Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)
Ngày 14/11, Phó Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Lael Brainard cho biết có thể sẽ sớm đến thời điểm thích hợp để Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.
Nhận định của bà Brainard được đưa ra trong bối cảnh giá tiêu dùng tăng cao, vốn đã siết chặt hoạt động chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ, có dấu hiệu giảm bớt sau khi Fed tiến hành đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp để hạ nhiệt nền kinh tế.
Nhưng theo bà Brainard, trước tình hình lạm phát vẫn dao động gần mức cao nhất trong bốn thập kỷ, Fed vẫn còn “nhiều việc phải làm.”
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ được công bố vào tuần trước cho thấy lạm phát của Mỹ ghi nhận mức tăng hằng năm thấp nhất kể từ tháng 1/2022, dấy lên hy vọng rằng Fed sẽ “lỏng tay” hơn trong các đợt nâng lãi suất sắp tới.
[Các ngân hàng trung ương chạy đua lãi suất theo Fed]
Fed quyết tâm “hạ nhiệt” nhu cầu tiêu dùng và đưa lạm phát đến gần mức mục tiêu 2% bằng cách tăng lãi suất 6 lần từ đầu năm đến nay, bất chấp lo ngại rằng động thái đó có thể gây ra suy thoái kinh tế.
Nhưng ngày càng nhiều ý kiến, bao gồm cả một số quan chức Fed, ủng hộ việc tăng lãi suất quy mô nhỏ hơn trong những tháng tới.
Bà Brainard thừa nhận các nhà hoạch định chính sách đã tăng lãi suất rất nhanh trong những tháng gần đây và cho biết sẽ cần thời gian để việc thắt chặt tiền tệ này tác động đến nền kinh tế.
Bà Brainard nói: “Bằng cách tiến hành tăng lãi suất với tốc độ thận trọng hơn, chúng tôi sẽ có thể đánh giá nhiều dữ liệu kinh tế hơn và có thể điều chỉnh lộ trình lãi suất phù hợp hơn để giảm lạm phát.”
Xung đột Nga-Ukraine, bùng phát hồi tháng 2 năm nay đã khiến giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt, và tỷ lệ lạm phát hằng năm của Mỹ tăng lên tới 9,1% trong tháng 6/2022 – mức cao nhất trong 4 thập kỷ, sau đó giảm xuống 7,7% trong tháng 10/2022.
Bà Brainard cho biết thêm ngoại trừ thực phẩm và năng lượng, giá một số hàng hóa bắt đầu có chiều hướng giảm và đây là xu hướng chính “sẽ cần duy trì trong năm tới.”
Bà Brainard cũng đánh giá về hậu quả từ sự sụp đổ bất ngờ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX.
Bà Brainard cho biết điều đó chứng tỏ thực tế rằng thị trường tiền điện tử cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Bà nhấn mạnh các loại tiền kỹ thuật số không khác gì các sản phẩm tài chính truyền thống ở những rủi ro mà các nhà đầu tư có thể gặp phải và cho thấy sự cần thiết phải tuân theo các quy định hiện hành, hoặc mở rộng phạm vi hoạt động của các cơ quan giám sát tài chính.
Ngày 11/11 vừa qua, FTX cho biết đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ sau khi không thể đạt được một thỏa thuận giúp công ty này giải quyết khó khăn tài chính.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành FTX, Sam Bankman-Fried, đã từ chức.
Diễn biến này thúc đẩy một loạt cuộc điều tra từ Bộ Tư pháp Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC).
Đây trở thành một trong những “cú nổ” lớn nhất trên thị trường tiền điện tử sau khi các nhà giao dịch ráo riết rút 6 tỷ USD khỏi nền tảng chỉ trong 72 giờ./.