Mua – bán doanh nghiệp: cần cái nhìn cởi mở

Trương Trọng Hiếu / TBKTSG

Nguồn: Internet

Trong cuốn sách Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp: Lên kế hoạch và hành động – một trong những cuốn sách đầu tiên trên thế giới giới thiệu tổng quan sáp nhập, xuất bản năm 1963 tại Mỹ – nhóm tác giả đã đưa ra dự báo: Không sớm thì muộn, hoạt động quản trị công ty hầu như đều phải xử lý vấn đề mua bán doanh nghiệp, hoặc là bên bán hoặc là bên mua(1). Kết quả, sau nhiều đợt sóng, sáp nhập đến giờ vẫn là xu hướng. Một thực tế điển hình và gần hơn: Khi đặt chân vào Việt Nam, sự lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài trong những ngày đầu hay cho đến thời điểm hiện tại vẫn là tìm kiếm doanh nghiệp mục tiêu để liên doanh hay mua lại, một phần hay toàn bộ.

Được gì ngay cả khi bán doanh nghiệp?

Mua bán doanh nghiệp thật ra là một khái niệm rộng, dùng để gọi tên tất cả các hình thức liên kết kinh doanh, như sáp nhập, mua lại, liên doanh hay hợp nhất…(2). Cơ sở tạo động lực cho các quyết định mua bán này chính là nền tảng của kinh tế quy mô và khả năng tích tụ nhanh sức mạnh của doanh nghiệp ngay sau đó. Trong dòng chảy chung của xu hướng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu làm quen với việc liên kết, thậm chí là mua lại doanh nghiệp khác và mua cả doanh nghiệp nước ngoài ngay trên chính đất nước của họ. Các thương vụ mua lại do BIDV, FPT, hay Vinamilk… thực hiện trước đây thường được lần lượt gọi tên như là những minh chứng điển hình.

Thực tế này rõ ràng khác với bối cảnh mua bán doanh nghiệp lúc nền kinh tế Việt Nam mới ở thuở ban sơ mở cửa đón chào vốn ngoại. Khi đó, tâm lý lo ngại về sáp nhập hay cả sự trường tồn của doanh nghiệp Việt đã hình thành, do các doanh nghiệp Việt luôn ở phía… bị mua, thậm chí là bị…thâu tóm.

Nhưng ở thời điểm năm 2012, một chương trình truyền hình (talkshow) của một đơn vị truyền thông đã hé lộ cách nhìn rất cởi mở, đầy tích cực của một thế hệ doanh nhân mới. Một doanh nhân trẻ trong chương trình đã chân thành chia sẻ, công ty của anh vẫn đang để tâm tìm kiếm đối tác để…bán mình. Với anh, quyết định bán doanh nghiệp cũng là một lựa chọn và thậm chí là một hướng đi tốt. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải biết chủ động với nó, để chuyển từ vị thế bị mua sang vị thế được mua và muốn bán. Trên thực tế, ngoài nhân vật đại diện trên đây, có không ít người ngay từ thời khắc tạo lập doanh nghiệp đã nghĩ đến phương án xây dựng giá trị chỉ để nhượng quyền, hay thậm chí vạch chiến lược để bán đứt doanh nghiệp, thương hiệu ngay bất cứ khi nào hợp lúc.

H2 – Mới đây,Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lại ra thông báo bán tiếp 3,33% vốn nhà nước tại Vinamilk. Ảnh: KINH LUÂN.
Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cho thấy một cách tư duy mới trong phương thức tiếp cận về cơ chế kiểm soát mua bán hay sáp nhập doanh nghiệp. Đó sẽ là nền tảng pháp lý tốt thúc đẩy làn sóng sáp nhập thứ hai đang diễn ra sôi động trên thị trường Việt Nam

Chỉ có tiếp cận như vậy thì mới có thể lý giải được vì sao mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lại ra thông báo bán tiếp 3,33% vốn nhà nước tại Vinamilk? Rõ ràng, đó phải là một lựa chọn tối ưu. Hay nói cách khác, đây thực ra là một quyết định hướng đến tính hiệu quả: (i) Cho nhà nước (trong quản lý vốn và cả tạo dựng bức tranh kinh tế); (ii) cho việc sử dụng tài sản quốc gia (số tiền thu được ước tính khoảng 7.000 tỉ đồng); và (iii) cho hoạt động của doanh nghiệp, với sự tham gia quản trị của những ông chủ mới. Cho nên, mua hay bán không còn là vấn đề quan trọng. Quan trọng là được gì, và “cái gì là có lợi nhất” giữa lựa chọn tiếp tục nắm lấy doanh nghiệp và chuyển giao cho người khác. Có nghĩa rằng, dầu mua hay bán thì mua bán doanh nghiệp cần phải được tiếp cận một cách bình tâm và tích cực như vốn dĩ những gì mà nó có thể mang lại.

Cơ chế cởi mở

Cái nhìn bình tâm đó của cộng đồng kinh doanh trước hết tùy thuộc vào mức độ thông thoáng của quy chế pháp lý về mua bán doanh nghiệp. Đến nay, cơ sở pháp lý nền tảng đó liên tục được Nhà nước hoàn thiện và có thể được tìm kiếm trong nhiều văn bản liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, hay Luật Chứng khoán…

Ngoài cách tiếp nhận ghi nhận quyền tự do kinh doanh và tự quyết của doanh nghiệp, quy chế mang tính kiểm soát hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp cũng đã được giới thiệu khi có Luật Cạnh tranh tham gia. Nguyên do, bên cạnh tác động tích cực đối với nền kinh tế, các giao dịch này cũng có nguy cơ gây tổn hại đến thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không phủ nhận sự can thiệp này, nhưng cũng không mấy hài lòng trước một quy chế kiểm soát còn quá hà khắc. Với quy định hiện tại, một vụ việc chỉ cần thị phần kết hợp giữa các bên trên 50% thì các bên buộc phải từ bỏ kế hoạch mua bán. Thực ra, trong đánh giá tác động một thương vụ liên kết kinh doanh, thông số thị phần tự mình không nói lên được tất cả, bởi thị phần kết hợp cao không đồng nghĩa với khả năng gây tổn hại cạnh tranh của vụ việc và ngược lại. Nền tảng pháp lý này vì vậy có thể đã dập tắt nhiều kế hoạch mua bán và cũng có thể dẫn cơ quan cạnh tranh đến hành động đầy rủi ro là cấm cả những vụ việc vô hại đối với nền kinh tế, cho dù sau hơn 10 năm thực hiện Luật Cạnh tranh đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào cố tình thông báo vụ việc khi biết mình có thị phần kết hợp cao hơn mức hạn định.

Điều đáng mừng là, thực trạng không tích cực đó có thể được cải thiện nếu sắp tới Quốc hội thông qua Luật Cạnh tranh sửa đổi. Dự thảo luật này (đang lấy ý kiến góp ý) đã giới thiệu cách thức tiếp cận mới, cởi mở, và quan trọng là phản ánh đúng bản chất của hoạt động kiểm soát mua bán, sáp nhập doanh nghiệp hơn.

Cụ thể, một quyết định ngăn cấm vụ việc chỉ có thể được đưa ra khi có đủ bằng chứng để cho rằng vụ việc đó “có tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam” (điều 24 dự thảo luật). Muốn vậy, cơ quan cạnh tranh cần phải tiến hành một quy trình thẩm định mang tính kỹ thuật nghiệp vụ rất chặt chẽ, dựa trên nhiều yếu tố. Thông số thị phần kết hợp vẫn tiếp tục được sử dụng, nhưng không phải là con số duy nhất để đưa ra kết luận. Đáng chú ý nhất, cấu trúc thị trường và mức độ tập trung trên thị trường, những tác động tích cực của vụ việc và đặc biệt là thông số HHI – thông số điển hình trong kiểm soát khả năng tập trung sức mạnh thị trường trong các vụ mua bán đều sẽ được sử dụng.

Thậm chí, để hạn chế khả năng đưa ra quyết định ngăn cấm sai lầm, dự thảo luật này cũng đã giới thiệu cơ chế áp dụng biện pháp khắc phục sáp nhập – biện pháp với mục đích tìm kiếm giải pháp triệt tiêu khả năng nguy hại của vụ việc để tiếp tục cho phép các bên tiến hành thương vụ mà họ mong muốn khi các nguy cơ hay tổn hại (cơ sở cho việc cấm đoán) đã không còn.

Đương nhiên, như đã nói, tất cả quy định và cơ chế mới này vẫn còn đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp và cần được Quốc hội thông qua. Nhưng chính những gì đang được giới thiệu đã cho thấy một cách tư duy mới trong phương thức tiếp cận về cơ chế kiểm soát mua bán hay sáp nhập doanh nghiệp. Và chúng ta có quyền kỳ vọng, quy chế pháp lý này sẽ tiếp tục là nền tảng pháp lý tốt thúc đẩy làn sóng sáp nhập thứ hai đang diễn ra sôi động trên thị trường Việt Nam.

————-

(1) Clarence I. Drayton. Jr, Craig Emerson, and John D. Griswold, Mergers and Acquisitions: Planning and Action (New York, US: Financial Executives Research Foundation, Inc., 1963),3.

(2)  Vì là hình thức phổ biến, sáp nhập cũng thường được sử dụng như là một tên gọi chung cho tất cả các hình thức này.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Link bài: Mua – bán doanh nghiệp: cần cái nhìn cởi mở

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *