Các dự án BOT sẽ được dân ủng hộ nếu minh bạch

Trần Quí Thanh


Trạm thu phí của dự án Tuyến tránh Cai Lậy, nhưng lại đặt tại Quốc lộ 1 thuộc xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang khiến nhiều lái xe phản đối suốt thời gian qua. Ảnh Báo Người Lao Động.

 
Cả tuần nay tui theo dõi báo thấy nóng nhất là chuyện trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Những chuyện chung quanh trạm thu phí này được các báo khai thác đầy đủ, phân tích nhiều góc cạnh, khá hấp dẫn. Tui là doanh nhân, xin phân tích theo góc nhìn của doanh nhân.

Trước hết, tui xin khẳng định mô hình BOT là cần thiết đối với một nước còn nghèo, ngân sách không đủ để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông. Một quốc gia muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải có hạ tầng giao thông hiện đại, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, tiện lợi. Nói một cách thẳng thắn, hệ thống đường bộ Việt Nam còn quá lạc hậu, nếu không có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư BOT, thì chưa biết đến lúc nào mới thay đổi được.

Và lẽ dĩ nhiên, khi doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư thì phải khai thác trong một thời gian nhất định để thu lại vốn và lãi, người tham gia giao thông thay vì đi đường xấu lại được đi đường tốn, vậy thì phải trả mức phí cho lợi ích mà mình nhận được.

Đổ tất cả sai lầm lên các dự án BOT cùng với tất cả doanh nghiệp đầu tư mô hình này là không công bằng. Không ai bỏ tiền ra đầu tư mà không tính đến lợi nhuận, bởi vì trong đó họ còn có sự chấp nhận tủi ro. Kinh doanh vốn là vậy.

Vấn đề còn lại chính là sự minh bạch ở các dự án BOT.

Minh bạch trước hết là nhà đầu tư có phải doanh nghiệp có chuyên môn và năng lực thuộc lĩnh vực này hay không, hay chỉ là sân sau của ai đó dựng lên để tay không bắt giặc?

Minh bạch là tính toán xem đoạn đường đó có thực sự cần thiết để triển khai xây dựng dự án để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân hay không, hay dựng lên vì nhu cầu của một nhóm lợi ích?

Minh bạch là xây dựng đơn giá các hạng mục công trình của dự án có đúng và đủ theo giá trị thực, hay bị đội giá vì các khoản chi tiêu cực. Về sau, các khoản chênh lệch vì đội giá đó được tính vào phí qua trạm với giá cao và thời gian thực hiện thu phí kéo dài, cuối cùng đối tượng gánh chịu là người dân.

Minh bạch là tối ưu hóa các khâu từ thiết kế đến thi công để đạt đến mức cao nhất về chất lượng, tiết kiệm tối đa chi phí. Ở đây không nói đến tiêu cực, mà lãng phí do yếu kém trong quản trị cũng gây ra sự thiệt hại lớn cho xã hội. Những thất thoát lãng phí đó lại được bù đắp bằng tiền thu phí từ túi người dân. Kiểu gì thì dân cũng chết.

Minh bạch là xây dựng dự án BOT ở đâu thì chỉ thu phí ở đấy, nhập nhằng giữa đường BOT với đường khác để thu phí kể cả các phương tiện không sử dụng đường của dự án BOT thì đó là móc túi người dân.


Đang có hiện tượng phí chồng phí xảy ra với một số phương tiện đi tuyến cố định trên đường BOT ảnh hưởng doanh nghiệp vận tải và người dân – ảnh minh họa/ Hoàng Lự (Theo Giáo dục Việt Nam)

 
Một dự án BOT được triển khai thực hiện minh bạch, chắc chắn giá xây dựng sẽ thấp tối đa, dẫn đến mức phí trạm BOT cũng thấp và thời gian chuyển giao sẽ nhanh hơn.

Nếu không minh bạch, không trước thì sau người dân cũng phản ứng như đã xảy ra. Hậu quả của nó còn dài, bởi vì có nguy cơ lây lan qua những nơi khác, như lời ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: “Như phản ánh đường độc đạo đầu tư lên một chút lại thu tiền nên bà con bức xúc. Hay đường quá ngắn chúng ta cũng làm BOT? Chất lượng công trình một số dự án còn kém, giá thành dự án đầu tư cao, đội giá…Theo dõi tình hình trạm thu phí Cai Lậy mấy ngày qua rất buồn. Xả trạm 2 lần rồi và sẽ lây lan nơi khác nếu không sớm xử lý”.

Còn một hậu quả nữa chưa ai nói đến, nếu các trạm thu phí BOT bị phản ứng như vậy, thì các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ e ngại, không dám đầu tư khi nhà nước kêu gọi.
 
Sài Gòn 17/8/2017

TQT
 
Link bài: Trạm thu phí Cai Lậy “thất thủ”, bài học đắt giá trong quản lý dự án BOT

 
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *