Tư duy Khởi nghiệp Sáng tạo trên thực tế trông như thế nào? (Phần 1)

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Dũng/ Báo DĐDN

 

Có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp chat với tui, hỏi về cách tiếp cận với thị trường như thế nào để sát nhất. Bởi lẽ, nhiều khi thiếu tự tin cũng không nhìn rõ, mà tự tin quá cũng lệch lạc. Để đến khi đi không đúng hướng thì trở lại điểm xuất phát sẽ mất đi nhiều cơ hội, chưa kể có thể nản lòng mà dừng chân.

Tui từng nói với các bạn rằng, ý tưởng về sản phẩm của người khởi nghiệp là đứa con của mình, cho nên “nâng như trứng, hứng như hoa”, và hình như ai cũng thấy con mình đẹp nhất. Nhưng trên thực tế, có thể người khác không đồng quan điểm như vậy.

Về chuyện tiếp cận thị trường, theo tui nên học nghề báo. Người làm báo luôn xác định viết cái bạn đọc thích đọc chứ không phải viết cái mình thích viết. Cho nên, người làm báo quan sát xã hội, xem bạn đọc đang thích gì, họ sẽ sản xuất nội dung để phục vụ, thường gọi là dòng chủ lưu thời sự hay nói lóng là “trend”.

Sản xuất hàng hóa hay cung cấp dịch vụ cũng vậy, nếu bán thứ khách hàng không cần thì coi như thất bại. Còn làm sao để biết khách hàng cần gì thì câu trả lời thuộc về lĩnh vực nghiên cứu thị trường. Ai làm tốt, khoa học, sẽ có đáp số đúng.

Tui xin giới thiệu với các bạn bài viết “Tư duy Khởi nghiệp sáng tạo trên thực tế trông như thế nào?” (Phần 1) của PGS.TS Nguyễn Ngọc Dũng đăng trên Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia liên quan đến đề tài này, các bạn tham khảo nhé.

Trần Quí Thanh

—–

Khởi nghiệp sáng tạo trông như thế nào và đâu là những lỗi mà người khởi nghiệp sáng tạo hay mắc phải trong tư duy của họ?

1. Những sai lầm trong tư duy nào mà những người khởi nghiệp sáng tạo mắc phải

a. Lảng tránh đề cập đến khách hàng

Đây là một trong những vấn đề mà chúng tôi, FiNNO và những tổ chức ươm tạo, những doanh nghiệp đang thực hiện quá trình đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và trên thế giới luôn luôn phải đối mặt. Đôi khi chúng tôi, đôi khi những nhà sáng lập vì một lý do “thần bí” nào đó, luôn “thao thao bất tuyệt” về khả năng thành công của ý tưởng, nhưng khi được hỏi về khách hàng, chúng ta có cảm giác khá ngại và luôn lảng tránh sang một câu chuyện khác. Vì sao thế?

 

 

Trong báo cáo của CB Insights năm 2019 đã chỉ ra những nguyên nhân các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thất bại [8], trong đó lý do cao nhất dẫn đến việc một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thất bại: bán thứ khách hàng không cần. Nỗi sợ tiếp cận với khách hàng có thể giải thích một cách đơn giản bởi vì chúng ta luôn e ngại những gì chúng ta không hiểu, hay trên thực tế, chúng ta không biết nên hiểu gì từ khách hàng, việc dễ dàng nhất có thể làm đó là xây dựng sản phẩm, dịch vụ dựa trên các giả thuyết của riêng chúng ta.

Trong phân khúc khách hàng trong mô hình kinh doanh, việc hiểu rõ khách hàng là ai, họ đang có vai trò thế nào đối với sản phẩm, dịch vụ trong mô hình kinh doanh của chúng ta là một việc quan trọng. Và việc có thể truyền đạt, minh họa những gì chúng ta hiểu cho đồng đội, những người tư vấn, những người góp vốn sẽ là điểm khởi đầu để nhận được phản biện, góp ý.

Vậy chúng ta phải hiểu gì từ khách hàng, từ người dùng?

b. Môi trường thiếu tinh thần phản biện

Để có thể có một mô hình kinh doanh thành công, chúng ta không thể từ một ý tưởng ban đầu mà thành công được. Hãy nhìn vào AirBnB [3], có thể thấy rằng họ đi đến ý tưởng thành công hiện đại thông qua việc chuyển đổi rất nhiều mô hình kinh doanh dựa trên các ý tưởng khác nhau trong quá trình phát triển khách hàng. Vì sao ý tưởng có thể biến đổi? Nhiều lý do, trong đó tinh thần phản biện trong các thành viên là một các động lực lớn (bên cạnh tư duy sáng tạo) để doanh nghiệp chúng ta thông qua quá trình phát triển khách hàng tạo ra, kiểm chứng liên tục ý tưởng mới, mô hình mới.

Sáng tạo và Phản biện là 2 nền tảng tư duy chính trong quá trình tư duy khởi nghiệp sáng tạo. Trên thực tế, trong quá trình sáng tạo, chúng ta đều trải qua quá trình tư duy sáng tạo 2 pha:

  • Tư duy Phân kỳ – Divergent Thinking [4, 5]: là quá trình tư duy sáng tạo tìm kiếm ý tưởng dựa trên việc mở rộng khai phá các ý tưởng khác nhau một cách linh hoạt, tự nhiên, thoái mái [4], bỏ qua quá trình phán xét tính hợp lý, đúng – sai.
  • Tư duy Hội tụ – Convergent Thinking: quá trình tư duy trong đó đặt việc lựa chọn và đánh giá ý tưởng [2], tổng hợp, thể hiện và hình thành các ý tưởng mới [6]

 

Nằm giữa 2 pha tư duy, đó chính là quá trình chúng ta “chửi lộn” – à nhầm – phản biện, để từ rất nhiều ý tưởng chúng ta lựa chọn những ý tưởng, mô hình phù hợp để kiểm chứng. Quá trình phản biện đòi hỏi những người sáng lập chúng ta phải tạm thời bỏ cái tôi, thiên kiến cá nhân, cố gắng tìm ra những “lỗ hỏng”, khuyết điểm của ý tưởng, đặt câu hỏi, trả lời, tiếp tục đặt câu hỏi,… Từ đó có thể chuyển đổi rất nhiều ý tưởng thành mô hình kinh doanh có thể tạo được giá trị. Vậy điều gì sẽ xảy ra trong một môi trường thiếu đi tư duy phản biện?

Dĩ nhiên là ý tưởng nào cũng “tốt”, và không có một sự đồng thuận nào có thể diễn ra, dẫn đến cả nhóm, cả doanh nghiệp phân tâm với quá nhiều ý tưởng, quá nhiều mục tiêu. Vậy theo các bạn, điều đó có tốt hay không?

 

The Idea Funnel – Phễu ý tưởng

Vậy đâu là các môi trường thiếu tư duy phản biện? Thực ra, câu trả lời không nằm ở vấn đề môi trường, câu trả lời nằm ở chính chúng ta. Mục tiêu của chúng ta khi khởi nghiệp sáng tạo là gì? Là tạo ra giá trị giải quyết vấn đề, đáp ứng nhu cầu từ thị trường, hay chỉ để được hưởng thụ những “tiến-bộ-giả” *[7] do hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mang lại? Nếu vì thị trường, vì khách hàng, hãy tự phản biện và hình thành những giả thuyết mới và kiểm chứng với thị trường, lặp đi lặp lại quá trình đó.

(*) Adora Cheung – đối tác của Y Combinator – chỉ ra một số điều có thể làm xao nhãn nhà sáng lập khỏi mục đích chính của việc khởi nghiệp sáng tạo: tham gia quá nhiều cuộc thi khởi nghiệp, hội thảo khởi nghiệp, vinh danh, quá nhiều người tham vấn,…

Lưu ý: một số từ ngữ tương ứng Anh – Việt được sử dụng trong bài viết:

  • Startup: Khởi nghiệp Sáng tạo
  • Entrepreneurial Mindset: Tư duy Nghiệp chủ
  • Innovation: Đổi mới sáng tạo

(Còn tiếp…)

NGUỒN:  Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Link bài: Tư Duy…

https://khoinghiep.org.vn/tu-duy-khoi-nghiep-sang-tao-tren-thuc-te-trong-nhu-the-nao-phan-1-21508.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *