Luyện cái tâm bình an, loại cái tâm loạn động

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Kính gửi anh Trần Quí Thanh,

Cảm ơn anh đã trả lời em rất lẹ (Bài thứ 2- 21/9 vừa rồi). Vì anh trả lời lẹ nên em cũng hỏi lẹ luôn. Cùng đề tài quản lý bản thân, thấu hiểu bản thân, một câu hỏi mà các doanh nhân nghĩ ngợi rất nhiều, đó là trong mùa đại dịch khủng khiếp này, làm thế nào quản trị tốt tinh thần cho các doanh nhân? Nói khác đi, các doanh nhân phải làm gì (ý em nói là những biện pháp) để quản trị thân, tâm, trí của bản thân trong mùa đại dịch.

 Em hỏi hơi lằng nhằng, mong anh thông cảm trả lời giùm nhe.

 Kính chúc anh vui khoẻ.

 Kính anh

 Phạm Thị Lý (Tp HCM): ly_phamthi63@gmail.com

—–

Phan Thị Lý mến!

Gần đây một số doanh nhân có xu hướng hướng đưa triết lý Phật giáo vào trong đời sống của cá nhân cũng như cho cộng đồng doanh nghiệp. Ở đây không phải là lấy đạo Phật như một phương tiện xuất thế, mà là một cách nhập thế với cái tâm thiện lương.

Tâm thiện lương trước hết là vì mình, cho mình. Biết chăm sóc thân thì cũng phải biết chăm sóc tâm. Cái tâm bình an mới có được sức khỏe tinh thần. Cái tâm loạn động nảy sinh những tạp niệm, tà ý, không tốt cho cuộc đời của bất kỳ ai.

Nhập thế với tư cách của một doanh nhân, nhưng không cố sống cố chết, bằng mọi giá, bất chấp thủ đoạn để kiếm tiền. Nếu làm bằng cách đó, cho dù có nhiều tiền cũng không thể có được sự an lành trong cuộc sống. Mà ngược lại, làm hết mình nhưng không cay cú ăn thua, không đau khổ tuyệt vọng nếu như gặp thất bại, mà chấp nhận với thái độ bình thản.

Có đó mà cũng không có đó, lẽ của vô thường của trời đất là vậy.

Nếu ai đó hiểu rằng, doanh nhân sống theo tinh thần Phật giáo sẽ không phù hợp với đời sống của thị trường là hoàn toàn sai lầm.

Trong Bát chánh đạo, “Chánh tinh tấn” là một pháp đưa con người đến hạnh phúc, và tinh tấn là siêng năng, chuyên cần làm việc tốt cho mình và cho tha nhân rất cần cho một doanh nhân. “Chánh mạng” là sống bằng nghề nghiệp lương thiện, sống bằng tài năng chân chính, không bóc lột, không xâm hại đến lợi ích của người khác.

Thử hỏi, nếu tất cả mọi người đều kinh doanh trên thương trường theo tinh thần này thì xã hội tốt đẹp biết bao nhiêu. Chúng ta không có ai hoàn hảo, nhưng cùng dìu dắt nhau để hướng thiện, để tạo ra giá trị thiện lương cho cộng đồng là điều cần phải ủng hộ và hướng tới.

Tất cả những điều anh nêu trên chính là một bài học quản trị bản thân, không dễ để đạt được ngay, phải rèn luyện, tu tập bền bỉ mới có được thành tựu. Và khi em đã có sự vững vàng về thân, tâm, và trí, thì không chỉ vượt qua được mùa đại dịch này, mà chiến thắng bất kỳ khủng hoảng nào.

Chúc em thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *