Một quyết định nhân văn

Huỳnh Văn Thông/ Báo Thanh Niên

Nhiều người vô gia cư được thu dung, xét nghiệm sàng lọc, khám sức khỏe, khai báo thông tin tại địa phương trước khi được chuyển đến trung tâm hỗ trợ xã hội. ẢNH: KHÁNH TRẦN

—–

Tui rất ấn tượng với ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai hôm 23.8, đề nghị các Bí thư, chủ tịch huyện, thành phố thành lập tổ công tác đưa những người lang thang trở về nhà, hoặc vào các cơ sở bảo trợ, không để ảnh hưởng đến xã hội, vì nếu họ là F0 thì rất nguy hiểm cho cộng đồng. Phải xem họ là nạn nhân để hết lòng giúp đỡ.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói: “Chúng ta phải ứng xử vừa nhân văn, vừa xử lý quyết liệt để công tác phòng, chống dịch đạt kết quả tốt”.

Người lang thang cơ nhỡ là tận cùng của xã hội, đó là thực tế. Người có công ăn việc làm còn khốn đốn, thì người lang thang khổ đến mức nào. Đi ăn xin nhưng xin ai khi ngoài đường không có người, hàng quán không hoạt động.

Bình thường, người ăn xin dù khổ nhưng còn có cái ăn. Lúc dịch bệnh và thực hiện giãn cách, chắc chắn họ không có cái ăn đủ no.

Thiệt thòi hơn là họ không nhà, không địa chỉ. Nhà họ là gầm cầu, địa chỉ họ là vỉa hè, nên không ai quan tâm chăm lo y tế, không xét nghiệm, không được tiêm vaccine.

Cho nên, đưa người lang thang cơ nhỡ vào các khu tập trung, cho họ ăn uống, xét nghiệm, tiêm vaccine cho họ, điều trị nếu họ bị nhiễm bệnh. Đó là nhân đạo, là nhân văn.

Việc tập trung người lang thang cơ nhỡ còn là cách để phòng dịch.

Tại TPHCM, sau khi đưa một số người lang thang về và xét nghiệm, có nhiều người dương tính với virus SASR-CoV-2. Nếu để họ ở ngoài cộng đồng, thì những người đó là mầm lây lan dịch bệnh.

TPHCM, Đồng Nai đã triển khai tập trung người lang thang cơ nhỡ, còn các địa phương khác cũng nên thực hiện chủ trương rất nhân văn, nhân đạo này.

Trần Quí Thanh

Chủ trương đưa những người sống lang thang, cơ nhỡ về các Trung tâm hỗ trợ xã hội để giúp họ vượt qua khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội là rất nhân văn.

Khi dịch bệnh tấn công vào cộng đồng những người yếu thế trong xã hội, chúng ta đau xót chứng kiến những câu chuyện không cầm được nước mắt. Câu hỏi về thân phận của những người yếu thế nhất trong nhóm yếu thế, như những người sống vô gia cư, lang thang, cơ nhỡ bên lề đường, chắc chắn sẽ khiến những người động lòng trắc ẩn cảm thấy bất an.
Họ sẽ thế nào? Khi mà những nguồn sinh kế thấp thỏm nhất trong xã hội như hộp cơm từ thiện hay tiền bán vé số mỗi ngày cũng khó lòng tiếp cận. Họ sẽ thế nào? Khi mà chiếc xe lăn rã rời dọc con phố dài hun hút mà mọi cánh cửa lòng của người dân đành khép lại vì nỗi sợ hãi Covid-19. Hôm qua tôi tình cờ đọc thấy một biển cảnh báo nhỏ viết trên tấm giấy carton treo trước hiên một ngôi nhà: “Nhà có người già và trẻ em, tình hình dịch bệnh phức tạp, vui lòng không ngồi hoặc nằm ở đây”. Cái nơi gọi là “ở đây” trong biển cảnh báo ấy, thật ra chỉ là một mé hiên nho nhỏ trông có vẻ sạch sẽ mà một người vô gia cư có thể ghé lưng vào trong đêm lạnh. Nhưng giờ chút không gian nho nhỏ ấy cũng có thể không còn.
Chẳng ai có lỗi trong chuyện này cả, nhưng thế cũng có nghĩa là, những người lang thang, cơ nhỡ sẽ lâm cảnh cùng đường. Có khi chẳng đợi đến lúc bị Covid-19 tấn công đâu, thì họ đã phải mong đến một sự giải thoát dù xót xa nhưng nhẹ nhàng hơn cả cuộc sống của họ.
Chính quyền đã làm điều rất có ý nghĩa. Dù thế trận chống dịch Covid-19 đang rất nóng, nhưng chính quyền đã cố gắng không bỏ rơi những người yếu thế nhất. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết chỉ trong 2 ngày 23 và 24.8, các quận huyện đã đưa khoảng 400 người lang thang vào Trung tâm hỗ trợ xã hội. Họ được test Covid-19 để xác định tình trạng lây nhiễm và được tiêm vắc xin. Nhiều người trong số họ đã nhiễm và được tiếp nhận hỗ trợ điều trị. Bảo vệ được họ, chúng ta bảo vệ được điều quý giá nhất trong đời sống: lòng bác ái, tình thương giữa con người với con người. Thân phận con người dù trong hoàn cảnh nào cũng không được phép bị xem nhẹ, bị bỏ quên.

Nỗi sợ hãi dịch Covid-19 có thể khiến con người xa lánh và kỳ thị lẫn nhau một cách bất tự giác khi một ai đó cảm thấy những người còn lại có thể là mối nguy cơ lây nhiễm cho mình. Thử soi kiểu tâm lý đó vào trường hợp của những người lang thang, cơ nhỡ. Chắc chắn họ khó tránh khỏi tình trạng bị kỳ thị bởi nhiều người, dù không phải là tất cả. Mà như thế thì cũng quá đủ để cuộc sống của họ vốn khó lại càng trở nên khó trăm bề.

Dìu nhau đi qua khó khăn dịch bệnh lúc này là nghĩa cử lớn lao mà chính quyền có thể làm cho dân, đồng bào có thể làm cho nhau, làm vì nhau và vì chính mình. Chính quyền đã dẫn dắt được tinh thần nhân văn ấy bằng một việc làm giàu ý nghĩa là hỗ trợ trực tiếp cho những người lang thang, cơ nhỡ vượt qua dịch bệnh.

NGUỒN: Theo Báo Thanh Niên

Link bài: Một quyết…

https://thanhnien.vn/chao-buoi-sang/mot-quyet-dinh-nhan-van-1441009.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *