“Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành”

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet.

—–

Thưa bác,

Ai cũng biết giao tiếp rất quan trọng trong cuộc sống, với một CEO càng quan trọng, nó dường như quyết định sự thành bại công ty của một CEO. Thế nhưng cháu rất yếu kém về mặt này. Bác có thể cho cháu một lời khuyên được ạ?

Kính bác

Hoàng Thị Dịu Hương (Huế): diuhuongyeuhue17@gmail.com

—–

Cháu Hoàng Thị Dịu Hương mến!

Không phải ai sinh ra cũng có khả năng giao tiếp. Có người có khiếu ăn nói, lợi khẩu, có người “cục vắt hòn”, nói năng ấp a ấp úng. Nhưng đây chỉ là giao tiếp xã hội thông thường, miễn sao người ta hiểu mình, quý mình là được.

Còn giao tiếp trong công việc, với vị trí của một CEO hay lãnh đạo doanh nghiệp, thì đòi hỏi phải có kỹ năng, nghệ thuật, thậm chí là khoa học về giao tiếp, bởi vì nó bao gồm cả tâm lý học, xã hội học.

Cha ông mình ngày xưa dạy rất hay, “học ăn, học nói, học gói, học mở”.  Nói phải học, đó chính là học cách thức giao tiếp. Muốn nói hay, nói cho đúng thì phải học hành tử tế, không phải nói theo bản năng, muốn gì nói đó, bất chấp hậu quả

Hay như “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Không nên nói những lời khó nghe, làm mất lòng người khác. Cho dù bất đồng ý kiến thì cũng phải biết cách phản biện, trình bày khéo léo, biết giấu cảm xúc.

Có một cách nói rất đẳng cấp đó là im lặng. Khi gặp một đối tác, cần phải biết lắng nghe họ nói, nghe càng nhiều càng tốt. Im lặng không có nghĩa là không nói lời nào, mà khơi gợi những đề tài để đối tác nói về câu chuyện đó hoặc nói về họ, còn mình lắng nghe, chia sẻ cảm xúc. Đôi lúc là cái gật đầu, ánh mắt, cái vỗ tay…Cha ông mình nói “im lặng là vàng” ý tứ sâu sắc lắm.

Thà không nói, đã nói là nói lời chân thực, đúng đắn, không điêu ngoa, xảo trá. Có thể cháu không có năng khiếu nói hay, nhưng phải nói đúng và chân thành. Với một CEO, nói ra điều không trung thực thì sẽ không còn ai tin cậy để hợp tác làm ăn. Ở đây không chỉ là vai trò cá nhân, mà đại diện cho một doanh nghiệp, thì mọi phát ngôn đều phải cẩn trọng, thuyết phục. Viết tới đây tự nhiên bác nhớ câu tục ngữ  “ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành”.

Trước khi giao tiếp với đối tác, cháu phải tìm hiểu đối tượng đó là ai để ứng xử phù hợp. Biết gửi một lời thưa, lời chào đúng đối tượng, địa vị, tuổi tác, “lời chào cao hơn mâm cỗ là vậy”.  Có người thích uống rượu, có người uống trà, có người thích đánh golf, nếu biết thì khi xã giao, đề cập đến những chuyện họ thích thì sẽ dễ gần. Đối với mỗi vùng miền có văn hóa riêng, đặc biệt là đối tác nước ngoài, cần phải tìm hiểu kỹ, để tránh thất thố.

Bác chia sẻ những chuyện thuộc về kỹ năng, nhưng trên tất cả, bác nghiệm cả đời mình, nghệ thuật giao tiếp cao nhất đó là hết sự thành thật, nhân hậu. Có thể trong trường hợp nào đó, sự thành thật sẽ bị thiệt thòi, nhưng về lâu dài, nó sẽ tạo ra sự khác biệt và giá trị cho cháu.

Chúc cháu thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

5 (100%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *