Người giỏi quyết định thành bại của tái cấu trúc

Trần Quí Thanh

Nguồn ảnh: Internet

—–

Thưa bác Dr Thanh,

Cháu thật sự cảm động khi bác trả lời cháu nhanh chóng trong bài: “Quản trị chi phí hiệu quả là phải bịt được các ‘lỗ mối’. Đây là bài học quan trọng nhất của một CEO nghiệp dư và quê mùa như cháu. Cảm ơn bác rất nhiều.

Lần này cháu xin hỏi bác: Khi nào thì cần tái cấu trúc doanh nghiệp, và trong tái cấu trúc thì khâu nào là quan trọng nhất?

Lần nữa xin cảm ơn bác và chúc bác luôn dồi dào sức khoẻ.

 Nguyễn Thị Minh Thái (Hà Tĩnh): minhthaisongla1983@gmail.com

—–

Cháu Nguyễn Thị Minh Thái mến!

Lý thuyết tái cấu trúc doanh nghiệp được các chuyên gia kinh tế đưa ra rất nhiều, nhưng tóm gọn trong hai trường hợp.

Một là do bị động: Khi có khủng hoảng xảy ra đối với doanh nghiệp, bắt buộc phải tái cấu trúc để vượt qua khủng hoảng.

Hai là do chủ động: Nhìn thấy xu hướng phát triển, dự báo được thị trường nên tái cấu trúc để đáp ứng với điều kiện và môi trường kinh doanh mới. Hoặc có khi, để chuẩn bị ra sản phẩm mới, triển khai một đề án phát triển kinh doanh mới, thì tái cấu trúc để có bộ máy vận hành phù hợp.

Từ hai trường hợp trên, cho thấy đôi lúc khủng hoảng cũng là một cái may. Phần lớn con người ta ngại thay đổi, nên đa số doanh nghiệp tự hài lòng với chính mình. Nhưng khi có khủng hoảng xảy ra, mới thấy những khiếm khuyết trong hệ thống để chỉnh sửa. Một doanh nghiệp cũng vậy và một tổ chức cũng chẳng khác.

Nhưng đối với các doanh nghiệp chủ động tái cấu trúc thì khả năng thành công cao hơn. Vì có đủ thì giờ, sự chuẩn bị và xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện khoa học. Các lãnh đạo doanh nghiệp có tầm thường chọn đúng thời điểm để tái cấu trúc, mỗi lần tái cấu trúc là một lần lột xác doanh nghiệp để có một diện mạo mới.

Về câu hỏi khâu nào quan trọng nhất trong tái cấu trúc thì bác trả lời ngay đó là nhân sự. Trong tái cấu trúc thường thay đổi dây chuyền sản xuất, áp dụng công nghệ mới, và đã công nghệ mới thì tiết kiệm nhân lực, cho nên phải giảm người, đây là một khó khăn đó cháu nhé. Người Việt mình thường trọng tình, cho một người nghỉ việc khi họ đã gắn bó với mình là xót lòng, thấy thương, tội nghiệp.

Nhân sự trong tái cấu trúc không chỉ là tinh gọn bộ máy, mà tuyển dụng người để tương thích với hệ thống mới. Tuyển đúng nhân sự giỏi đứng mũi chịu sào ở các khâu quan trọng nhất của  tổ chức doanh nghiệp sẽ quyết định cho sự thành bại của tái cấu trúc.

Nhưng làm thế nào để  tìm ra người giỏi và tuyển dụng được họ mới là vấn đề. Ở đây không chỉ là thu nhập cao, mà thuyết phục bằng các đãi ngộ khác. Các CEO của doanh nghiệp lớn đi săn đầu người không chỉ là đề xuất mức lương hấp dẫn, mà làm sao để người giỏi thấy rằng, khi về làm với mình, họ được giải phóng năng lượng, có nguồn cảm hứng và đóng góp hữu ích cho doanh nghiệp và cho xã hội.

Nhân đây, bác kể cho cháu nghe chuyện Steve Jobs tuyển nhân tài nhé. Steve Jobs thuyết phục John Sculley, CEO của PepsiCo bỏ lại sự nghiệp ông gây dựng 10 năm để cùng Jobs điều hành Apple bằng câu nói nổi tiếng: “Anh muốn cả đời đi bán thứ nước đường ấy hay cùng tôi thay đổi thế giới”. Với Sculley, câu nói “thay đổi thế giới” mới đủ sức bứng anh ta ra khỏi lâu đài của PepsiCo.

Chúc cháu thành công.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *