Trần Quí Thanh
—–
Trước đây, đa số người Việt Nam sính ngoại, chỉ tin vào hàng ngoại nhập, nhưng hiện nay đã có một xu hướng khác, đó là ủng hộ hàng sản xuất trong nước.
Xu hướng này được tạo ra từ 2 nguyên nhân sau:
Một là các nhà sản xuất trong nước đã thay đổi công nghệ, sản xuất ra một số mặt hàng có chất lượng bằng hoặc cao hơn hàng nhập khẩu, đặc biệt là giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Nước uống Tân Hiệp Phát được người tiêu dùng yêu thích, mới vượt được thị phần của các hãng nước uống khổng lồ thế giới tại thị trường trong nước.
Thứ hai là người Việt Nam có ý thức ủng hộ các nhà sản xuất trong nước, để thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu cho ngân sách, giảm nhập siêu. Nếu như có sản phẩm nào của nhà sản xuất trong nước tốt, giá cả phải chăng, là người Việt Nam ưu tiên lựa chọn.
Nhưng hàng Việt Nam phải thực sự là hàng Việt Nam, không thể bị lợi dụng, đưa hàng sản xuất ở nước khác để gắn mác “Made in Việt Nam”.
Ở đây, cũng cần bàn thêm cho rõ thuật ngữ “Made in…”.
Cũng có nhiều sản phẩm, nguyên liệu và công nghệ của nhiều quốc gia khác nhau, nhưng được sản xuất tại Việt Nam nên họ ghi rõ “Made in Việt Nam”.
Ví dụ như, các sản phẩm của Nike, Intel, Samsung sản xuất tại Việt Nam, ghi rõ “Made in Việt Nam” là ghi xuất xứ nơi sản xuất, còn nguyên liệu, công nghệ lại là chuyện khác, có sự tham gia của “chuỗi giá trị toàn cầu”.
Dù là “Made in Việt Nam”, nhưng sản phẩm đó vẫn là Nike, Adidas, Samsung, không thể là một thương hiệu của Việt Nam.
Dù lắp ráp tại Việt Nam, nhưng ô tô thương hiệu Toyota, Kia, Mazda thì không thể thay đổi.
Ngược lại, một nồi cơm điện, ti vi, nhập nguyên chiếc từ nước ngoài về bóc nhãn nước ngoài và dán nhãn thương hiệu Việt Nam, thì không thể gọi là “Made in Việt Nam” và càng không thể là “Hàng Việt Nam chất lượng cao” được. Điển hình như nồi cơm điện Sunhouse của Trung Quốc, nhập về lại dán tem “Hàng Việt Nam chất lượng cao” là quá vô lý.
Chúng ta cổ xúy cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam thực sự, làm ăn trung thực, minh bạch.
Lắp ráp tại Việt Nam thì ghi rõ tại Việt Nam, nhưng không giấu giếm xuất xứ của hàng hóa, công nghệ. Sản xuất được hàng Việt Nam chính hiệu thì ghi rõ là hàng Việt Nam.
Chỉ có minh bạch, chân chính, doanh nghiệp Việt Nam mới vượt lên bằng thiên hạ được.
Sài Gòn ngày 27/06/2019
TQT
Bài đọc thêm, Link: “Made in Việt Nam”: Tài sản quốc gia, đừng lợi dụng
(https://tuoitre.vn/made-in-vietnam-tai-san-quoc-gia-dung-loi-dung-2019062607543254.htm)