Trần Quí Thanh
—–
Tại sao nhiều doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài khởi nghiệp? Tại sao có nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể?
Ví dụ, 9 tháng đầu năm 2018, có 50.050 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2017. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 11.536, tăng 32,1% so với năm 2017.
Trả lời hai câu hỏi trên không phải bằng cảm tính, mà bằng thực tiễn, trên cơ sở phân tích khoa học, khi đó mới chính xác và khách quan.
Trước hết, tui xin nói về doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoặt động. Chuyện này hết sức bình thường, bởi vì không phải ai bước ra kinh doanh cũng thành công. Không phải chỉ trong ngành kinh doanh mà bất cứ ngành nghề nào cũng vậy.
Tuy nhiên, nếu tỉ lệ doanh nghiệp thất bại, sập tiệm cao và tăng lên từng năm thì cần xem lại môi trường kinh doanh. Cũng giống như trong một hồ nuôi cá, có cá chết là quy luật sinh tồn, nhưng chết quá nhiều thì phải xem lại môi trường nước. Nơi nào cá chết càng nhiều thì nơi đó chắc chắn ô nhiễm càng cao.
Một môi trường kinh doanh mà chính sách chưa phù hợp hoặc thiếu vắng chính sách tốt thì cũng giống như nguồn nước thiếu oxy, một môi trường kinh doanh mà bị bàn tay tiêu cực can thiệp thì giống như môi trường nước bị nhiễm độc. Cá nào sống nổi?
Về cắt bỏ điều kiện kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng bên dưới vẫn không thực hiện đạt yêu cầu. Tương tự, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành không phù hợp cản trở hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành là những chiếc “nò”, “đó”, đơm cá.
Chính những loại này phá hoại môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp bị mất sức, mất nguồn lực nên sập tiệm hoặc không thể phát triển.
Một lực cản khác chính là môi trường ngoài chính sách.
Hạ tầng cơ sở quá lạc hậu, điều kiện xã hội chưa văn minh, không phù hợp cho việc phát triển các dự án công nghệ, hoặc muốn thực hiện cũng bị hạn chế phạm vi. Ví dụ, Grab có thể tham gia thị trường Việt Nam, nhưng xe Scooter của Telepod – Singapore không thể triển khai ở Việt Nam, vì giao thông hỗn loạn và chưa an toàn về tài sản.
Tương tự, có những chuyên gia trí tuệ nhân tạo muốn khởi nghiệp ở Việt Nam, nhưng các điều kiện phục vụ cho ngành này không thuận lợi nên bắt buộc phải chọn lựa một nước khác để bắt đầu.
Cho nên, theo tui, muốn phát huy nguồn lực của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, bắt buộc phải làm được song song hai việc:
Một là kiến tạo chính sách hiệu quả để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng. Hai là xây dựng hạ tầng công nghệ, khoa học kỹ thuật, môi trường xã hội văn minh, tiến bộ để hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai các dự án công nghệ.
Sài Gòn ngày 20/02/2019
TQT