Ngành điện có oan không?

Lương Duy Cường/ Báo Khám phá
 
Nỗi ác mộng mang tên mất điện khi trời nóng. Ảnh minh họa
Khi xăng, gas, viện phí, học phí thứ gì cũng đều tăng giá, lại nhè cái lúc nắng nóng cao điểm nhất, nhu cầu xài điện nhiều nhất, để tăng giá điện thì đúng là “thượng đế” không bức xúc mới lạ.
 

Vẫn nắng gay nắng gắt như đã từng nắng suốt cả hàng chục ngày qua. Dân tình chực chờ tan ca tan sở là ghé trường học đón vội con rồi phóng về nhà bật máy điều hòa, quạt nước. Có thứ gì giảm nhiệt hay giải nhiệt được thì gần như huy động cả.

Tội nhất là dân các khu lao động nghèo, có người không dám quay về nhà trọ vì dù mặt trời đã tắt vẫn hầm hập nóng, đành chọn kế tụ tập luôn dọc vỉa hè trong các khu công nghiệp, bờ sông, bờ kênh.

Khổ nhất là đêm đang ngủ mà bỗng dưng điện cúp cái rụp nữa thì gì chứ cái thứ nhà ống, hay nhà tường gạch lợp tôn kẽm là không khác gì lò rang. Không phát điên lên mới lạ. Là bực lắm đấy, điên lắm đấy nhưng gọi hỏi ông điện lực thì cũng bằng không. Thôi thì là giờ cao điểm, là sửa đường dây, sự cố… đủ thứ lý do.

Nhưng có thứ lý do có lý nhưng rất vô lý ấy là bị cắt điện vì lỡ đóng muộn ít ngày. Đã dùng điện của người ta mà không trả tiền thì cúp là phải rồi. Nhưng mèng đéc ơi, chỉ trừ mấy ông công ty, nhà máy gần phá sản mới dám liều chứ 99% dân tình chỉ chậm trả chứ mấy ai dám không trả. Chậm thì có khi do đi vắng xa, ốm đau bệnh tật, hay cả có lúc không có tiền để trả (vì tiền điện tháng trước đã tăng cao chẳng hạn) chứ nhà người ta ăn ở suốt đời đấy, có phải như thương hồ nay đây mai đó rong ruổi dặm đường đâu mà trốn thoát được. Mà ông điện thì độc quyền xưa nay, không kính ông để được cấp điện thì chỉ có nước quay về thời cổ lỗ sĩ để chơi với đèn cù, với dầu mù u hay dầu hỏa.

Đã vậy, khi xăng, gas, viện phí, học phí thứ gì cũng vừa tăng giá, lại nhè cái lúc nắng nóng cao điểm nhất, nhu cầu xài điện nhiều nhất, để tăng giá điện thì đúng là “thượng đế” không nốc ao (knock-out) mới lạ. Cho nên, không có gì lạ khi “thượng đế” đua nhau rủa xả, ca thán, chửi chán thì đòi giải thể luôn cả ông điện lực (EVN), dù biết chỉ là nói cho bớt stress thôi chứ đâu dễ làm gì nhau. Mấy ông ngành điện đã nói thẳng là giải thể EVN thì giá điện còn tăng nữa. Hãi chưa?

Rồi quan chức ngành điện cũng rất bản lĩnh khi đăng đàn nói rõ là hóa đơn tiền điện của quí vị tăng chỉ một phần do điều chỉnh giá điện từ mức 1.720,65 đồng/kWh lên mức 1.864,04 đồng/kWh (tăng 8,36%) chứ lỗi chính vẫn là do nắng nóng nhu cầu sử dụng tăng cao, rồi thì còn do số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 là 31 ngày nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 chỉ có 28 ngày.

Túm lại thì “thượng đế” phải trả tiền điện nhiều là vẫn do chính “thượng đế” và trời. Cái cách giải thích của ngành điện rõ là họ đang muốn nói “thượng đế’ chửi oan cho họ. Hóa đơn tính tiền điện có tăng nhưng tăng đúng, không có gì để gọi là tính oan tính sai cả. Có người đã tính rõ là trong 10 năm qua (từ 2009 đến 2019), giá điện được điều chỉnh 10 lần và đã tăng lên gấp đôi, từ 948,5 đồng lên 1.864,5 đồng/kWh. 

Có oan cho ngành điện không? Cứ chờ sẽ rõ. Vì Bộ Công Thương (chủ quản của ngành điện) đã tổ chức đến 3 đoàn cũng đồng loạt vi hành ngay từ hôm nay (8-5) để xác tín tình hình thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện và quy định giá bán điện; kiểm tra tuyên truyền về giá điện và sử dụng điện cho khách hàng…

Trước đó cũng chỉ 1 ngày, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đã ra quân kiểm tra để “làm rõ đúng sai đối với nội dung điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá bán điện và tính tiền sử dụng điện sau khi có điều chỉnh giá”.

Vậy thì các ‘thượng đế’ hãy bớt tâm tư để chờ xem kết luận thế nào cái đã. Có người lo Bộ Công Thương tuy lập đến 3 đoàn kiểm tra đấy nhưng kiểu “cha kiểm con”, rồi thì thành phần các đoàn lại gồm chính ông điện lực và vài vị khả năng ít biết về điện… thì khó khách quan.

Lo thế cũng có lý, nhưng ví thử nếu có chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi” thật thì cũng còn có Thanh tra Chính phủ. Mà nếu Thanh tra Chính phủ cũng bênh ông điện, “cầm cân nảy mực” không công minh thì chắc chắn trong kỳ họp tới đây của Quốc hội cũng sẽ có đại biểu chất vấn chuyện này công khai giữa nghị trường. Chuyện này thì nói trước được, vì rất nhiều tổ đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc với cử tri trong mấy tuần qua đã nhận được phản ánh của cử tri và hứa sẽ đăng đàn.

Nhưng giá điện xét cho cùng thì vẫn chỉ là “giọt nước tràn ly” chứ vẫn chưa phải là cái gốc những bức xúc của người tiêu dùng với ngành điện. Ngành điện trong thế độc quyền nên nhiều chuyện rõ là chưa sòng phẳng với khách hàng. Đấy mới là cái gốc của những bức xúc. Nhỏ thì có thể nhìn thấy ở cái công tơ điện 1 pha 1 giá đang lắp đặt tại tất cả các hộ sử dụng điện sinh hoạt hiện nay. EVN luôn nói giá điện còn rẻ hơn thế giới, ngành điện cũng tiệm cận nhiều thứ với sự hiện đại của thế giớ. Trong khi thế giới người ta đua nhau chuyển sang công tơ điện tử 2 giá, trong đó giá điện sinh hoạt giờ thấp điểm (từ 22 h hôm nay đến  6 h hôm sau) chỉ bằng khoảng một nửa giá giờ bình thường, khách hàng của họ nhờ thế mà biết chọn giờ thấp điểm để sử dụng cho tiết kiệm, thì dân ta được cho dùng điện đã là mừng.

Cũng là cái công tơ nhưng nó chạy đúng, hay chạy như ngựa bất kham thì khách hàng vẫn cứ mù mờ. Cái gì mù mờ thì ắt sinh nghi hoặc.

Lớn nữa thì còn có thông tin EVN mang rất nhiều tiền đi đầu tư ra ngoài ngành, lại có cả hàng chục ngàn tỉ tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng không kỳ hạn, rồi chi phí cho bộ máy vận hành đang ngày càng phình to đến mức vô lý… Nói chung là rất nhiều việc cần minh bạch. ‘Thượng đế’ của ngành điện ấm ức cũng vì chưa thỏa mãn về cái sự minh bạch từ ngành điện. Và cũng chỉ có minh bạch thì mới hy vọng EVN sòng phẳng với khách hàng.

Nhưng nếu minh bạch được thì còn gì để nói?

NGUỒN: Theo Báo Khám phá online
Link bài: Ngành điện có oan không?
(http://khampha.vn/toi/nganh-dien-co-oan-khong-c8a716324.html)
 
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *