Hoàng My/ Báo Phụ nữ Tp HCM
—–
Tôi từng đọc ở đâu đó rằng, chỉ con người mới có khái niệm hay ho là “tương lai”. Nhờ thế mà nhân loại luôn tìm thấy động lực để tiến về phía trước, lạc quan, hy vọng ở ngày mai. Nhưng đôi khi, tôi cũng cứ loay hoay nghĩ ngợi: phải chăng cũng vì thế mà người ta lắm lúc quên mất hiện tại hay không?
Nhớ ngày còn bé, mẹ tôi luôn dạy rằng sống cần phải tiết kiệm để dành. Vì tôi chưa làm ra tiền hay bất cứ của cải vật chất gì, nên bài học đó thực hành bằng cách “từ từ hãy xài”, “cất đó ăn sau”. Mỗi khi được chia phần bánh kẹo gì đấy, tôi thường chỉ ngắm nghía, không nỡ… Đợi mỏi mòn chán chê rồi mới dám ăn, cho đỡ phí. Mà lúc đó, tiếc thay, cái góc bánh kem sinh nhật bị khô cứng, quả xoài trái quýt đã héo úa bớt ngon mất rồi!
Mẹ tôi cũng rất chịu khó may sắm cho đứa con gái còi cọc của mình. Bọn bạn trang lứa đang có mốt gì, tôi cũng có, chỉ là chậm hơn mà thôi. Ví như, có dạo đâu đâu cũng thấy các cô bé diện đồ “xẩm” cổ tàu, trang trí bằng những cái nút vải được đơm thắt cầu kỳ hoặc bộ “alibaba” ống rộng buồn cười chẳng hạn.
Bạn tin không, tới bây giờ trong tủ đồ của tôi vẫn còn giữ một hai trang phục “mô-đen” đó, thậm chí còn rất mới là đằng khác. Tại sao ư? Bởi khi mẹ tôi quyết định cho con mặc, không cất để dành đợi “có dịp” nữa, thì ngoài đường đã không còn thấy bóng dáng mấy kiểu áo quần ấy xuất hiện nữa rồi. Thời trang luôn quay vòng, mẹ tôi chép miệng bảo thế. Và tôi, yên tâm cất kỹ mớ đồ đã lỗi “mốt” mà chưa kịp diện ấy, chờ một sự quay lại mơ hồ…
Tôi lớn lên với tâm thế “mình cần phải dành dụm đề phòng bất trắc”. Nên làm được tám đồng, tôi cố gắng kiếm thêm hai đồng nữa cho chẵn chục, rồi đem… gửi tiết kiệm. Tuổi trẻ của tôi là những lần ra vô ngân hàng, xong về hỉ hả đếm xem mình đã có tất cả mấy cuốn sổ còm cõi khốn khổ rồi. Mãi vẫn không thể trả lời câu hỏi, khi nào mới đủ?
Thậm chí, khi yêu một ai đó, tôi luôn tìm kiếm các tư liệu liên quan tới người ấy, cả những điều chứng minh là “hôm nọ, bữa kia anh từng nói xạo tôi là đi làm thay vì đã đi chơi với nhóm bạn”. Đại khái thế, nhưng tôi không vội tỏ ra mình biết, mà cứ âm thầm ôm những hình ảnh tin nhắn ấy, cộng với ghim gút nỗi ấm ức, để dành. Để dành làm gì? Tôi thầm cho rằng, biết đâu một lúc nào đó, tôi cần… lật bài với người ta, thì sẽ nắm chắc phần thắng. Tức là tôi đã dự đoán mai này chúng tôi sẽ cãi cọ, chia tay, thậm chí là trở mặt với nhau đó ư?
Tại sao lại vậy, chính tôi cũng chưa hình dung hết. Cho tới một lần, cô em họ của tôi ghé thăm, nhìn cái ổ tuềnh toàng, cuộc sống đều đều tẻ nhạt bởi ít bạn bè giao thiệp, ngó các món vật dụng cá nhân cũ mòn đáng thương của tôi, đã buông một câu rằng: “Chị ba mươi tuổi rồi, còn trẻ trung khỏe mạnh được bao lâu mà phải sống tội nghiệp thế này?”.
Tôi giật mình nhận ra vì mải miết với “ngày mai” mà bấy lâu tôi đã quên mất “hôm nay”. Khoảnh khắc hiện tại quý giá thì tôi không biết trân trọng. Tôi nhớ tới mẹ, đau xót hiểu ra, chính sự vất vả thiếu thốn ngày ấy đã khiến mẹ tôi cả đời chẳng dám thư thả tận hưởng hiện tại…
Tôi có vài người bạn thân, họ cũng như tôi, luôn tìm kiếm sự bảo đảm phía trước, bằng cách chấp nhận gom góp nhiều năm dài. Vợ con cùng tằn tiện kham khổ. “Chịu khó chút thì mai này mới có của ăn của để” – suy nghĩ ấy không sai, thậm chí rất tích cực và có trách nhiệm nhưng cực đoan quá thì càng chẳng đúng. Bởi sống là ở hành trình, chứ nào phải đích đến. Sau cả đời góp nhặt vất vả thì điều gì còn sót lại? Thời gian còn lại của mỗi người luôn là một ẩn số. Mọi thứ sang trọng đủ đầy mà làm gì, khi ngày đó mình đã già, đã yếu, đã đau bệnh không thể hít căng lồng ngực một làn khí trời mát mẻ, ngắm một cảnh bình minh nhẹ nhàng?
Đại dịch lần này càng giúp tôi ngộ ra mọi thứ khi chưa quá muộn. Tôi càng hiểu cái câu “hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng”. Đừng ngồi đó lo âu phỏng đoán chờ đợi quá nhiều ở phía trước. Chẳng phải thế sao?
NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Mải miết với…
(https://www.phunuonline.com.