Ngày doanh nhân nghĩ về những rào cản

Lê Thanh Phong/ Báo Lao Động

—–

Đọc nhiều bài viết chúc mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam, tui nghĩ giới doanh nhân rất vui vì ngày càng được xã hội tôn vinh, không còn xem là “bọn gian thương”, “bọn bóc lột” như trước nữa.

Rất nhiều bài viết đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực doanh nghiệp tư nhân và đóng góp có hiệu quả của khu vực này đối với nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, có những đại điện rất thành công, chứng minh được sự hiện diện của một nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.

Nhưng tui thích những bài viết, những quan điểm chia sẻ sâu sắc, đúng với những suy tư và lo lắng của không chỉ cộng đồng doanh nghiệp, mà với tất cả những ai đang quan tâm đến sự phát triển giàu mạnh và bền vững của đất nước.

Và tui được an ủi, khi có những nhà báo chỉ ra một tồn tại, đó là doanh nhân, doanh nghiệp gặp trở ngại vì những rào cản đến từ những cán bộ công chức trong chính quyền, và nguy hiểm hơn, đó là rào cản từ phía cộng đồng.

Chỉ cần một doanh nghiệp nào đó gặp sai sót, người ta hả hê lao vào xâu xé, vùi dập cho đến sập tiệm. Người ta nhân danh đủ thứ đạo đức, lý lẽ để phán xét, trong khi không mấy ai hiểu rõ bản chất của sự việc. Doanh nhân cay đắng khóc thầm, dựng một doanh nghiệp quá khó khăn, nuôi nó trưởng thành là một quá trình gian khổ, nhưng dư luận sẵn sàng giết chết nó đôi khi chỉ vì một lỗi lầm, thậm chí là một sự hiểu lầm.

Hãy có cái nhìn độ lượng và vì cái chung. Những ai làm ăn bất chính thì pháp luật nghiêm trị, còn đa số doanh nhân làm ăn chân chính thì hãy hỗ trợ, ít nhất là bằng cái nhìn bình tĩnh và công tâm.

Nếu như Việt Nam còn những lực cản do chính cộng đồng thì nhiều doanh nghiệp bị “sát hại”, và cộng đồng đó cũng không bao giờ thụ hưởng được những giá trị tốt đẹp.

Đất nước không thể phát triển như kỳ vọng.

Trần Quí Thanh

—–

Doanh nhân, doanh nghiệp cần gì, đó là câu hỏi từng được đặt ra, và từng được trả lời rằng cần những chính sách hỗ trợ hiệu quả. Trên thực tế, Chính phủ đã thiết kế nhiều chính sách kịp thời thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, doanh nghiệp cũng được thụ hưởng những lợi ích từ những chính sách đó.

Cũng từ thực tế đời sống doanh nghiệp để đánh giá, có khi chính sách mới chỉ là tháo dỡ những cái cũ, có nghĩa là không có gì mới. Xây một cái hàng rào ngăn sông cấm chợ, sau đập hàng rào đó đi để mọi người tự do qua lại mua bán.

Như thế là sửa sai, không phải sáng tạo ra cái mới. Vậy thì chi bằng, trước đó đừng có những chính sách không phù hợp để sau đó phải mất công xóa bỏ. Ví dụ như quy định hàng nghìn điều kiện kinh doanh, rồi phải tìm mọi cách tháo gỡ, và coi như đó là đổi mới, là công lao.

Nhưng tháo bỏ cái cũ vẫn chưa hết, hiện nay vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành là rào cản đối với doanh nghiệp. Đó là chưa kể, có những quy định đã cắt bỏ, nhưng thiếu thực chất. Như Lao Động có bài phản ánh “Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Văn bản giảm, thủ tục vẫn nguyên”.

Từ những “tồn tại lịch sử” đó, để chia sẻ một điều, đó là doanh nghiệp không đòi hỏi gì to tát, mà chỉ cần các cơ quan quản lý đừng đưa ra những quy định cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp không cần cho gì, chỉ cần không bị trói buộc, để khai thác được tối đa nguồn nội lực phục vụ phát triển. Một doanh nghiệp được giải phóng nguồn lực xã hội có thêm một nguồn lợi, cả cộng đồng doanh nghiệp được giải phóng nguồn lực thì đất nước giàu có.

Rào cản từ những quy định, điều kiện kinh doanh chưa phải là hết, còn có những rào cản đến từ sự lạm quyền của những cán bộ, công chức. Doanh nhân mất thì giờ và tiền bạc cho những ứng xử phi hành chính gọi là “tham nhũng vặt”, bị ảnh hưởng rất nhiều trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, bị hao mòn nguồn lực, không đủ tích lũy để thực hiện những việc đại sự.

Ở đây phải nói rằng, doanh nhân và doanh nghiệp không cần cho gì, mà chỉ mong đừng bị lấy đi.

Rào cản không chỉ đến từ đội ngũ công chức, mà còn từ phía cộng đồng. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, có thể doanh nghiệp phạm những sai lầm, sản phẩm bị lỗi. Quan sát một số trường hợp doanh nghiệp lâm nạn, sẽ thấy rất nguy hiểm. Doanh nghiệp gặp sai sót, bị vùi dập cho đến phá sản, vậy thì đến bao giờ đất nước mới có được một lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp hùng hậu.

Nếu như doanh nghiệp không có những vi phạm phải xử lý bằng pháp luật, thì cần sự bao dung từ cộng đồng. Báo chí, dư luận chỉ ra cái sai để sửa, động viên để doanh nghiệp tự tin phát triển sản xuất, làm giàu và đóng góp cho xã hội, nộp thuế cho nhà nước.

Phong trào khởi nghiệp được hưởng ứng rộng rãi, nhiều doanh nhân trẻ xuất hiện, họ rất cần sự hỗ trợ. Sự hỗ trợ tích cực và có ý nghĩa nhất chính là đừng có những cản trở từ phía các nhà quản lý cũng như từ cộng đồng.

Gần đây có nhiều doanh nhân Việt ra nước ngoài khởi nghiệp hay đầu tư ở các nước. Doanh nhân tìm kiếm thị trường để mở rộng sản xuất kinh doanh là điều tốt đẹp, nhưng sẽ không là điều tốt đẹp nếu như họ ra đi vì không tìm thấy sự lành mạnh ở môi trường kinh doanh trong nước.

Đã có những rào cản được tháo gỡ, hãy tiếp tục gỡ những rào cản còn lại. Và quan trọng hơn, đừng tạo ra bất cứ rào cản nào nữa. Doanh nhân Việt chỉ mong được như vậy.

NGUỒN:  Theo Báo Lao Động online

Link bài: Ngày doanh nhân…

(https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ngay-doanh-nhan-nghi-ve-nhung-rao-can-759724.ldo)

5/5 - (1 vote)

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *