Mệt vì chiết khấu của siêu thị

Giáng Hương / Thời báo Ngân hàng


Mức chiết khấu lên tới 40%

met vi chiet khau cua sieu thi
Mức chiết khấu cao đã làm khó nhiều doanh nghiệp khi đưa sản phẩm vào siêu thị.

Hàng hóa, nông sản Việt đã thâm nhập, xuất hiện ngày càng phổ biến với đa dạng chủng loại cùng lượng tiêu thụ ổn định tại nhiều hệ thống siêu thị lớn, nhỏ khắp thế giới, được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng. Hàng nghìn doanh nghiệp Việt đã kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Walmart (Mỹ)… Thế nhưng tại các siêu thị trong nước, nhiều doanh nghiệp lại đang gặp không ít khó khăn.

Bà Đỗ Kim Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Kim Thông chia sẻ, đơn vị mong muốn đưa sản phẩm hạt Sachi sạch vào hệ thống phân phối của siêu thị lớn để phát triển thị trường trong nước. Tuy nhiên, chi phí sản xuất cao, giá thành vận chuyển lớn, trong khi đó có siêu thị yêu cầu chiết khấu lên tới 40% nên rất khó thỏa thuận.

Để quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng, không chỉ Hợp tác xã Kim Thông mà nhiều đơn vị đã chủ động tham gia các cuộc xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ của các tỉnh, thành và có mặt tại các siêu thị nhỏ, các cửa hàng thực phẩm sạch… nhưng “khó vẫn hoàn khó”.

Thậm chí, một số doanh nghiệp buộc phải rời siêu thị do mức yêu cầu chiết khấu quá cao. Đơn cử, Công ty gốm sứ Minh Long là một trong số ít thương hiệu của Việt Nam đã “vượt biên” từ rất sớm thông qua hệ thống siêu thị, hiện cũng phải rời đi để thành lập chuỗi cửa hàng riêng, tăng cường bán hàng trực tuyến, kênh thương mại điện tử và có hệ thống phân phối đến tận tay người dùng, nhằm cắt giảm chi phí phân phối.

Tương tự, sau 1 năm vào siêu thị, một doanh nghiệp thực phẩm đành phải bỏ cuộc, rút hàng khỏi siêu thị vì lỗ gần 200 triệu đồng mà vẫn không xây dựng được thương hiệu.

Các doanh nghiệp còn cho biết không khó trong tiếp cận khách hàng mà khó vì mức chiết khấu hơn 30% của siêu thị; số lượng hàng tồn kho, hết hạn nhiều mà còn phải chủ động thay thế, bổ sung…

Từ thực tế trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khẳng định, với mức chiết khấu từ 25-40%, thậm chí 50%, cộng thêm các chi phí khác như sinh nhật siêu thị, chi phí đầu kệ, chi phí cho chiến dịch quảng cáo khuyến mại, trang trí, mở mã hàng… thì chắc chắn ít doanh nghiệp nào trụ nổi từ 5 năm trở lên tại các siêu thị.

Trong khi đó, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các hàng hóa nhập khẩu trên các kệ hàng siêu thị, hàng nội phải “dạt” về nông thôn để có thêm doanh số.

Khẳng định giá trị từ chất lượng hàng hóa

Lý giải nguyên nhân các siêu thị đưa ra mức chiết khấu lớn như vậy, đại diện một siêu thị lớn tại Hà Nội cho biết, hầu hết các siêu thị cũng phải đứng trước nhiều áp lực cả về chi phí và trách nhiệm xã hội. Trong trong bối cảnh giá xăng dầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, siêu thị cũng buộc phải tăng chi phí như lương nhân viên, logistics, hệ thống điện lạnh… để duy trì hoạt động, điều này cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới giá cả đầu vào của hàng Việt tại các siêu thị.

Với trách nhiệm xã hội, siêu thị cũng là một trong những nơi cố gắng kìm hãm tối đa việc tăng giá, kể cả doanh nghiệp có tăng giá cung cấp, siêu thị vẫn giữ giá, thậm chí giảm giá cho người tiêu dùng. Để thực hiện được những nhiệm vụ trên các siêu thị buộc phải giữ mức chiết khấu như hiện tại.

Tuy nhiên, một chuyên gia chỉ ra rằng, thực tế, có những siêu thị yêu cầu những chi phí vô lý, thậm chí quá lớn so với quy mô của doanh nghiệp, nhưng cũng có những siêu thị vẫn miễn hoặc có mức chiết khấu phù hợp cho các doanh nghiệp Việt, hỗ trợ đưa hàng trực tiếp vào siêu thị thông qua trung gian. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các chính sách của siêu thị để có kế hoạch phân phối hàng hóa cho hợp lý, đừng vì “những con sâu làm rầu nồi canh” mà quên đi những lợi ích của siêu thị trong việc phát triển bền vững.

Còn liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp Việt chưa tiếp cận được hết phân phối này, ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn, Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm của Lotte Mart Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp lớn sẽ có lợi thế so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ về hồ sơ, thủ tục để đưa hàng vào chuỗi siêu thị; nhiều doanh nghiệp vẫn còn khá bỡ ngỡ trước một số quy định liên quan đến quy chuẩn hàng hoá – vốn để chắc chắn rằng sản phẩm được phân phối đã có chứng nhận, đảm bảo về mặt chất lượng cho người tiêu dùng.

Muốn sản phẩm Việt “chiếm lĩnh” các siêu thị, theo các chuyên gia thì chất lượng phải đi tiên phong. Bởi, sự yếu kém ở khâu sản xuất là một trong những lý do khiến cho lượng hàng hóa Việt vào siêu thị còn nhỏ; nhiều siêu thị cố tình đặt chiết khấu cao để “từ chối khéo” các sản phẩm chất lượng kém.

Đồng thời, phải gắn kết với khâu bán lẻ thành chuỗi, bớt những khâu trung gian, thương lái. Đặc biệt, phải luật hóa việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất và phân phối, mà trước hết ưu tiên cho người sản xuất; tạo lập một môi trường kinh doanh sản xuất minh bạch, công khai, bình đẳng, chấm dứt những hiện tượng độc quyền cho ký gửi, hoặc mua hàng của một số siêu thị.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/met-vi-chiet-khau-cua-sieu-thi-132642.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *