Câu chuyện gây sốc của đại diện Facebook Việt Nam
Đầu năm 2017, đại diện Facebook Việt Nam ông Huỳnh Kim Tước đã kể một câu chuyện gây sốc. Dựa trên tính toán từ dữ liệu của Facebook, ông Tước cho biết có khoảng 50 triệu phú đô la tại Việt Nam và ông đã trò chuyện với một trong số họ.
“Đấy là một bạn trẻ 19 tuổi, hoạt động rất sôi nổi trên Facebook. Khi tôi hỏi bạn ấy kiếm được bao nhiêu, bạn ấy bảo đợt này không nhiều bằng đợt trước, bình quân chỉ đạt 100.000 USD/tháng thôi”, ông Tước cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ rằng bạn trẻ này và nhiều triệu phú tự thân khác, không muốn xuất hiện trước truyền thông. Họ là những triệu phú ẩn danh.
Ông Tước khẳng định thuế không phải là vấn đề, họ sợ chuyện khác. Cụ thể như anh chàng 19 tuổi kia bảo là e dè việc có thể “mỗi tuần sẽ có người đến hỏi thăm em”.
Không cần phải là triệu phú đôla tự thân với mức thu nhập khủng 100.000 USD/tháng mới sợ xuất đầu lộ diện. Một startup trẻ, làm việc trong lĩnh vực thực phẩm, với câu chuyện phát triển chuỗi nhượng quyền lên đến hàng trăm cửa hàng cũng “ngại được biết đến”.
“Anh từ chối phỏng vấn của một biên tập viên truyền hình rất nổi tiếng, anh cũng không muốn em kể chuyện của anh lên báo. Anh trốn được vài năm nay rồi, nếu nổi tiếng sẽ bị hỏi thăm”, startup này nói.
“Bạn anh có mấy cái công ty con, bị kiểm tra nhiều quá, giờ chuyển hết sang Singapore rồi, thủ tục bên đấy đơn giản, không lằng nhằng các loại giấy phép, chi phí như bên mình. Anh không hiểu sao nhiều chính sách, nhiều tuyên bố được đưa ra như thế, nhưng bọn anh thấy mình vẫn khổ”, người này nói thêm.
Hay như ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương (CIEM) từng kể trong lần họp về chuyển đổi kinh tế hộ lên doanh nghiệp trong TP HCM, ông quan sát được các hộ kinh doanh lúc đến mặt họ cứ “buồn rười rượi” và lúc về mặt lại “tươi roi rói”. Ông bèn hỏi thì được biết khi đến họ chắc mẩm mình phải “lên thành doanh nghiệp”, lúc cuối giờ biết là không phải nên mới vui vẻ thế.
“Làm doanh nghiệp khổ lắm, kiểm tra này nọ, cơ chế không linh hoạt, bọn tôi không muốn”, ông Hiếu kể lại lời của những hộ kinh doanh đó.
Nhiều chính sách tốt nhưng sao khu vực tư nhân vẫn ngại
Trên thực tế, trong 1 năm trở lại đây, Thủ tướng và Chính phủ đã đặt mục tiêu là phải phát triển, hỗ trợ cho khối tư nhân phát triển. Tuyên bố của Thủ tướng là “tư nhân là động lực của kinh tế, mục tiêu Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp hướng đến năm 2020”.
Cụ thể hoá cho những tuyên bố đó là Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và hàng loạt các văn bản pháp lý liên quan. Bên cạnh đó là những cuộc gặp gỡ giữa người đứng đầu Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp như cuộc gặp sẽ diễn ra vào ngày mai (17/5).
Cộng đồng doanh nghiệp rất ghi nhận nỗ lực này và đánh giá cao năng suất làm việc của Chính phủ. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra nhiều mục tiêu chính hỗ trợ doanh nghiệp chưa được hoàn thành. Bởi lẽ “trên bảo nhưng dưới không đồng bộ”.
“Mặc dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tuy nhiên khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất. Điều này thể hiện ở sự thờ ơ của những người thừa hành công vụ không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghiệp, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, quan liêu, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ”, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhận xét.
Cũng chính vì sự yếu kém trong khâu thực thi đã dẫn đến nếu doanh nghiệp muốn được việc thì phải “chung chi” theo kiểu “của công chia ba, của nhà chia đôi”, đây là vấn đề tương đối phổ biến. Một số doanh nghiệp do bị sức ép “đòi hỏi” từ phía cán bộ, công chức nên phải “chi ngầm” để được việc.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho biết: “Năm qua đã có những đột phá về tư duy, quan điểm, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chuyển tư duy, quan điểm, cách thức trở thành hành động cụ thể trong thực tiễn cần độ trễ nhất định, nhiều vướng mắc liên quan tới pháp luật chứ không chỉ trong điều hành, nên cần nhiều thời gian hơn”.
Trong hàng trăm các kiến nghị được VCCI tổng hợp để trình lên Thủ tướng vào ngày 17/5. nhiều vấn đề đã được phản ánh. Cụ thể, như việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, bị nhũng nhiễu.
“Nghị quyết 35 yêu cầu chỉ thanh tra, kiểm tra 1 năm 1 lần, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn bị thanh tra, kiểm tra khá nhiều, có doanh nghiệp bị tới 6-7 lần một năm. Trong số các doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần, thì có một nửa nói rằng việc thanh tra, kiểm tra là chồng chéo”, ông Lộc cho biết.
Những điều này đã được trình lên Thủ tướng và sẽ được Thủ tướng cùng các Bộ ngành liên quan tiếp nhận và phản hồi trong thời gian tới.
Doanh nghiệp vẫn tin và chờ đợi chính phủ
(Tiếp>>>)
Xem tiếp, link bài: Môi trường kinh doanh ở Việt Nam và chuyện bao giờ 50 triệu phú đôla tự thân tuổi 20 “lộ mặt”