng như anh kế toán trưởng thường ăn trong im lặng, vẻ mặt cứ đăm đăm. Đội ngũ nhân viên kinh doanh cũng vô cùng áp lực với các chỉ tiêu cao nên khó tìm ra trên gương mặt mỗi người những phút thư giãn, ngay cả khi họ đã rời văn phòng sau giờ làm việc. Sau đó, có một “làn sóng nghỉ việc” xảy ra, có cả vị giám đốc marketing mới vào một tuần cũng nghỉ. Họ nghỉ không chỉ vì áp lực công việc mà còn vì chất lượng sống bị giảm sút nghiêm trọng. Hậu quả, công ty tiêu tốn rất nhiều chi phí tuyển dụng và đào tạo nhưng kết quả kinh doanh không như mong đợi…
“Thiếu vắng nụ cười lại là nguyên nhân làm cho năng suất lao động giảm sút. Sau 20 năm làm quản lý nhân sự cho nhiều tập đoàn lớn, tôi thấy rất nhiều người không có được niềm vui trong công việc. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến năng suất lao động của người Việt mình thua xa các nước trong khu vực” – ông Trần Thanh Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn lực Quốc Tế, đúc kết.
“Search inside yourself” là một chương trình đào tạo kỹ năng mềm, do anh chàng kỹ sư vui tính Chade-Meng Tan phát triển, nhằm tìm kiếm “hạnh phúc nội tâm”. Nhiều người đã không thể tin nổi Google – nơi được gọi là “pháo đài tri thức” với toàn những người có điểm SAT đứng đầu hay những người có chỉ số IQ cao nhất – lại hào hứng với một chương trình đào tạo về trí tuệ cảm xúc của Meng.
Kết quả cho thấy, chương trình tìm kiếm “hạnh phúc nội tâm” của Meng đã tạo bước nhảy vọt về năng suất lao động của Google, đến nỗi những người đứng đầu GoogleEdu (từng được gọi là Đại học Google) đã cùng Meng phát triển thành một chương trình đào tạo phát triển lãnh đạo tại Google vào năm 2012. Chương trình này nhanh chóng được phổ biến đến các công ty công nghệ hàng đầu ở Silicon Valley (Mỹ). Đến nay, chương trình đã được giảng dạy cho hơn 20.000 lãnh đạo và nhân viên của các tập đoàn, tổ chức trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính, bảo hiểm, y tế, giáo dục… trên toàn thế giới.
Nếu chương trình này có mặt tại Việt Nam, tôi nghĩ nó sẽ giúp thay đổi không khí làm việc ở nhiều doanh nghiệp, với mục tiêu dài hạn là giải phóng áp lực, tăng năng suất cho người lao động. Một hình dung dễ hiểu là, một môi trường làm việc nhiều áp lực và thiếu tiếng cười khó mà kích thích các ý tưởng sáng tạo.
Những lúc mệt mỏi, tôi hay nhớ về một đôi vợ chồng ngoài 40 tuổi, làm nghề sửa xe đạp trên đường Hùng Vương (Đà Lạt). Người chồng bị tật ở chân nên ông hạn chế di chuyển, cần lấy gì thì cô vợ nhanh nhảu làm ngay. Ông thường làm việc một cách khoan thai, còn cô vợ thì rất hay cười. Tôi thỉnh thoảng mới ghé sửa xe, nhưng hay gặp lúc tiệm đóng cửa. Hỏi lý do thì ông nói: “Ngày nào vui thì mở cửa tiệm, ngày nào buồn hay mệt thì vợ chồng tôi đóng cửa đi chơi…”. Câu nói của ông khiến tôi phì cười. Ngẫm ra, đó là cách ông lựa chọn để vượt qua khó khăn trong công việc để có một cuộc sống hạnh phúc giản đơn.
Tôi từng hỏi Julie Đặng – Chủ tịch tổ chức Global Coffee School (GCS), thành viên Hiệp hội Cà phê Specialty châu Âu (SCAE): “Bà làm rất tốt việc kinh doanh, lại mau làm giàu, sao bà lại quyết định rẽ ngang qua đào tạo nghề – một con đường đầy khó khăn?”. Bà trả lời: “Làm kinh doanh kiếm tiền nhanh nhưng khó tìm thấy niềm vui, ý nghĩa cuộc đời mình. Đào tạo người làm cà phê là ngành hẹp và khó đi nhưng tôi thấy giá trị của mình trong từng sự tiến bộ, phát triển của học viên. Mỗi buổi học, tôi đều có thể cười; lúc pha một ly cà phê, tôi cũng cảm thấy hứng khởi. Đời tôi cần gì hơn những nụ cười?”.
Có lần tôi tình cờ đọc được học thuyết “như thể” của William Jame – nhà triết học và tâm lý học người Mỹ, và cảm thấy rất bất ngờ khi các nghiên cứu của ông chỉ ra rằng, “hành vi tạo ra cảm xúc”. Cụ thể hơn, khi người ta cười thì mới thấy hạnh phúc chứ không phải hạnh phúc thì mới nở nụ cười. Nói cách khác, con người hoàn toàn có khả năng tạo ra vui, buồn trong cuộc sống, bằng chính lựa chọn của mình.
Tôi cũng cho rằng, hạnh phúc không phải là cảm xúc thoáng qua mà là cả quá trình. Nó được đo lường bằng hiệu quả công việc cũng như chất lượng sống. Nếu chúng ta không chủ động tìm lấy hạnh phúc thì thứ mình nhận về sẽ dễ là bất hạnh.
NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Đo lường….
https://www.phunuonline.com.