Lương tăng nhanh hơn năng suất lao động tạo ra vòng xoáy luẩn quẩn

Lam Thanh/ Báo MTG
 
Hội thảo công bố ‘Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018’ – Ảnh Lam Thanh.
 

Tăng lương cho người lao động không phải chỉ là mong muốn của nhà quản lý, mà còn là mục đích của chủ doanh nghiệp. Những người làm ăn chân chính và có tầm nhìn luôn có trách nhiệm với xã hội, và trước hết là cộng đồng trong doanh nghiệp của họ.

Nhưng tăng lương không phải bằng ý chí mà bằng thực lực, đồng tiền không sinh ra từ sự tưởng tượng mà do bàn tay của con người. Năng suất lao động của người lao động cao thì họ sẽ nhận đồng lương tương xứng, nếu năng suất lao động thấp mà vẫn nhận lương cao hơn thì doanh nghiệp sẽ bị ăn mòn vào lợi nhuận không còn cơ hội để tích lũy tư bản.

Hãy để cho doanh nghiệp tự điều chỉnh việc trả lương, nhà nước không nên can thiệp trực tiếp vào tiền lương của doanh nghiệp.

Trần Quí Thanh

—–
 
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, tốc độ tăng lương nhanh hơn tăng năng suất lao động sẽ ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, tích lũy tư bản chậm lại và không mở rộng được sản xuất để thu hút lao động. Điều này theo ông Thành lại tạo ra vòng xoáy luẩn quẩn.

 

Hội thảo công bố “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức ngày 8.5, PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết giá trị năng suất lao động (NSLĐ) tổng hợp có xu hướng tăng với tốc độ khá nhanh qua các năm. NSLĐ bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017 cùng với sự biến thiên đáng kể của tốc độ tăng trưởng qua các năm.

Tính trung bình trong giai đoạn 2008-2016, các ngành kinh tế có NSLĐ ở mức cao là các ngành Khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí; Hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm; Hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ; Hoạt động kinh doanh bất động sản; Cung cấp nước. Trong khi đó, ngành Công nghiệp chế biến chế tạo có NSLĐ chưa cao và ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có mức NSLĐ thấp nhất nền kinh tế.

Trên phương diện so sánh quốc tế, NSLĐ của Việt Nam được đặt trong mối tương quan với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia). Kết quả cho thấy, tới năm 2015, NSLĐ của 9 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần thấp nhất hoặc thấp nhất trong các nước kể trên.

NSLĐ của Việt Nam thấp nhất trong các nước so sánh, kể cả Campuchia, ở 3 ngành sau: Công nghiệp chế biến chế tạo; Xây dựng; Vận tải, kho bãi, truyền thông. NSLĐ của Việt Nam xếp gần cuối, chỉ cao hơn Campuchia ở các nhóm ngành: Nông nghiệp; Điện, nước, khí đốt; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa.

Ngược lại, Việt Nam có NSLĐ cao hơn một số nước trong 3 nhóm ngành: Khai mỏ và khai khoáng; Tài chính, bất động sản và dịch vụ văn phòng; Dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân.

Nhằm cải thiện NSLĐ, Việt Nam cần tiếp tục tạo điều kiện tích cực để thúc đẩy tăng trưởng TFP (tỷ lệ tăng lên của kết quả sản xuất tính bằng GDP đối với toàn nền kinh tế, hoặc bằng giá trị tăng thêm đối với từng ngành hoặc doanh nghiệp) cũng như cần có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động, chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao NSLĐ trong các ngành, đồng thời đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và mua các công nghệ từ nước ngoài trong trường hợp cần thiết.

“Nếu không muốn bị vượt qua bởi các quốc gia láng giềng như Campuchia về NSLĐ nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn để cải thiện NSLĐ của các ngành kinh tế. Đồng thời, phát triển thị trường lao động cùng các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy quá trình dịch chuyển lao động theo đúng nhu cầu dịch chuyển cơ cấu. Bên cạnh đó, nhóm ngành công nghiệp (chế biến chế tạo) và dịch vụ cần được chú trọng nhiều hơn nữa về cải thiện môi trường kinh doanh và thay đổi công nghệ, nhằm tạo động lực bền vững cho sự cải thiện năng suất chung”, ông Thành nêu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thành, lương tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn NSLĐ . Cụ thể, tỷ lệ lương tối thiểu trên NSLĐ tăng nhanh từ 25% năm 2007 lên 50% năm 2015. Với toàn nền kinh tế, tốc độ tăng NSLĐ chỉ đạt 4,96% (2004-2015) nhưng tốc độ tăng lương trung bình lại lên tới 6,67%.

“Phân tích thực nghiệm cho thấy tốc độ tăng tiền lương có liên quan đến sự điều chỉnh tăng nhanh của lương tối thiểu. Điều này làm giảm mức tăng trưởng việc làm và giảm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp. Song cũng cần lưu ý rằng, có sự khác biệt đáng kể về mức độ tác động với các thành phần kinh tế, phản ánh sự khác biệt về quy mô thị trường lao động và khả năng công nghệ, tài chính của doanh nghiệp trong việc đối phó với chi phí lao động gia tăng”, ông Thành nói.

Theo báo cáo của VEPR, theo loại hình sở hữu, tăng trưởng tiền lương đã vượt mức tăng NSLĐ của các doanh nghiệp FDI, nhưng thấp hơn mức tăng NSLĐ của các doanh nghiệp nhà nước. Đối với doanh nghiệp tư nhân, tăng trưởng lương trung bình khá sát với mức tăng NSLĐ . Theo quy mô doanh nghiệp thì lương trung bình tăng nhanh hơn NSLĐ trên tất cả các nhóm quy mô doanh nghiệp.

Theo đó, việc tăng lương tối thiểu nhìn chung dẫn đến tăng lương trung bình và giảm việc làm cũng như giảm tỷ suất lợi nhuận. Dù rằng những ảnh hưởng này có khác biệt đáng kể giữa các thành phần kinh tế. Khi lương tối thiểu tăng, khu vực tư nhân có khuynh hướng cắt giảm lao động chính thức (có đóng bảo hiểm) để đối phó. Các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm gỗ và đồ nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc.

Tuy nhiên, VEPR cho rằng điều đáng lo ngại là một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động khác như điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư vào trang thiết bị, cho thấy có thể nhà đầu tư lo ngại giá lao động tăng trong dài hạn có thể khiến các ngành này mất sức cạnh tranh và do đó đã bắt đầu thoái lui đầu tư…

Theo ông Nguyễn Đức Thành, tốc độ tăng lương nhanh hơn tăng NSLĐ sẽ ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, tích lũy tư bản chậm lại và không mở rộng được sản xuất để thu hút lao động. Điều này theo ông Thành lại tạo ra vòng xoáy luẩn quẩn.

Do đó, việc điều chỉnh lương tối thiểu cần được thực hiện phù hợp với tăng trưởng NSLĐ. Chính phủ cần lựa chọn thúc đẩy năng suất lao động như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn.

“Lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở NSLĐ. Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn”, nhóm tác giả báo cáo nhấn mạnh.

 
Nguồn: Theo Báo Một Thế Giới
Link bài: Lương tăng nhanh hơn năng suất lao động…
(http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/luong-tang-nhanh-hon-nang-suat-lao-dong-tao-ra-vong-xoay-luan-quan-87612.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *