Khi gặp thất bại, phải tự trách mình trước

Trần Quí Thanh

Nguồn: Internet

 Dạ con chào chú.

Lời đầu tiên cho con gửi hỏi thăm sức khoẻ chú và cô Nụ. Không biết nay sức khoẻ của cô Nụ đã trở lại bình thường như trước đây chưa ạ?

Đọc xong cuốn sách của chị Uyên Phương viết con thấy cảm phục chú vô cùng. Con nghĩ đó là món quà của những người con muốn dành tặng cho ba má của mình.  Qua câu chuyện nhà Dr Thanh, con cũng muốn có đôi dòng tâm sự.!

Dẫu biết rằng mỗi con người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng quan trọng là con người ta có biết cố gắng vượt qua hoàn cảnh hay ko mới là vấn đề. Đọc cuốn tự truyện về chuyện nhà Dr Thanh con mới hiểu thấm thía thêm giá trị cuộc đời và thấy mình cần phải phấu đấu, phấn đấu thật nhiều hơn nữa.

Qua câu chuyện của chuyện nhà Dr Thanh, nhiều bạn đọc chắc cũng sẽ liên tưởng đến câu chuyện của gia đình mình. Và con cũng vậy, con sinh ra trong một gia đình nông thôn vùng miền núi, nhà có 3 anh em trai, bố mẹ không sống với nhau khi 3 anh em đang còn nhỏ. Mẹ mất do tai nạn giao thông khi con bước vào cấp 3. Bố bệnh nặng ngay từ khi 3 anh em mới lớn lên và cũng đã qua đời cách đây ko lâu. Ba anh em lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm bố mẹ. Trước đây lúc mới mang bệnh do bị sốt rét biến chứng thành bệnh động kinh mãn tính nên bố đã nhiều lần đánh đập mẹ đến thập tử nhất sinh, nhiều đêm 4 mẹ con phải trốn vào rừng ngủ vì bị bố truy đuổi đánh đập.

Sau hoàn cảnh đó con cũng đã tự thân cố gắng thi đỗ vào đại học và tự thân trang trải suốt 4 năm đại học ở trường ĐH VHHN. Do vừa đi học vừa phải đi làm thêm kiếm tiền ăn học nên kết quả học tập cũng có phần kém đi. Do nghành học chủ yếu làm trong cơ quan nhà nước nên cũng rất khó xin việc. Ra trường con cũng đã tìm việc làm nhiều nơi, đặc biệt là các công ty truyền thông, tổ chức sự kiện ở Hà Nội.

Đầu năm 2010, con quyết định vào ứng tuyển và làm việc ở bộ phận event công ty Tân Hiệp Phát. Lúc đó là anh Nguyễn An phụ trách. Con thấy anh An cũng rất giỏi chuyên môn và cũng có tiếng nói trong công ty. Thú thật lúc vào làm việc con cũng kém về tin học văn phòng và đặc biệt là tiếng Anh giao tiếp. Qua thời gian làm việc, con thấy ở THP môi trường làm việc cũng rất chuyên nghiệp nhưng cũng nhiều áp lực, công việc của con thường liên quan đến rất nhiều bộ phận phòng ban vì phải ký hồ sơ, tạm ứng kinh phí và xuất kho. Nhưng mỗi lần chuyển hồ sơ ký là phải chờ đợi, thậm chí phải ngon ngọt mới được ký cho mặc dầu người ký thì đang ngồi đó và đã đến ngày phải chạy chương trình rồi. Hầu hết phải vắt chân lên cổ chạy ký hồ sơ, rình, chờ mới kịp để ký hồ sơ và chạy chương trình, nếu phòng ban quen biết chút thì còn dễ xin chữ ký. Việc ký tá hồ sơ, xuất kho còn vất vả hơn rất nhiều so với khi chạy chương trình. Nhiều lần như vậy phải nhờ can thiệp của anh  An. Thiết nghĩ công thì bỏ hằng trăm triệu, có chương trình lên đến tiền tỷ để tài trợ lấy hình ảnh mà các phòng ban không  quan tâm tạo điều kiện để bộ phận event hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phải chăng đây cũng là cách làm việc hoặc quy trình quản lý chưa phù hợp. Nghe nói nay quy trình quản lý đã khác và thuận lợi hơn phải không chú.?

Sau hơn một năm làm việc, đã có chút kinh nghiệm thì con lại hướng đến lập gia đình nên đã phải bỏ THP để về quê sinh sống cưới vợ vào cuối năm 2011. Sau đó con chuyển sang làm kế toán tổng hợp cho công ty xây dựng được 02 năm, đến năm 2013 con thành lập Công ty CP hoạt động bên lĩnh vực môi trường, cây xanh và điều hành công ty từ đó cho đến nay cũng đã 5 năm.

Ban đầu văn phòng còn có 1 giám đốc và 1 kế toán, 1 bộ bàn ghế cũ dùng chung cho 2 người trong 1 kiot mượn tạm. Gian nan vất vả về kinh phí hoạt động, cùng với cơ chế xin cho ở Nghệ An rất phức tạp. Lương giám đốc ban đầu do anh em cổ đông duyệt chỉ có 2.500.000/tháng nên thiếu thốn vô cùng. Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng bằng tâm huyết của mình con cũng đã cố gắng xây dựng công ty lớn mạnh hơn với gần 100 công nhân. Hoạt động kinh doanh cũng đã đần đi vào ổn định như một bộ máy đã được lắp ráp dây chuyền chỉ việc chạy và cơi nới thêm.

Mặc dù vậy nhưng thời gian gần đây con đã thấy chán nản không muốn cống hiến sức mình cho tập thể là công ty CP vì nhiều vấn đề. Nhân viên cấp dưới thì làm việc trì trệ thiếu chuyên nghiệp, năng lực kém nhưng lại bảo thủ không nghe cấp trên, thậm chí cấp phó thì đôi lúc cũng lăm le muốn lên thay giám đốc mà không biết rằng năng lực yếu kém của mình, trong khi chủ yếu là do con đào tạo hướng dẫn công việc. Cổ đông thì chỉ biết góp vốn và soi mói, đòi hỏi chia cổ tức hàng năm mà ko biết đóng góp ý tưởng xây dựng, càng không muốn đầu tư nguồn nhân lực cũng như trang thiết bị cần thiết phục vụ công việc. Lúc mắng nhân viên cấp dưới vì không hoàn thành công việc thì các cổ đông cho là khó tính, kế toán chậm trễ khóa sổ làm thất thoát tiền thì cổ đông cho rằng lỗi của giám đốc và bảo vệ cho kế toán và còn cho rằng “ngu thì chết”.

Với những suy nghĩ và tư tưởng như vậy thì con thấy rằng mình đã lãng phí thời gian của mình để xây dựng tương lai cho người khác. Nên giờ đây con đã có suy nghĩ và quyết định dừng cuộc chơi. Đến đây con lại nhớ câu nói của chú về thực trạng và cách lập nghiệp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Qua dòng tâm sự này con cũng muốn nhờ chú chỉ giáo cho con đôi đường để con có sự lựa chọn sáng suốt hơn và lập nghiệp vững vàng hơn. Cảm ơn chú đã lắng nghe câu chuyện của con.

Minh Dương (Vinh)/ Rút từ inbox trên Fanpage Dr. Thanh

……………………

Chào cháu Minh Dương

Trước tiên, chú xin chia sẻ câu chuyện về quãng đời nhọc nhằn của cháu, thiếu tình thương và thiếu thốn cả vật chất. Đến mức phải trốn vào rừng vì bị cha truy đuối, đánh đập thì quá khổ rồi còn gì.

Về những bất cập trong quản lý của các bộ phận thuộc Tân Hiệp Phát, đến nay đã cải tiến, hoàn chỉnh. Rất cám ơn cháu vẫn còn quan tâm đến Tân Hiệp Phát.

Về công việc của cháu, chú cho rằng những khó khăn, cản trở thì ai cũng gặp, không ở dạng này thì ở dạng khác. Cho nên hãy bình tĩnh để dón nhận nó, giải quyết nó. Mình là một giám đốc thì phải xem tất cả khủng hoảng cũng là một phần công việc thuộc trách nhiệm của mình phải giải quyết. Nếu như mình chỉ than vãn, trách móc, vậy thì mình có xứng đáng với vị trí của một giám đốc hay không?

Qua câu chuyện cháu kể, chú nói thành thật nhé, chú toàn thấy cháu trách những người khác. Trách cấp phó, trách cấp dưới, trách ké toán, trách cổ đông, nhưng người đáng trách nhất trước tiên chính là mình.

Điều hành không được phó giám đốc, để họ phản ứng, đòi chiếm cái chức của mình. Đó là sự hạn chế năng lực  lãnh đạo của mình.

Để cho kế toán chậm trễ khóa sổ là do cách điều hành quản lý của mình, không phải do ai khác. Cháu là giám đốc dứt khoát cháu phải chịu trách nhiệm về việc này.

Để cho cổ đông có những phản ứng tiêu cực là do khả năng giải quyết khủng hoảng và xung đột của mình còn yếu. Cổ đông ở đâu chẳng đòi chia cổ tức, chẳng soi mói, vấn đề là mình phải xây dựng uy tín cá nhân, trình bày chiến lược và kế hoạch hoạt động của ban điều hành có lý lẽ, có sức thuyết phục thì họ phải nghe.

Khi gặp thất bại, đừng nói rằng ai đã hại mình, mà phải tự trách mình trước.

Con đường lựa chọn sáng suốt nhất mà chú “chỉ giáo” cho cháu là phải rèn luyện ý chí cá nhân sắt đá, có bản lĩnh và sự tự tin, có trách nhiệm và luôn luôn tích lũy tri thức. Không có những yếu tố cốt lõi đó, sẽ không bao giờ thành công.

Cháu hỏi thì chú phải trả lời thẳng thắn, trung thực với suy nghĩ của chú. Hy vọng cháu tiếp thu và không giận chú.

Chúc cháu thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *