Một số đề xuất về logistics góp phần phòng chống đại dịch

Nguyễn Thanh Lâm/ Báo DNSG

Việc sắp xếp chuỗi cung ứng hàng hoá vừa mang tính ngắn hạn (3 – 6 tháng) vừa mang tính dài hạn nên phải cần nhắc chọn lựa vị trí tốt, phù hợp, tiện tuyến giao thông, có thể mở rộng khi cần và được quản lý bằng IT (Information Technology) và xác định đơn vị chủ quản của từng điểm logistics để chỉ rõ trách nhiệm, quyền hạn. 

Phải tổ chức lại chuỗi logistics

Theo Hiệp hội Các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng (Council of Supply Chain Management Professionals – CSCMP) thì logistics được định nghĩa là chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Logistics cơ bản bao gồm quản trị vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung cầu, quản trị nhà cung cấp dịch vụ thứ ba. Chức năng của logistics bao gồm việc tìm nguồn đầu vào, hoạch định sản xuất, đóng gói, dịch vụ khách hàng.

Quản trị logistics là chức năng tổng hợp kết hợp và tối ưu hóa hoạt động logistics cũng như phối hợp với các chức năng khác như marketing, kinh doanh, sản xuất, tài chính, công nghệ thông tin. Tóm lại, đó là một hoạt động thương mại

Trong khuôn khổ giới hạn của một bài báo, tôi xin phép tập trung đề xuất vài giải pháp về chuỗi cung ứng hàng hoá cho Vùng TP.HCM (bao gồm một phần tỉnh Bình Dương, một phần tỉnh Đồng Nai, một phần tỉnh Long An, TP.HCM là trung tâm) vì đang là vùng trọng điểm phòng chống dịch Covid-19.

Trước hết, có những lưu ý sau:

TP.HCM và ba tỉnh lân cận nêu trên nên được nhìn từ góc độ một thể thống nhất trong việc chống đại dịch. Việc sắp xếp khu tập kết hàng hóa, chợ đầu mối, kho lạnh, trung tâm phân phối, chợ truyền thống nằm trong hiện trạng đó.

Việc sắp xếp chuỗi cung ứng hàng hoá vừa mang tính ngắn hạn (3 – 6 tháng) vừa mang tính dài hạn nên phải cần nhắc chọn lựa vị trí tốt, phù hợp, tiện tuyến giao thông, có thể mở rộng khi cần và được quản lý bằng IT (Information Technology) và xác định đơn vị chủ quản của từng điểm logistics để chỉ rõ trách nhiệm, quyền hạn. 

Giải pháp “1 cung đường – 2 điểm đến” trong phòng chống dịch cũng phù hợp đối với việc vận chuyển hàng hoá. Những đoàn xe chở hàng được xe công an dẫn đường là một phương cách tốt, vừa tránh lây nhiễm SARS-CoV-2 vừa tránh bị chốt kiểm soát có thể nhũng nhiễu hay gây khó khăn.

Chính vì cung ít, cầu nhiều và khó khăn trăm bề của hiện trạng vận chuyển hàng hoá trong đại dịch và sự thay đổi tâm lý tiêu dùng mang tính chịu đựng và chấp nhận của người dân nên giá cả hàng hoá đã tăng vọt.

Cho nên việc tận dụng nguồn lực nội cung, tức là sức cung ứng hàng hóa tại chỗ của vùng trọng điểm dịch (chẳng hạn Đồng Nai cung ứng thịt gà, thịt heo, Long An cung ứng nông sản, rau củ quả…) và tổ chức tốt việc ngoại cung, chủ yếu từ Trung và Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (cung ứng trứng gia cầm, thủy hải sản, nông sản, rau củ quả…) là rất quan trọng.

Việc cung ứng dựa trên nguyên tắc thuận mua vừa bán và có thể bằng cách tài trợ. Nếu có chính sách và phương án, kế hoạch tốt thì đủ sức cung cấp những mặt hàng thiết yếu hằng ngày cho khoảng 16 triệu dân của TP.HCM. Muốn vậy phải tổ chức lại logistics càng sớm càng tốt.

Do đó, theo tôi, những xe cứu trợ đầy nghĩa tình từ các tỉnh phía Bắc chạy vào Nam là rất đáng ghi nhận nhưng không thích hợp trong lúc này vì đồng bào không phải bị thiên tai mà chỉ bị đứt quãng thực phẩm do lúc đầu tổ chức cung ứng không tốt. 

Một số kiến nghị tập kết, phân phối hàng hoá  

Tôi xin phép không đi vào việc tổ chức logistics một cách chi tiết mà chỉ  đề xuất những vị trí tập kết, phân phối hàng hóa dựa trên sự hiểu biết giới hạn hơn là khẳng định có tính khoa học.

Trước hết, nên bổ sung khu tập kết hàng hóa gồm điểm đi và điểm đến, dựa trên tổng sơ đồ đầu vào, đầu ra càng chính xác, khả thi và ít tốn kém càng tốt. Điểm đi tùy các tỉnh từ vĩ tuyến 12 (Bình Định) trở vào và từ Đồng bằng sông Cửu Long lên. Trong giai đoạn đầu, tận dụng các phương tiện của doanh nghiệp logistics để vận chuyển hàng hóa. Các điểm đến nên được chọn theo cách liên kết vùng và mang tính lâu dài.

Cụ thể:

Vòng depot (nơi tập kết hàng hóa) số 1 có kho Long Bình (150ha) và một phần của sân bay Biên Hòa (650 ha) theo tuyến quốc lộ 1A, 14a, 13 và một số đường liên tỉnh ở Bến Cát, Đồng Xoài, Phú Giáo, Xuân Lộc trong khoảng cách tối đa 70km.

Phía Đông có thể vận chuyển bằng đường sông qua Cần Đước, Nhà Bè và cảng Gò Dầu. Phía Tây có Củ Chi (căn cứ Đồng Dù), Hóc Môn (vùng Khu Phần mềm Quang Trung), các KCN và kho bãi dọc xa lộ Đại Hàn (một đoạn quốc lộ 1A).

Phía Nam có vùng Chợ Gạo, Tân An, Bến Lức, Tân Kiên, nông trường Phạm Văn Cội, Lê Minh Xuân và hệ thống kho ở quận 8 (vốn là “bao tử” của Sài Gòn), trong khoảng cách không quá 70km.

Vòng depot 2 là mạng phân phối cấp 2 bao gồm các chợ đầu mối, nhất là chợ nông sản Thú Đức, chợ Bình Điển và những khu chợ, hệ thống kho bãi ICD, kho thủy lợi Thủ Đức nằm dọc xa lộ Hà Nội và ga Trảng Bom, ga Biên Hòa và ga Sài Gòn. 

Số lượng nhân viên làm việc sẽ chỉ khoảng 1/5 – 1/3 so với trước đây.

Vòng depot 3 có thể tiếp nhận hàng từ điểm đi ở các tỉnh hay vòng depot 1 và 2 hoặc kho bãi của các chuỗi siêu thị lớn như Satra, Co.opmart, Aeon, Big C, MM Mega và chợ truyền thống. Riêng TP.HCM có 279 chợ, và rất nên tận dụng sớm, hạn chế dần sự lãng phí logistics. Người buôn bán ở chợ cũng nên theo công thức bằng 1/5 – 1/3 so với trước đây.  

Vòng phân phối thứ 4 là mạng lưới vận tải nhỏ nội thành và shipper, được các Sở Công Thương, Sở GTVT phối hợp tổ chức, quản lý theo hướng an toàn y tế và linh hoạt.

Nhanh chóng có bản đồ số hoá các vùng đỏ, vàng, xanh và các cung đường xanh với chỉ dẫn chi tiết cho tài xế đang là “chiến sĩ hậu cần” tra cứu khi cần. Số hóa và cập nhật thường xuyên không gian dân cư “da báo” và chợ, cửa hàng đã được mở lại.

Việc này đem lại sự an tâm và tiết kiệm thời gian đối với dân chúng.

Khơi dòng chảy logistics có thể cần 4 cấp độ: Kế hoạch A nhằm vào sự an toàn lương thực, thực phẩm và cung ứng vật tư để phục vụ đời sống và sản xuất. Kế hoạch B tạo nên sự bình an cao hơn, sự bình tâm mới. Kế hoạch C tạo sự cân bằng cung cầu và cơ chế vận hành logistics ổn định. Kế hoạch D củng cố và phát triển các dòng chảy logistics thông suốt, liên thông và bền vững.

NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn

Link bài: Một số…

https://doanhnhansaigon.vn/thoi-su-trong-nuoc/mot-so-de-xuat-ve-logistics-gop-phan-phong-chong-dai-dich-1106507.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *