Ngắm thế giới nhỏ bé dưới kính hiển vi

Minh Hải/ Báo Tuổi Trẻ

Mỗi năm một lần kể từ năm 1975 đến nay, cuộc thi ảnh Nikon Small World trở thành nơi hội tụ, ghi nhận những bức ảnh qua kính hiển vi kết hợp nghệ thuật và khoa học của hàng nghìn nhà sinh vật học yêu nhiếp ảnh khắp thế giới.

Bức ảnh dưới kính hiển vi cá ngựa vằn – Ảnh: DANIEL CASTRANOVA

Bức ảnh giành giải cao nhất cuộc thi năm 2020 là Daniel Castranova, một chuyên gia sinh vật làm việc trong phòng thí nghiệm tại Viện Y tế Quốc gia (Mỹ). Daniel Castranova đã kết hợp hơn 350 hình ảnh riêng lẻ để tạo ra hình ảnh mặt lưng của một con cá ngựa vằn chưa trưởng thành.

Hình ảnh này đặc biệt quan trọng vì nó giúp nhóm của Castranova thực hiện một khám phá mới: cá ngựa vằn có các mạch bạch huyết bên trong hộp sọ của chúng, điều mà trước đây được cho là chỉ xuất hiện ở động vật có vú.

Castranova cho biết: “Cho đến năm 2015, chúng tôi nghĩ hệ thống bạch huyết này chỉ xuất hiện ở động vật có vú. Giờ đây, bằng phát hiện mới này, cộng đồng khoa học có thể xúc tiến hàng loạt nghiên cứu và đổi mới lâm sàng, từ thử nghiệm thuốc đến điều trị ung thư. Điều này là do chụp ảnh hiển vi những con cá dễ dàng hơn nhiều so với chụp từ động vật có vú”.

Ngoài ba tác phẩm đoạt giải cao nhất, Nikon Small World cũng chọn ra 71 bức ảnh trong số hàng nghìn bức ảnh dự thi của các nhà khoa học và nghệ sĩ trên toàn cầu.

Đối với những người yêu khoa học và nhiếp ảnh, cuộc thi ảnh dưới kính hiển vi của Nikon giống như một “bữa tiệc” – nơi họ tán thưởng những nghiên cứu khoa học và đắm chìm trong niềm đam mê nghiên cứu khoa học hơn là cuộc thi tranh giải ảnh.

Qua những bức ảnh này, người xem cảm nhận được “vẻ đẹp rất khác” của sinh vật và sự sống xung quanh.

Vị trí thứ hai được trao cho nhà sinh vật Daniel Knop với hình ảnh về sự phát triển phôi thai của cá hề (Amphiprion percula). Hình ảnh cho thấy sự phát triển từ vài giờ sau khi thụ tinh – khi các tế bào tinh trùng có thể nhìn thấy trên đầu trứng – cho đến vài giờ trước khi trứng nở. Theo Knop, khó khăn chính là tạo ra những bức ảnh xếp chồng nét sắc nét trong khi phôi thai còn sống và đang chuyển động.
Vị trí thứ ba thuộc về tiến sĩ Igor Siwanowicz tại Viện Y tế Howard Hughes (Mỹ) cho bức ảnh sử dụng kính hiển vi đồng tiêu chụp lưỡi của một con ốc sên.
Bào tử và sợi của nấm đất. Ảnh của ba tiến sĩ Vasileios Kokkoris, Franck Stefani và Nicolas Corradi tại Đại học Nông nghiệp Ottawa và Agrifood Canada.
Hình ảnh dưới kính hiển vi của phấn hoa trong bao phấn. Ảnh của tiến sĩ Robert Markus và Zsuzsa Markus tại Đại học Nottingham (Anh).
Các vi ống (màu cam) bên trong tế bào. Phần màu lục lam chính là các hạt nhân. Ảnh của chuyên gia Jason Kirk tại Đại học Y khoa Baylor (Mỹ).
Tiến sĩ Allan Carrillo-Baltodano và David Salamanca tại Đại học Queen Mary của London (Anh) với bức ảnh phôi một con tắc kè hoa.
Chuỗi các cá thể từ loài giun phân đoạn sinh sản vô tính Chaetogaster diaphanus. Ảnh của tiến sĩ Eduardo Zattara và tiến sĩ Alexa Bely thuộc Hội đồng Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia (Argentina)

 

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Ngắm thế giới…

https://tuoitre.vn/ngam-the-gioi-nho-be-duoi-kinh-hien-vi-20201014192025444.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *