Một cuốn sách hay…

Hoàng Dự 

Sách Chuyện nhà Dr. Thanh
 

Tôi biết ông Trần Quý Thanh năm 2009. Khi ấy Việt Nam có vinh dự được OCA – Hội đồng Olympic Châu Á trao quyền đăng cai Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3. Tân Hiệp Phát của ông Thanh trở thành nhà tài trợ duy nhất về đồ uống của đại hội. 

Thật ra , hồi đó tôi và ông cũng chả có nhiều thời gian để trò chuyện. Tôi chỉ bắt tay ông nói lời cám ơn ông đã đồng hành cùng đại hội sau khi tổ chức Lễ ký kết tài trợ ở Hà Nội. Ấn tượng của tôi về ông lúc đó thật mờ nhạt vì dù là người đàn ông có ngoại hình cao to, có bộ ria con kiến rất ngầu nhưng ông không phải là người vồn vã quảng giao nên sau những nghi thức xã giao tôi và ông không có dịp gặp lại.

Cũng trong lễ ký kết đó, tôi mới gặp Trần Uyên Phương – Trưởng nữ của ông, là giám đốc truyền thông của tập đoàn Tân Hiệp Phát. Anh em cũng chỉ bắt tay. Nói với nhau vài câu về công việc hai bên phải triển khai phục vụ đại hội. Rồi sau đó anh em cũng không gặp lại nhau mặc dù biết rằng Tập đoàn vẫn đang nổi như cồn lúc thuận lợi cũng như nghe nhiều chuyện lùm xùm lúc lâm vào sóng gió thậm chí bão táp thương trường. 


Hoàng Dự và Uyên Phương

Cũng đã tưởng chẳng có duyên gặp lại nhau, nhưng thật bất ngờ cuối tháng 6 vừa rồi, trong chuyến đi Vinpeal Hội An giao lưu các tổng biên tập là bạn hữu, tôi gặp lại Uyên Phương và thú vị hơn là cùng chuyến thăm Thaco Trường Hải , chúng tôi đã có cơ hội thăm nhà máy nước giải khát NumberOne Chu Lai do Tân Hiệp phát vừa mới khánh thành.


Thăm nhà máy Number 1 Chu Lai

Khi chia tay, Trần Uyên Phương đã tặng chúng tôi mỗi người một cuốn sách có tựa đề "Chuyện nhà Dr Thanh" mà chính cô là tác giả. Do bận nhiều việc nên mặc dù mang sách về, mãi đến đêm qua tôi mới đọc một mạch hết cuốn sách và phải thừa nhận mình đã bị cuốn hút. 

Lấy cha mình là nhân vật trung tâm, đóng vai trò của người kể chuyện , thông qua các mối quan hệ của cha với ông bà nội, ông bà ngoại, với môi trường xã hội tuổi ấu thơ dữ dội và sau này là mối quan hệ với vợ con, bạn bè, đối tác, những thành công và sóng gió bão bùng trên hành trình xây dựng giá trị cốt lõi thương hiệu sản phẩm của gia tộc trên hành trình ra biển lớn. Uyên Phương đã đưa người đọc cảm nhận đầy đủ hơn chân dung một người cha mà tuổi ấu thơ cô rất sợ hãi, thậm chí ghét ba vì sự hà khắc trong cách giáo dục cũng như cách thể hiện tình yêu thương với con cái.

Đó là một người đàn ông có tuổi thơ dữ dội, bầm dập với cuộc đời vì các lý do riêng của gia đình và hoàn cảnh xã hội chi phối, rồi đến khi trưởng thành, có gia đình và bắt đầu con đường lập nghiệp từ tay trắng với muôn vàn khó khăn thách thức, với ý chí và nghị lực phi thường , với khát vọng lớn lao cho mục tiêu xây dựng giá trị thương hiệu của gia tộc mang niềm tự hào dân tộc ra thế giới đã nỗ lực hết mình cho sự nghiệp đã lựa chọn với triết lý không có gì là không thể.

Bên cạnh một người đàn ông lãng tử, góc cạnh, vừa lạnh lùng, vừa cháy bỏng, quyết đoán và can trường là một người vợ , bà Nụ đã được Uyên Phương khắc hoạ khá hay với những phẩm chất , tố chất của một phụ nữ Việt Nam: giỏi giang, tài quán xuyến, cam chịu, bao dung, sẵn sàng nghe chồng chửi trong các cuộc họp mỗi ngày nhưng không vì thế mà mà mà buông tay cùng chồng chèo lái con thuyền trên hành trình chông gai của Tân Hiệp Phát. 
 


Uyên Phương và bạn bè

Tôi rất thích chi tiết cô con gái trưởng của ông Thanh viết: Đã có lần tôi từng nghẹn ngào bảo má "Ly dị ba đi. Má định sống khổ như thế này cả cuộc đời à? Tại sao chứ? Bỏ đi và má có thể sống cuộc đời hạnh phúc của riêng mình." Phản ứng ấy loé lên khi cô cảm nhận sự bất công bề ngoài mà cha mình thể hiện đối với vợ, nhưng kỳ thực sự tin cậy và yêu thương với vợ chỉ sau này khi bà Nụ nằm viện cô mới hiểu tình cảm của cha đối với mẹ lớn biết nhường nào.

Những trang viết về mẹ của Uyên đã đạt đến sự lay động tình cảm người đọc. Không phải cái gì khác, chính ý thức thức về giá trị cốt lõi của gia đình và sự thấu hiểu về trách nhiệm gìn giữ đã tạo nên sức mạnh để Tân Hiệp Phát vượt qua giai đoạn rất khó khăn khi cùng lúc quá nhiều tai hoạ ập xuống mà cuối cùng vẫn trụ vững và phát triển.

Chưa phải là nhà văn, nhưng kết hợp đan xen giữa tư duy phân tích logic và sự miêu tả các tình tiết và tính cách nhân vật rất đạt ở những hoàn cảnh nhất định với cảm nhận văn học sâu sắc, Uyên Phương đã truyền tải được thông điệp mà mình định gửi gắm. Gấp lại cuốn sách, tôi cảm ơn Uyên Phương đã cho tôi một món quà quý cũng như giúp tôi có cái nhìn đầy đủ hơn về một con người mà trước đó, chín năm trước tôi đã bỏ qua cơ hội tìm hiểu. Một cuốn sách đáng đọc.

Theo FB Hoàng Dự
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *