Mảnh ghép xã hội nhìn từ con đường đến trường

Bài: Hoàng Phương, Thanh Lam, Bảo Uyên
Ảnh: Ngọc Thành, Thành Nguyễn, Hữu Khoa
Đồ họa: Tiến Thành
/ Báo VnExpress
 

Những đứa trẻ thấy gì trên con đường đến trường hàng ngày?

Dũng nhìn thấy những núi rác cao hơn mái nhà. Quê em là một làng nghề truyền thống nổi tiếng, nơi vấn đề môi trường đã gây nhức nhối nhiều năm. 

Bích nhìn thấy những “nghĩa địa hồ tiêu”. Quê em là nơi mà cơn lốc hồ tiêu đã quét qua, cuốn theo số phận của hàng nghìn mái nhà nông dân. Trồng vượt quy hoạch, không nắm bắt thị trường, rớt giá, phá sản,… tạo ra vòng lặp kinh điển của nông sản Việt Nam.

Duy đi qua con đường băng ngang đường sắt ngay trung tâm Hà Nội – nút giao kỳ dị của giao thông đường bộ Việt Nam.

Có hơn một nửa thời gian thức trong ngày của một đứa trẻ là ở ngoài trường học. Các học giả Mỹ thậm chí khẳng định rằng 80% việc học của đứa trẻ diễn ra ngoài nhà trường; và môi trường sống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập trong nhà trường. 

Con đường đi tìm cái chữ của học sinh Việt Nam còn là con đường “tụ nước” ở trung tâm TP HCM; là con đường đi qua ô nhiễm khói bụi ở Hà Nội; là con đường đi qua bè mảng ở miền núi; đi ngang qua những dự án treo, đặc sản của ngành quy hoạch Việt Nam.

Không gian giáo dục của Việt Nam không chỉ tồn tại bên trong nhà trường và là trách nhiệm của ngành giáo dục. Nhận thức của những chủ nhân tương lai, còn hình thành trong mỗi thử thách các em vượt qua trên đường đến trường hàng ngày.

Tiến, Hiếu và Dũng học cấp 2 ở trường THCS Phong Khê. Từ Ngô Khê nơi các cậu ở, ba học trò hàng ngày đạp xe một quãng chừng 3 km vượt đường đê và qua cầu bắc ngang con sông Ngũ Huyện Khê để đến trường.

Đây sẽ là một bức tranh đồng quê khá nên thơ, nếu lũ bò các cậu gặp trên đường đang ăn cỏ, chứ không phải là vục đầu vào đống rác nylon và giấy vụn cao đến nóc nhà; hay con sông trong vắt, gió thổi rì rào chứ không phải dòng nước đen, đỏ đặc quánh bốc mùi; và mấy trăm ống khói đang nhả khói bếp rơm, chứ không phải khói đốt nhựa cao su.

“Phong Khê mà cô chú, khói bụi đầy mồm”, Dũng giới thiệu về ngôi làng bằng nét cười láu lỉnh.

Phong Khê được biết đến từ những năm 50 của thế kỷ trước với cái tên Đống Cao, làng sản xuất giấy lớn nhất nhì miền Bắc. 70 năm sau, thay vì làm giấy thủ công bằng vật liệu, chất đốt tự nhiên, khoảng 200 hộ dân ở đây giờ sử dụng nhựa và cao su làm chất đốt.

Mỗi năm địa phương này làm ra khoảng 200.000 tấn giấy, thải ra khoảng 2 triệu mét khối nước, phần lớn không qua xử lý, ra sông Ngũ Huyện Khê. Thực tế, đầu năm 2017, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư gần 400 tỷ đồng xây dựng dự án thoát nước và xử lý chất thải, nhưng các ống thoát nước đi thẳng ra dòng sông.

Theo khảo sát 22 làng nghề vào năm 2015 của Trung tâm Quan trắc và Phân tích TN&MT, nồng độ các chất gây ô nhiễm trong nước và không khí cao gấp nhiều lần mức cho phép. Vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng của hàng nghìn làng nghề truyền thống đã được Bộ Tài nguyên Môi trường nhận diện từ đầu thập niên này, nhưng hoàn toàn chưa có cách giải quyết triệt để.

Ở trường, nơi Tiến, Hiếu và Dũng đang học, thầy cô và bọn trẻ chấp nhận đóng kín tất cả các loại cửa quanh năm để ngăn khói từ những cơ sở công nghiệp ngay gần trường.

Đường đến trường của học sinh thôn Xuân Lũng có một đoạn dài 100 m được ghép từ 17 bè tre, bắc qua sông Kỳ Cùng. Cây cầu tre là thứ duy nhất kết nối hơn 300 sinh mệnh với thế giới bên ngoài.

30 đứa trẻ người Nùng, ngày hai hoặc bốn lần đi học trên con đường tre này. Chúng đến được trường hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Mùa mưa lũ, nước lên, bè đứt, 67 gia đình, 320 nhân khẩu bị cô lập. Mười năm nay, 13 người đã rơi xuống sông lúc qua “cầu”, 6 người được cứu, còn 7 người chết.

“Có một cây cầu bê tông” là ước mơ hàng nhiều thập kỷ nay của người Xuân Lũng và lũ học trò.

Những dòng sông, con suối mỗi mùa mưa lũ khiến đường đến trường của nhóm học sinh dân tộc thiểu số xa xôi hơn. Theo khảo sát của UNDP, trung bình một em học sinh dân tộc thiểu số Việt Nam phải đi trung bình 17,6km để đến trường THPT. Một đứa trẻ người Nùng trung bình sẽ cách trường trung học hơn mười cây số, đứa trẻ Ơ Đu thì phải đi mất 70 km và Rơ Măm là 60 km.

Đoạn đường tre mà học sinh Xuân Lũng đi qua mỗi ngày phản ánh sự thiếu hụt hạ tầng cơ sở – “điểm nghẽn” trong sự phát triển chung của khu vực miền núi phía Bắc. Trong hàng trăm xã trên cả nước chưa có đường giao thông vào trung tâm, thì miền núi phía Bắc chiếm 80% số xã.

Tại một hội nghị đầu tháng 8, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến đã khẳng định “Việt Nam rất khó hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia” nếu không quan tâm đầu tư cho miền núi.

Sáng sớm mờ sương, trên con đường lầy lội từ nhà đến trường, Bích mặc chiếc áo dài trắng may từ năm lớp 10, vải nay đã ố vàng lẫn màu của đất đỏ bazan. Em khoác tạm một chiếc áo bên ngoài cho đỡ lạnh, nhưng đến cổng trường sẽ cởi ra ngay nếu không muốn bị sao đỏ ghi sổ. Áo khoác đồng phục trường đã sờn rách tả tơi, nằm lại ở nông trường cao su bên Lào.

Như hầu hết các hộ dân khác ở Chư Pưh, rẫy tiêu của nhà Bích đã chết trắng. Đám nghệ sau nhà rớt giá thê thảm không ai mua. Gia đình đang mắc nợ hơn 500 triệu đồng. Nhà cửa, đất rẫy đều nằm trong tay ngân hàng. Tín dụng đen dăm hôm lại cho người vào quấy phá. Gia đình ly tán. Bố mẹ qua Lào làm công nhân cạo mủ cao su, không biết bao giờ mới về lại quê. Hai chị em phải sang tá túc nhà ngoại để tránh mặt giang hồ đòi nợ. Nghỉ hè, chị em nó sang Lào thăm, tranh thủ kiếm thêm ít ngày công đỡ đần.

Với Bích, năm học mới này thật đặc biệt, không phải bởi đây là năm cuối cấp với những kỳ thi căng thẳng mà còn là năm học cuối cùng nó được trải qua trong đời.

Bầu trời mùa mưa Tây Nguyên xám xịt, hai bên đường là những cánh đồng xanh mướt bát ngát, tưởng chừng có thể tô sáng cho bức tranh vùng quê ảm đạm. Nhưng nhìn kỹ, màu xanh ấy không phải từ cây trái, hoa màu. Đó là màu của cỏ voi, cỏ dại mọc trên ruộng đồng bị bỏ hoang lâu ngày.

Đi thêm một đoạn, màu xanh dần xen lẫn đám đen. Những cột tiêu khô rốc lộ diện, đứng chỏng chơ cùng cây dại trên nền đất đỏ.

“Nơi đó từng là những hàng tiêu ngút ngàn. Bao la là tiêu. Nhìn đâu cũng thấy tiêu”, Bích nhớ lại. Chư Pưh quê Bích từng là thủ phủ tiêu của vùng cao nguyên đất đỏ. Không ít nông dân sau vài vụ tiêu đã trở thành đại gia. Họ xây nhà to, ốp đá hoa cương lên tường, sắm ôtô cùng đất rẫy bạt ngàn. Nhà nhà đổ xô chặt cây cà phê, vay ngân hàng, vay tín dụng đen, mở rộng đất trồng tiêu với giấc mơ bạc tỷ.

Đến cuối năm 2017, diện tích hồ tiêu tại Gia Lai đã vượt hơn gấp đôi quy hoạch. Gia đình Bích cũng không nằm ngoài cơn lốc vàng đen ấy. Như nhiều hộ khác, bố Bích mang căn nhà, đất rẫy đi thế chấp ngân hàng cùng tất cả tiền bạc tích luỹ đổ xuống những trụ tiêu.

Nhưng rồi tiêu chết hàng loạt không rõ nguyên do, giá tiêu cũng rớt thê thảm từ năm 2015 đến nay. Càng trồng với hy vọng mùa sau tốt hơn mùa trước, các hộ dân càng ngập trong nợ nần. Tiêu vẫn chết, lá dần héo vàng. Những dây tiêu may mắn sống sót cũng không thể cứu được nông dân khi giá hạt tiêu đen tiếp tục trượt dốc không phanh, từ trên 200.000 đồng/kg xuống còn chưa đầy 50.000 đồng. Canh bạc giữa trời thua trắng.

Đường đến trường của Bích giờ đây băng qua những nghĩa địa hồ tiêu, những ruộng vườn bỏ hoang, và một bi kịch “được mùa mất giá” điển hình của nền nông nghiệp Việt Nam.

Học sinh đi học về lúc 17h, bị bủa vây trong màn “sương trắng” từ khói đốt rơm rạ và bụi đường trên Quốc lộ 32, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Ô nhiễm không khí do bụi đã trở thành vấn đề nổi cộm nhất tại các đô thị Việt Nam. Chỉ trong ba tháng đầu năm 2017, Hà Nội đã có 78 ngày vượt chuẩn của thế giới về chỉ số hạt bụi lơ lửng gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ, ô nhiễm bụi thường tập trung vào các tháng mùa đông, nửa đêm và sáng sớm.

Chất lượng môi trường không khí tại đô thị chịu ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, độ che phủ cây xanh và các hoạt động kinh tế, xã hội, giao thông… Ước tính, mật độ che phủ cây xanh ở Hà Nội và TP HCM chỉ bằng một nửa tiêu chuẩn, dưới 4m2/người.

Chính quyền đã xác định nguyên nhân gây ô nhiễm không khí phần lớn từ nguồn xả thải của ô tô, xe máy. Hà Nội có khoảng 2,5 triệu xe vẫn lưu thông dù hạn sử dụng đã hết từ trước năm 2000.

“Ô nhiễm không khí của thủ đô đã ở mức báo động đỏ”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phát biểu trong buổi làm việc với Phó thủ tướng hồi tháng 2/2017. 

Vào thời điểm bức ảnh được chụp, các học sinh cùng 22.000 người dân thủ đô đã có hai tuần sống chung với lũ, có chỗ nước dâng cao tận mái nhà.

Cơ quan chức năng lý giải, mưa lớn nhiều ngày gây ra “lũ rừng ngang” từ Hòa Bình đổ về sông Bùi, sông Tích khiến nhiều vùng của Quốc Oai, Chương Mỹ ngập không lối thoát. Để ngăn nước tràn xuống hạ lưu, bộ đội, thanh niên đã phải liên tục gia cố các đoạn đê.

Để nước tràn qua đê Hữu Bùi khi lũ vượt báo động 3, bảo vệ an toàn cho đê Tả Bùi được lý giải “là phương án từ xưa đến nay, hàng ngàn đời nay đã và đang tồn tại”. 

Trong khi chờ chính quyền tìm ra cách giải quyết, mùa tựu trường cũng là mùa mưa lũ vài năm tới, học sinh ngoại thành Hà Nội… vẫn sẽ leo mái nhà, bám bờ tường hoặc ngồi trên thuyền nhôm, cano đến trường.

“Tụ nước” xuất hiện trong báo cáo của Trung tâm chống ngập TP HCM, mô tả tình trạng ngập trên diện rộng hàng chục tuyến đường thành phố sau một cơn mưa chiều 19/5. 

Bất chấp việc không gọi tên khái niệm là “ngập”, những con đường tụ nước này vẫn ngập ngang đầu gối những đứa trẻ trên đường đến trường hàng ngày.

Vẫn có nhiều người quy tình trạng này về hậu quả của biến đổi khí hậu. Nhưng trong 10 năm qua, khi mực nước biển mới dâng thêm 2cm thì đỉnh triều trong lòng các con phố đã đạt tới hơn 40 cm. Lãnh đạo UBND TP HCM giải thích nguyên nhân ngập nước là “do lịch sử, do con người, do cả quản lý quy hoạch nhà nước và ý thức xã hội, người dân”.

Trong khi thành phố còn loay hoay tìm nguyên nhân, thì những vũng nước tụ này, hằng năm, vẫn đều đặn gây ảnh hưởng trên diện tích khoảng 550 km2, nơi sinh sống của khoảng 7 triệu dân thuộc 13 quận trung tâm.

Chỉ trong 5 năm, các điểm “tụ nước” ngốn hơn 100.000 tỷ đồng. Các dự án chống ngập của TP HCM trong giai đoạn 2015- 2020 được vẽ lên với 200 km cống thoát nước, 7 nhà máy xử lý nước thải, 3 hồ điều tiết, 8 cống kiểm soát triều, 68 cống dưới đê, 19 bờ bao xung yếu… với những cái tên tạo nên niềm tin về sự kiên cố.

Dọc đường Lê Duẩn treo nhiều tấm biển với dòng chữ “Chú ý tàu hỏa”.

Duy ngày nào cũng vài lần đi ngang qua chỗ có treo một tấm biển như thế để đi học, đi sang nhà bạn chơi hay đi đá bóng. Băng qua đường ngang là cách duy nhất để cậu học sinh lớp 7 sống “bên này” sang được “bên kia”. 

“Sợ gì, em đi từ bé, quen rồi”, Duy trả lời câu hỏi về cảm nhận cá nhân với con đường đi học khá đặc biệt của mình. Cho đến giờ, Duy vẫn may mắn hơn nhiều người. Gần đó, một cô gái 18 tuổi mới về làm dâu ở Ngọc Hồi, Hoàng Mai mới tàu hỏa đâm thiệt mạng cũng trong lúc băng qua đường ngang dân sinh để “sang bên kia đường tàu”.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thống kê cứ 1,8 km đường sắt lại có một đường ngang dân sinh. Số đường ngang dân sinh hợp pháp, có người gác, có biển cảnh báo khoảng 1.500, nhưng số đường ngang trái phép do dân tự mở lên tới hơn 4.000.

Từ tháng 9/2017 đến tháng 4/2018, đã có 199 vụ tai nạn đường sắt, làm 91 người chết và 122 người bị thương. 

Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 là một trong những quốc gia có hệ thống tàu lửa hoàn thiện nhất châu Á. “Nhưng sau hơn 100 năm thì kém dần và nay thực sự rất lạc hậu”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải thừa nhận trên nghị trường Quốc hội cuối tháng 5/2017.

Cách cổng trường Tiểu học Dịch Vọng B và THCS Dịch Vọng hơn 100 m là một điểm tập kết rác.

Khoảng 17h, thời điểm tan học, cũng là khi hàng chục chiếc xe đầy rác được dồn về, đợi xe tải vệ sinh môi trường đến chở đi. Những xe rác không có che chắn, dòng nước bẩn rỉ xuống, tràn ra vỉa hè. Học sinh và phụ huynh đi qua, người trò chuyện, người cầm sách đọc nhưng không thấy ai bịt mũi hay nhăn mặt. Họ đã quen với điều này.

Học sinh hai ngôi trường trên không phải những đứa trẻ duy nhất đi qua một điểm tập kết rác lộ thiên. Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng hơn 3.000 điểm tập kết rác tự phát và kém chất lượng, đa số nằm trên vỉa hè, hoặc lòng đường của các con phố chính.

Hà Nội trung bình thải ra gần 6.500 tấn chất thải rắn mỗi ngày, chưa kể chất thải nguy hại và chất thải y tế. Các biện pháp thu gom vẫn dựa hoàn toàn vào sức người. Cho dù chỉ 2/3 lượng rác thải của Hà Nội được thu gom, nó vẫn là gánh nặng đối với khâu xử lý.

Hà Nội chủ trương đến 2020, xây dựng 17 khu xử lý rác thải tập trung, nhưng đến nay mới có 8 khu đi vào hoạt động. Trong lúc chờ các nhà máy đang xây dựng, người dân đô thị Việt Nam vẫn học cách sống chung với rác, và chấp nhận với lý giải từ cơ quan công quyền “rác hôi do biến đổi khí hậu”.

Xung quanh khu Quân ở có bốn con đường trị giá cả nghìn tỷ đồng mỗi km. Nhưng hằng ngày cậu bé vẫn phải xắn cao quần lội nước đến trường. 

Trong ảnh là Nguyễn Trung Quân, học sinh trường THCS Lương Định Của, quận 2, TP HCM trên đường đi học, một sáng tháng 5 năm 2018. Nhà Quân nằm trong diện giải tỏa của khu đô thị mới nổi Thủ Thiêm, nơi tấm bản đồ quy hoạch cho đại dự án kéo dài hơn 2 thập kỷ, sau nhiều lần sửa đổi, bỗng một ngày bị tuyên bố “thất lạc”. 

Bố mẹ Quân kiên quyết bám trụ trong bán đảo vì họ không thuộc diện bị giải tỏa, theo tấm bản đồ quy hoạch từ 22 năm trước. Thủ Thiêm còn không ít nhà như nhà Quân. Người còn nhà, người bị cưỡng chế giải tỏa, ở tạm trong những lán, bạt, lều do không đồng ý với mức giá đền bù đất hoặc do các vấn đề xung quanh khu tái định cư. Có khoảng hơn 100 gia đình như thế.

Họ sống giữa những ngổn ngang đất đá công trình và tiếng máy xúc, máy trộn, máy đầm. Hệ thống thoát nước bị tắc nghẽn do hoạt động xây dựng, người trụ lại ở Thủ Thiêm cùng Sài Gòn lội qua những mùa “tụ nước”. 

Ngoài khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhiều dự án khác trên địa bàn thành phố như khu đô thị sinh thái hiện đại Bình Quới – Thanh Đa cũng chung số phận. Sau 26 năm cùng với ba lần thay đổi chủ đầu tư, khu đất dự án rộng 426 hecta một lần nữa rơi vào tình trạng đợi chờ. 

Tính đến tháng 7 năm 2018, toàn thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1.300 dự án treo và gần một nửa số này đã bị xóa sổ. Ngoài ra còn hơn 900 ha đất bỏ hoang và 14.000 căn hộ cùng nền đất đã hình thành trong nhiều năm nhưng chưa bố trí sử dụng.

 

NGUỒN:  Theo Báo VnExpress

Link bài: Mảnh ghép xã hội nhìn từ con đường đến trường
(https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/manh-ghep-xa-hoi-nhin-tu-con-duong-den-truong-3803350.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *