Bùi Tâm An / TBKTSG
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có chỉ đạo các bộ ngành tăng cường thực hiện các nhiệm vụ cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đây là lần thứ hai trong tháng 8, lãnh đạo Chính phủ có những chỉ đạo về công tác này với những nội dung đã rất quen thuộc.
Một trong những chỉ đạo trong công văn 9008 phát đi từ Văn phòng Chính phủ kể trên là “các bộ, cơ quan tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp liên quan tại Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 6-2-2017; quyết định số 2026 ngày 1-11-2015…; đặc biệt là phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật được giao… trong năm 2017”.
Như vậy, một lần nữa, Chính phủ lại có “tối hậu thư” cho việc hoàn thành sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật nhằm thay đổi toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành, hướng đến mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hóa (về mức 10 ngày đối với xuất khẩu và 12 ngày đối với hàng nhập khẩu vào năm 2016 và về mức dưới 5 ngày vào năm 2020); giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra…
Chẳng hạn, với 87 văn bản từng được điểm mặt, chỉ tên trong Quyết định 2026 (yêu cầu phải hoàn thành ngay trong quí 1 và quí 2-2016, một vài trường hợp được gia hạn đến quí 4-2016), Bộ Tài chính, đơn vị được giao chủ trì đề án cải cách trong suốt 1 năm sau đó đã phải liên tục có những văn bản đề nghị các bộ ngành làm lại công tác rà soát, sửa đổi và số lượng văn bản vẫn ở con số rất lớn. Nguyên nhân là có bộ có sửa nhưng sửa chưa triệt để, có bộ lại không tích cực, có bộ lại bỏ cái này nhưng phát sinh cái khác… Sự việc được báo cáo lên Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ cũng đã không ít lần nhắc nhở các bộ ngành.
Trước chỉ đạo ở văn bản 9008 này, chỉ mới hồi đầu tháng 8 thôi, chính Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với tư cách là trưởng ban của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban chỉ đạo 1899) cũng đã đánh giá số lượng văn bản cần sửa đổi, bổ sung tồn đọng nhiều, một số lĩnh vực còn bị bỏ sót và yêu cầu các bộ liên quan phải khẩn trương, rà soát theo đúng tiến độ đề ra, văn bản nào không thể bỏ, sửa thì phải báo cáo lý do cụ thể.
Chỉ một chi tiết về văn bản này thôi cũng đã thấy, câu chuyện cải cách, thay đổi công tác kiểm tra chuyên ngành phức tạp như thế nào và nguyên nhân khiến tình trạng chồng chéo, trùng lắp, phức tạp dù doanh nghiệp kêu mãi, chuyên gia chỉ ra vẫn chưa được giải quyết. Hậu quả là doanh nghiệp vẫn nặng gánh chi phí, tốn thời gian và mất cơ hội kinh doanh.
Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Việc sửa các văn bản là quy định về kiểm tra chuyên ngành khó đến mức không thể làm “ngay và luôn”? Vì các bộ ngành có quá nhiều việc phải làm? Các quy định kể trên liên quan mật thiết đến công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ người tiêu dùng trong nước?…
Các bộ ngành, theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, cũng từng có nhiều văn bản giải trình, báo cáo. Tiếc rằng, những báo cáo dạng này không được công khai, doanh nghiệp không thể biết. Họ, như chia sẻ, vẫn nói với nhau rằng, nguyên nhân sâu xa là bỏ, sửa các quy định đi rồi thì các ngành lấy gì mà “vin” doanh nghiệp lại. Mục đích để làm gì, thì hẳn là ai cũng rõ.
Việc chậm trễ sửa, bỏ của các bộ ngành trong hai năm qua với 87 văn bản đã được điểm tên, chỉ mặt kể trên cũng như những thay đổi được nhận xét là ở phần ngọn, nhỏ giọt của công tác này đã khiến doanh nghiệp mỏi mòn chờ đợi, hy vọng rồi lại thất vọng. Thậm chí, có doanh nghiệp nói, họ không còn chờ đợi và tin tưởng, cứ mặc “đến đâu biết đến đó”.
Vì vậy, có lẽ, những người đứng đầu Chính phủ cần có biện pháp mạnh hơn với các bộ ngành chậm trễ để tinh thần “Chính phủ kiến tạo” thực sự lan tỏa và đi vào đời sống. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thêm cơ hội cạnh tranh trong thương trường đang ngày càng khốc liệt này.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn