Muốn có câu trả lời sáng suốt, phải có câu hỏi sáng suốt

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

Kính gửi bác Dr Thanh

Thưa bác, đã nhiều người đặt câu hỏi cho bác và bác đã tận tình trả lời. Chúng cháu có được nhiều bài học quí báu từ những bài trả lời của bác. Cảm ơn bác nhiều lắm ạ.

Nay chúng cháu gửi tới bác câu hỏi này mong bác trả lời giùm ạ:

Người ta nói bí quyết tư duy của người thành công: Đặt câu hỏi đúng. Theo. Bác điều đó có đúng không ạ? Mong bác giải thích rõ hơn thế nào là đặt câu hỏi đúng trong lĩnh vực kinh doanh ạ.

Kính chúc bác dồi dào sức khoẻ

Lâm & Linh (Hà Nội): linhtranhangdao89@gmail.com

—–

Lâm & Linh mến!

Khoa học nghiên cứu về tư duy con người là một ngành học đặc biệt, chia ra nhiều ngành hẹp, cực kỳ phức tạp. Chỉ riêng đặt câu hỏi thôi, cũng là một đề tài chuyên sâu. Nhưng cho dù ở chuyên ngành sâu hay hẹp, thì nó cũng là ngành nghiên cứu về tư duy con người.

Đã có nhiều sách vở, công trình bàn về câu hỏi đúng, nhiều lý thuyết gia đưa ra cấu trúc của não bộ để phân tích về năng lực tư duy, niềm tin hay tâm tính của con người.

Từ các lý thuyết đó, mỗi cá nhân có thể suy nghĩ và tìm ra cho mình cách tư duy riêng, phân tích riêng, dựa trên năng lực, kinh nghiệm của bản thân, thoát khỏi những ràng buộc đóng khung của sách vở. Cách tư duy của bác là như vậy, cho nên nếu theo dõi chuyên mục của bác, hai cháu sẽ thấy các câu trả lời của bác khác với các lý thuyết thường gặp.

Về “đặt câu hỏi đúng”, điều mà bác vận dụng trong quản lý điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như thế này:

Khi gặp khủng hoảng, hoặc một việc khó khăn bất thường cần phải đưa ra phương án giải quyết, thì sẽ có rất nhiều vấn đề liên quan đến nó để đặt câu hỏi. Vậy thì người có năng lực tư duy sâu phải biết đưa ra các câu hỏi đúng thì mới tìm ra lời giải đúng. Nếu như đặt vấn đề sai, hay nói nôm na là đặt ra câu hỏi sai, sẽ không có đáp án đúng.

Cũng giống như bác sĩ chẩn bệnh cho một bệnh nhân, nếu như đặt câu hỏi chệch hướng thì sẽ chẩn bệnh không chính xác, thì sẽ không thể đưa ra cách điều trị hiệu quả.

Phân tích trên là đặt câu hỏi đúng với một việc cụ thể, còn có những câu hỏi đúng mang tính chiến lược.

Khi đưa ra một chiến lược kinh doanh, cũng sẽ có nhiều câu hỏi để bản thân tự phản biện, và rất cần những câu hỏi đúng. Nếu đặt câu hỏi lạc đề, thì sẽ không có những đáp án cho bài toán kinh doanh mà các cháu muốn hướng tới.

Ngay cả câu hỏi thông thường là sẽ chuẩn bị gì cho một chiến lược kinh doanh cũng rất khó, không thể hỏi chung chung, mà phải cụ thể là chuẩn bị cái gì?

Đối với bản thân, cũng tự đặt câu hỏi là cần sẵn sàng làm cái gì, học cái gì, đối diện với cái gì?

Đối với công việc, cái gì là thách thức, cái gì là rủi ro, cái gì sẽ dẫn đến thất bại?

Muốn sáng suốt trong việc đưa ra lời giải đáp, thì phải sáng suốt trong đặt câu hỏi.

Mới đây, bác có đọc cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm” (Thinking Fast and Slow) của Daniel Kahneman, một tác giả người Mỹ gốc Israel, giải Nobel Kinh tế năm 2002, đã giúp cho bác hiểu sâu thêm về năng lực tư duy của con người, đồng thời áp dụng vào trong hoạt động kinh doanh của mình, các cháu nên tìm đọc.

Chúc các cháu rèn tư duy thật tốt, có gì cứ liên hệ với bác nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *