Trần Quí Thanh
—–
Kính gửi bác Dr Thanh
Chúng cháu là sinh viên đang đứng trước cửa lập nghiệp, muốn gửi tới bác câu hỏi này đươc không ạ?
Chúng cháu biết không cứ học nghề nào thì khởi nghiệp bằng nghề đó. Giống như bác học cơ khí nhưng khởi nghiệp bằng sản xuất và kinh doanh đường, sau đó là nước giải khát. Lựa chọn ngành sản xuất, kinh doanh nào để khởi nhiệp là câu hỏi vô cùng quan trọng đối với chúng cháu. Xin bác cho chúng cháu những nguyên tắc của việc lựa chọn ngành nghề cho khởi nghiệp theo quan điểm của bác.
Kính mong bác giải đáp ạ.
Kính chúc bác mạnh giỏi
Nhóm Sinh Viên Trường ĐH Hoa Sen (Sài Gòn): khoinghiep_hoasen2019@gmail.com
—–
Nhóm Sinh Viên Trường ĐH Hoa Sen mến!
Bác không biết đã có thống kê về doanh nhân khởi nghiệp đúng ngành nghề được đào tạo chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm hay chưa, nhưng bác tin chắc con số này không quá bán. Bởi vì học là một việc, hành là việc khác, và cuộc sống có những điều mới mẻ, bất ngờ, khác với những toan liệu của con người khi mới vào đời. Và hình như, đời nó đẹp là vì vậy.
Khi bác tốt nghiệp kỹ sư Bách khoa Sài Gòn, bác luôn nghĩ mình sẽ làm một kỹ sư, làm việc đúng ngành nghề cơ khí máy móc, nhưng cuộc sống dẫn dắt bác vào con đường kinh doanh, và lái dần ngày càng xa với chuyên môn ngành nghề của bác.
Trước hết, cho dù các cháu học ngành y hay ngành cơ khí máy móc, khi xác định khởi nghiệp, thì ngành mà cháu bước vào là ngành kinh doanh. Đã là kinh doanh thì khác với công việc làm chuyên môn. Ví dụ, cháu là một bác sĩ rất giỏi, thành công trong nghề nghiệp, nhưng khi mở một Bệnh viện để kinh doanh, có khi thất bại, bởi kinh doanh là một chuyên môn khác.
Nói như vậy để thấy rằng, khi khởi nghiệp, tiêu chí đầu tiên là doanh nhân đó phải có năng lực, kiến thức về kinh doanh. Sau đó mới tính đến ngành nghề kinh doanh.
Nếu lựa chọn được ngành nghề kinh doanh đúng với chuyên môn của mình được đào tạo là quá tốt, nếu không thì một ngành nghề tương đương với chuyên môn được đào tạo cũng là tốt. Nhưng như bác nói, tỉ lệ này không cao.
Vậy thì, phải lựa chọn một ngành nghề mà cháu thích, cảm nhận được mình có thể hiểu biết, nắm bắt nhanh chuyên môn của ngành nghề đó, ít nhất là đủ để quản lý, còn làm cụ thể thì thuê người có chuyên môn sâu.
Tuy nhiên, khi chọn ngành nghề khởi nghiệp, ngoài sở thích, còn có những tiêu chí khác cần phải so chiếu. Đó là ngành nghề đó không phải ở giai đoạn hết thời, hoặc qua rồi thị hiếu tiêu dùng hay sử dụng dịch vụ. Ví dụ như có thời kỳ nhiều người thành công khi mở tiệm minilab để rửa ảnh. Khi giai đoạn suy thoái đến, nhiều người khác không biết, đầu tư nhập thiết bị máy móc về làm, chẳng được bao lâu thì máy ảnh kỹ thuật số ra đời. Coi như sập tiệm.
Gần đây, nhiều người học nha sĩ, kết hợp thẩm mỹ, mở phòng nha hay làm da, cũng đúng chuyên môn hoặc tương đương ngành nghề được đào tạo, nhưng khi đã đến giai đoạn bão hòa, quá nhiều clinic mọc lên, thì chỉ có ngồi ngáp ruồi.
Bác nói xa hơn một chút, cách đây chừng 30 năm, người Việt định cư ở Mỹ làm giàu nhờ nghề nail (làm móng tay móng chân). Nhưng ai cũng lao vào mở tiệm nail vì thấy ngon ăn, cho đến nay thì nghề này chỉ đủ để kiếm sống tại Mỹ là may.
Điều cuối cùng bác lưu ý với các cháu, cứ mạnh dạn khởi nghiệp ngành nghề mới lạ, còn nhiều triển vọng. Nhưng hãy lưu ý, ban đầu có thể xa lạ về chuyên môn của mình, nhưng dứt khoát phải lao vào học tập, nắm bắt, nghiên cứu chuyên môn ngành nghề đó nghiêm túc. Không biết gì về nó thì làm sao quản lý được phải không các cháu.
Bác không được đào tạo về chế biến thực phẩm, nhưng giờ bác là chuyên gia về ngành nước uống là nhờ tự học.
Chúc các cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)