Viết một vài dòng trạng thái, chia sẻ một vài thông tin và hình ảnh không chính xác về một cá nhân hay một doanh nghiệp, sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp cho đối tượng bị vu oan. Người viết trên không gian ảo nhưng nạn nhân bị tan nát trong đời thật.
Còn nữa, nhiều người tương tác với nhau, trở thành bạn bè, quan hệ làm ăn và có không ít vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra. Quan hệ ảo mà mất tiền thật là vậy.
Chung quy cũng từ lòng tham mà ra, nhiều người nghe tới tiền là sáng mắt, chỉ quen nhau trên mạng thôi mà dám chuyển tiền dễ dàng. Nói thật nghe, tui chứng kiến nhiều rồi, nhiều người quan hệ làm ăn với nhau bao nhiều năm ở đời, nhưng còn lường gạt nhau, huống gì là bạn trên mạng xã hội.
Sống phải có lòng tin, có bạn bè, nhưng chọn bạn mà chơi luôn là câu nhắc nhớ còn “nguyên tính thời sự”.
Trần Quí Thanh
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ và tiện lợi của công nghệ thông tin, các thủ đoạn lừa đảo qua mạng cũng ngày càng tinh vi hơn trước.
So với việc dùng nick (bị hack) để chat nhờ “bạn bè” nạp hộ thẻ điện thoại cách nay vài năm, hiện các chiêu trò lừa đảo đã phát triển mạnh hơn. Bằng hình thức kết bạn qua mạng xã hội, như Facebook, kẻ lừa đảo (thường là người nước ngoài) đã cấu kết với một số người Việt giả làm nhân viên hải quan, sân bay, bưu điện… chuyển quà cho người nhận. Họ lấy nhiều lý do (như tiền thuế, bảo hiểm, tiền làm thủ tục thông quan…) yêu cầu người nhận gửi tiền vào tài khoản để nhận quà. Sau khi người bị hại chuyển tiền, ngay lập tức số tiền được chuyển ra nước ngoài và bị chiếm đoạt, đồng thời, kẻ lừa đảo cũng mất liên lạc. Đã có nhiều nạn nhân bị lừa với số tiền lên đến vài trăm triệu đồng.
Tình trạng lừa đảo còn xuất hiện trong lĩnh vực mua bán nông sản. Bằng thủ đ oạn liên hệ với các đại lý ở một số tỉnh như Đắk Nông, Daklak, Gia Lai… đặt thu mua các mặt hàng hạt tiêu, điều, cà phê…, sau khi chuyển một ít tiền qua tài khoản cho người cung cấp hàng để làm tin, kẻ lừa đảo yêu cầu chủ đại lý chở hàng xuống giao ở một kho bãi. Trong quá trình giao hàng, họ mời tài xế, chủ hàng đi ăn cơm, uống cà phê rồi chuyển số hàng đi nơi khác và bỏ trốn. Thường khi chủ hàng phát hiện thì bọn lừa đảo đã tẩu thoát cùng với số hàng, và chủ kho thì cũng… không hay biết về người thuê kho.
Các đối tượng lừa đảo luôn biết tận dụng thời cơ tạo những màn kịch dễ dụ người dân. Lợi dụng những thời điểm cao trào của các hoạt động khuyến mãi, bốc thăm trúng thưởng, tặng quà cho khách hàng trên thị trường, những kẻ xấu tạo ra hàng trăm trang web giả mạo các mạng xã hội, các ngân hàng, các cơ sở dịch vụ lớn, các chương trình trúng thưởng để thu thập thông tin cá nhân, các tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng… của người dùng Internet. Để gia tăng sự tin tưởng, các thông tin lừa đảo khi lan truyền còn kèm theo các đoạn mã được quảng cáo là mã trúng thưởng, với những phần thưởng có giá trị như xe máy, tủ lạnh… Nhưng khi truy cập vào trang web để tìm hiểu thủ tục nhận thưởng, bạn sẽ phải nạp thẻ cào điện thoại hay chuyển tiền thì mới được công ty chuyển phần thưởng về. Nhiều người vì tâm lý hám lợi và thói quen mua sắm vội vàng đã mất cảnh giác và sa bẫy.
Những người nổi tiếng cũng bị lợi dụng để lừa đảo. Hàng loạt ngôi sao đã phải lên tiếng họ bị mạo danh để người hâm mộ biết mà không mắc mưu kẻ xấu.
Các chiêu trò lừa đảo trên mạng có thể không quá xa lạ nhưng chủ yếu là đánh vào lòng tham của con người. Người dùng Internet hãy luôn luôn cảnh giác, không để mình bị mắc lừa. Đó là cách loại trực tiếp kẻ xấu ra khỏi đời sống của chúng ta.