Người sáng lập Remaps kể chuyện bán nhà cửa, nương rẫy để vượt đại dịch rồi gọi được vốn ở Shark Tank

Doanh nhân Việt Nam – Kiều Ngân

Nền tảng số về bất động sản Remaps được CTCP Remaps phát triển từ năm 2020. Vượt qua đại dịch, hiện nay Remaps đã bước đầu thành công trong việc thu hút người dùng.

Ông Lê Minh Đức là người sáng lập kiêm CEO của CTCP Remaps, sở hữu website Remaps.vn.

Bắt đầu tham gia vào lĩnh vực bất động sản từ năm 2007 với vai trò phân tích đầu tư, lập kế hoạch, theo dõi dự án cho các chủ đầu tư, ông Đức nhận thấy những khó khăn của người mua trong việc tìm kiếm các thông tin liên quan đến bất động sản. Từ đó, ý tưởng về việc số hoá bất động sản Việt Nam trên nền bản đồ ra đời, với mục tiêu giúp người dùng dễ dàng truy cập tất cả thông tin liên quan đến bất động sản.

Sau ba năm vận hành, hiện Remaps.vn đang thu hút hàng trăm nghìn lượt xem mỗi tháng. Cụ thể, theo thống kê của SimilarWeb, lượt người xem trong ba tháng gần nhất (6,7,8) của website này lần lượt là 305.200, 231.600 và 260.800.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Lê Minh Đức về quá trình xây dựng Remaps.

   Ông Lê Minh Đức – nhà sáng lập, CEO của CTCP Remaps. (Ảnh nhân vật cung cấp). 

Bắt đầu từ thứ dễ nhất

– Tham vọng tạo ra nền tảng cung cấp mọi thông tin liên quan đến bất động sản, vì sao ông chọn quy hoạch là sự khởi đầu cho Remaps?

Ông Lê Minh Đức: Sau nhiều thời gian làm việc trong lĩnh vực bất động sản, tôi nhận ra hiện nay nhu cầu tìm hiểu và mua bất động sản là rất lớn, trong khi thông tin lại rất thiếu.

Thứ nhất, người mua có rất ít hoặc không có kiến thức về bất động sản. Nhiều khi họ muốn mua nhưng không biết những kiến thức liên quan. Vì không có kiến thức nên họ không tìm kiếm được thông tin có ích, vì bản thân họ không biết phải tìm kiếm cái gì.

Thứ hai, thông tin trên thị trường hiện nay bị phân tán rất rộng, từ quy hoạch, giá cả đến pháp lý. Mỗi thông tin rải rác một nơi.

Thứ ba, các thông tin nếu có thì cũng khó tiếp cận. Có trường hợp lấy được tài liệu quy hoạch về cũng không biết cách xem.

Cho nên tôi rất muốn làm một thứ gì đó để giúp những người quan tâm đến bất động sản có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn, giống như cách Google số hoá thế giới này lên trên một cái bản đồ. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn xây dựng một cộng đồng để cùng nhau trao đổi thông tin chuyên môn, để thông tin không bao giờ là một chiều, giống như cách thức hoạt động của Facebook.

Mục tiêu của tôi là tạo ra một hệ sinh thái mà người dùng có thể vào để tìm kiếm thông tin, kiến thức liên quan đến bất động sản và kết nối với nhau. Để làm được như thế, tôi tính toán xây dựng dựa trên giá trị cốt lõi là sản phẩm bất động sản thật, vì các thông tin người dùng muốn tìm hiểu đều xoay quanh một bất động sản nào đó.

Tôi đang từng bước xây dựng các “lớp” thông tin trên bất động sản, trong đó bước đầu tiên là làm thông tin quy hoạch. Tôi cho rằng thông tin quy hoạch là thứ dễ nhất có thể làm, do đó Remaps phát triển thiên về quy hoạch trước, sau đó sẽ dần dần gắn thêm các thông tin khác liên quan.

  Remaps tham vọng tạo ra nền tảng cung cấp mọi thông tin liên quan đến bất động sản. (Ảnh nhân vật cung cấp). 

Bán nhà cửa, nương rẫy vượt đại dịch

– Với startup, khó khăn nhất có lẽ là nguồn vốn, Remaps đã đối mặt với khó khăn này như thế nào, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp?

Ông Lê Minh Đức: Tôi bắt đầu làm Remaps với hai bàn tay trắng. Trước đó, tôi cũng đã từng khởi nghiệp và thất bại nhưng tôi vẫn quyết tâm làm dự án này. Để có vốn, tôi kêu gọi nhiều người cùng tham gia. Cuối cùng, có ba người cùng đồng hành với tôi, họ như những nhà đầu tư thiên thần. Sau này, khi Remaps hoàn thiện phiên bản đầu tiên thì chúng tôi kêu gọi được thêm một nhà đầu tư nữa.

Đang trên đà phát triển thì làn sóng Covid-19 lần thứ 4 ập đến, các biện pháp phong toả khiến mọi thứ đình trệ và Remaps cũng không ngoại lệ. Với chúng tôi đó là khoảng thời gian rất khó khăn. Tôi đã bán nhà, tài sản, thậm chí cả nương rẫy ở quê để có tiền gồng gánh cho các chi phí vận hành và phát triển Remaps.

Cũng may mắn là trong khoảng thời gian đó tôi đã kêu gọi được một khoản vốn đóng góp từ cộng đồng. Những người mà tôi từng chia sẻ kiến thức đã thấy được con đường mà tôi đang theo đuổi và tin tưởng, ủng hộ. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được sự góp sức của người thân, họ hàng. Ngay cả nhân viên, có những người dù làm việc rất cố gắng nhưng sẵn sàng chỉ lấy mức lương đủ duy trì cuộc sống để đồng hành cùng công ty. Cứ như thế, chúng tôi cùng nhau cố gắng, cầm cự qua năm 2021.

  Ông Lê Minh Đức và đội ngũ Remaps. (Ảnh nhân vật cung cấp).  

Sang năm 2022, tôi nhìn nhận được rằng, đối với startup, quan trọng là phải sống đã. Tôi tìm đủ mọi cách để giảm thiểu chi phí. Tôi chỉ để những nhân sự tham gia vào việc phát triển sản phẩm như IT làm việc full-time, nhân viên các bộ phận còn lại hầu như làm việc part-time. Chúng tôi cũng đã thu được có một chút ít doanh thu trong thời gian đó, số tiền này cũng phần nào hỗ trợ cho trả chi phí server, duy trì hệ thống.

Remaps cũng đã thành công gọi vốn tối thiểu 10 tỷ cho tối đa 40% cổ phần từ Shark Hùng Anh tại Shark Tank. Nguồn vốn này đảm bảo cho startup có đủ sức để hoàn thiện sản phẩm như ý tưởng ban đầu, không sợ chết giữa chừng trong ba năm tới.

Đây là cơ hội cũng là một thách thức với Remaps, vì trong ba năm tới startup sẽ nhất định phải làm ra tiền. Nếu không, startup cũng chẳng có lý do để tồn tại.

  Remaps gọi vốn thành công tại Shark Tank. (Ảnh nhân vật cung cấp). 

Đã hút được người dùng, dù tiền bạc thì chưa

– Nhìn vào thực tế các startup proptech trên thị trường vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng làm proptech ở Việt Nam rất khó thành công. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Lê Minh Đức: Tôi cho rằng bất cứ cái gì liên quan đến công nghệ đều khó làm. Trong giai đoạn này người ta ví proptech là đại dương xanh vì có rất nhiều cơ hội nhưng không ai làm. Theo tôi được biết thì hiện tại đang có cả trăm startup về proptech. Tuy nhiên chỉ có dưới 20 startup thành công, có nghĩa là sẽ có trên 80% startup không tiến lên được. Biết vậy nhưng tôi cho rằng bản thân vẫn phải làm, vì trong cuộc đua này chẳng ai biết được mình là người thành công hay thất bại, bởi vì thị trường còn đang rất sơ khai.

Mô hình của chúng tôi thuộc dạng “tiên phong” vì chưa ai làm, cũng có thể do người ta nghĩ nó không hiệu quả.

Trong ngành này, có thể nói một số trang mang tính chất rao vặt đang thành công. Đây thường là các trang có lịch sử phát triển mười mấy năm rồi và có yếu tố nước ngoài đầu tư. Họ chi nhiều tiền cho quảng cáo và doanh thu cũng tương đối ổn định. Tuy nhiên nhóm này cũng gặp vấn đề về tin rác vì lượng thông tin lớn, khó kiểm soát.

Những nền tảng ra đời sau thì lại đang làm theo hướng sàn giao dịch online, thu tiền hoa hồng. Nhóm đó sẽ hoạt động tốt trong giai đoạn thị trường phát triển nhưng khi thị trường bắt đầu xuống và có dấu hiệu đi ngang như bây giờ thì sẽ gặp khó khăn, không đủ tiền để nuôi bộ máy, vì ngay cả những sàn offline còn đang chật vật.

Ngoài ra còn có một số nền tảng proptech hỗ trợ kết nối môi giới, quản lý toà nhà hay một số nền tảng do các chủ đầu tư tạo nên, sống được nhờ “bầu sữa” của chủ đầu tư.

Vậy nhìn đi nhìn lại, đúng là rất khó nếu khởi nghiệp trong ngành proptech này. Ngoài những nền tảng đã có tiếng như trên thì những nền tảng khác đa phần đang vẫn nhận rót vốn từ bên ngoài hoặc từ nhà đầu tư, còn nếu tự sống được cũng đang khá lay lắt.

Khác với các mô hình đã có trước đó, mô hình của Remaps thiên về công nghệ nhiều hơn. Chúng tôi không thu tiền từ môi giới mà hướng tới doanh thu từ quảng cáo, từ kết nối. Remaps cũng tối thiểu chi phí vận hành. Do đó, đa phần công nghệ của Remaps đều do Remaps tự chủ, tự kiểm soát được chi phí. Sau này giả sử thị trường đi xuống hay bất kể chuyện gì, trong trường hợp tệ nhất Remaps có thể quay về thời kỳ “ngủ đông”, hoạt động tối thiểu và tất nhiên vẫn có thể sống được.

Mô hình của Remaps nhận được nhiều lời khen và cũng có những ý kiến nghi ngờ, nhưng với tôi điều quan trọng nhất là trong thời gian qua Remaps đã giúp được nhiều người có công cụ tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn. Đó cũng là thành công bước đầu về mặt người dùng, còn tiền bạc thì chưa.

Trăn trở bài toán minh bạch thông tin bất động sản

– Ông từng chia sẻ rằng nguyên tắc của nền tảng là muốn đăng tin thì bắt buộc phải có bất động sản thật. Ông có thể chia sẻ sâu hơn về khía cạnh này?

Ông Lê Minh Đức: Mô hình của Remaps xoay quanh sản phẩm bất động sản vì tất cả những thông tin người dùng muốn tìm hiểu suy cho cùng đều xoay quanh điều này. Với một bất động sản, người ta có nhiều nhu cầu liên quan như xem quy hoạch, giá, vị trí… Tất cả những thông tin được đưa vào đều liên quan đến một bất động sản và nó phải có thật. Đó là một cách để Remaps kiểm soát xem thông tin người dùng đăng tải có chính xác hay không.

Ở đây, Remaps cũng có vai trò như một bên thứ ba có khả năng check thông tin một cách độc lập, như vậy người cung cấp cũng sẽ ít có khả năng đăng tải thông tin sai sự thật.

Ngoài ra Remaps cũng phát triển như một mạng xã hội, hồ sơ của người dùng đều công khai và dễ dàng tra cứu. Do đó, những thành viên không trung thực có thể dễ dàng bị cộng đồng đào thải. Người tìm kiếm thông tin cũng có thể dễ dàng so sánh giá cả của cùng một khu vực để chọn lọc thông tin chính xác nhất.

Hiện nay tin ảo trên thị trường rất nhiều, để giải quyết câu chuyện đó Remaps kiểm soát bằng nhiều cách. Hiện tại Remaps chưa thắt chặt các điều kiện nhưng trong tương lai hoàn toàn làm được vì startup đã làm chủ được công nghệ.

– Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nguồn: https://doanhnhanvn.vn/nguoi-sang-lap-remaps-ke-chuyen-ban-nha-cua-nuong-ray-de-vuot-dai-dich-roi-goi-duoc-von-o-shark-tank.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *