Mở rộng đô thị không phải là cái chợ được phình to

Trần Quí Thanh

Tính đến năm 2018, Việt Nam có 804 đô thị và 74.000 điểm thị tứ hóa với dân số đô thị là 42 triệu người. Ảnh: THÀNH HOA – TBKTSG

—–

Kính gửi anh Dr Thanh

Cảm ơn anh đã trả lời thiệt nhanh ý kiến của tôi. Biết anh bận rộn trả lời cho lớp trẻ về các vấn đề lập nghiệp, nhưng lớp già tụi tôi cũng muốn được trao đổi với anh về các vấn đề kinh tế xã hội mà mọi người quan tâm.

Lần này tôi gửi tới anh vấn đề này: Cần mở rộng hay nâng cao Sài Gòn? Tui nghĩ Sài Gòn lớn không bằng sài Gòn đẹp và hiện đại, với cả muốn Sài Gòn lớn đâu chỉ cơi nới Sài Gòn cho rộng mãi thêm ra. Đúng không anh?

Chúc anh mạnh giỏi

Lê Minh Hoá (Sàigon): Leminh_hoa_2011@gmail.com

—–

Anh Lê Minh Hóa mến!

Một trong những áp lực của tất cả các thành phố lớn trên thế giới là tăng dân số cơ học. Người dân ở các tỉnh nông nghiệp, địa phương nghèo luôn tìm đến các thành phố lớn để mưu sinh, Tp.HCM hay Hà Nội không thể thoát ra khỏi quy luật này.

Chính vì dân số của Tp.HCM tăng nhanh nên các nhà quy hoạch đưa ra giải pháp đáp ứng các vấn đề về kinh tế xã hội bằng cách mở rộng đô thị, nhưng theo tui, đây không phải là ý tưởng hay. Tui xin hỏi, mở biết bao nhiêu cho đủ, chẳng lẽ trong tương lai, khi dân số tăng cao hơn nữa thì Tp.HCM lại tiếp tục mở rộng.

Diện tích đất có giới hạn, vấn đề là khai thác hiệu quả, trên cùng một tài nguyên hay một khoảnh đất, nhưng hai cái đầu khác nhau sẽ cho ra hoa trái khác nhau.

Không bàn đâu xa, chúng ta mới kỷ niệm 10 năm mở rộng Hà Nội, và ai cũng biết, những mục đích đặt ra không đạt được, đó không phải mở rộng đô thị cho Thủ đô, mà Hà Nội trở thành một cái chợ được phình to ra. Mở tới đâu đi nữa mà hạ tầng lạc hậu, nhơm nhếch, xấu xí, thì đó vẫn là cái chợ làng chứ không phải là đô thị.

Tp.HCM cũng vậy thôi, quy hoạch ngay chính quỹ đất hiện hữu, áp dụng quản lý đô thị bằng các chương trình thông minh, chính quyền điện tử, xử lý được các tồn tại kẹt xe, ngập nước, tổ chức giao thông hiện đại, giãn được dân bằng di dời các khu tập trung hành chính cũng như sản xuất ra các quận huyện ngoại thành.  Đó mới là giải pháp.

Trên thực tế, TPHCM còn nhiều quỹ đất của các quận, huyện để khai thác như Củ Chi, Cần Giờ, vấn đề là đừng bị băm nát, vụn vặt mà tạo ra không gian sống đô thị hiện đại. Muốn khai thác hiệu quả quỹ đất, cần có cái đầu của một tổng công trình sư thứ thiệt, không phải là tư duy của kẻ buôn đất.

Xa hơn, đó là tầm nhìn chiến lược cấp quốc gia, đó là phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh, địa phương khác, đó là cách tốt nhất để hạn chế di dân cơ học vào các thành phố lớn.

Ý tui vậy đó, anh Hóa thấy được không?

Chào và chúc anh mạnh khỏe, vui vẻ.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *