Trần Quí Thanh
—–
Thưa anh Trần Quí Thanh,
Cảm ơn anh đã nhanh chóng trả lời câu hỏi của tôi trong bài: “Cần cả số lượng và chất lượng”. Rất nể phục sức làm việc của anh. Lần này gửi tới anh tâm sự này: Sài Gòn vừa trải qua trận lụt chưa từng có, nhìn rất rõ vừa thiên tai vừa nhân tai. Chúng ta chưa chống được lũ lụt, vậy có nên bàn tới việc xây dựng thành phố thông minh không anh?
Rất mong anh cho ý kiến
Chúc anh vui khoẻ
Nguyễn Trần Chiến (Vinh): tranchien_nguyen1957@gmail.com
—–
Anh Nguyễn Trần Chiến mến!
Có thể nói ngay vớ anh Chiến rằng, chính vì những vấn đề rất ngổn ngang đó cho nên chúng ta cần “định vị” lại khái niệm “thành phố thông minh”. Đừng nói lấy được, nói cho sang miệng để rồi mãi mãi vẫn là thành phố rất lạc hậu như hiện thực đang phơi bày trước mắt.
Thành phố thông minh được thế giới xây dựng từ mấy chục năm trước, chẳng mới mẻ gì cả. Việt Nam có nói đến nhưng chưa làm, có làm nhưng chưa ra diện mạo là bởi vì chúng ta chưa có thực lực, thiếu thực chất. Biết rằng xây dựng thành phố thông minh rất cần thiết, nhưng làm được hay không lại là chuyện khác.
Theo tôi, để xây dựng thành phố thông minh cần có 3 yếu tố căn bản. Một là phải có cơ chế, chính sách đặc biệt về điều hành quản lý của chính quyền thành phố một cách tự chủ, hay nói ngắn gọn là thể chế. Tiếp theo là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ ba là các trường đại học, viện nghiên cứu để sáng tạo, phát minh những sản phẩm công nghệ phục vụ các lĩnh vực khác nhau cho cộng đồng xã hội.
Một thể chế tự chủ, không phải chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng trình Trung ương, thì chính quyền thành phố đó mới chủ động để sáng tạo được những chính sách quản lý điều hành thông minh. Các chính sách đó kịp thời, phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Nguồn nhân lực chất lượng cao đầu tiên chính là cán bộ, công chức hoạt động trong bộ máy nhà nước. Thành phố thông minh sao được khi chính những người quản lý điều hành lại không thông minh.
Thành phố thông minh dứt khoát phải dựa trên chính quyền điện tử, số hóa toàn bộ hoạt động hành chính. Vậy thì, mỗi một cán bộ, công chức ít nhất phải đủ trình độ để làm việc trong hệ thống số hóa đó.
Nguồn nhân lực tiếp theo là cán bộ khoa học, đủ tài năng làm ra những sản phẩm công nghệ có giá trị tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Yếu tố thứ ba là hệ thống trường, viện, đây là các trung tâm đào tạo ra nguồn nhân lực, đồng thời cũng là nơi sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Muốn giải quyết kẹt xe, ngập nước, ùn tắc giao thông không phải bằng cách hô khẩu hiệu, mà phải bằng những giải pháp khoa học, sản phẩm công nghệ.
Các trường đại học nổi tiếng trên thế giới mỗi năm công bố hàng trăm công trình khoa học có giá trị áp dụng vào đời sống, giải quyết những vấn đề cốt yếu của dân sinh, xã hội. Cho nên, một thành phố thông minh không thể tách rời khỏi những trung tâm tạo ra các sản phẩm ứng dụng thông minh.
Cám ơn anh đã đọc blog của tui và tương tác.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)