CEO Coolmate Phạm Chí Nhu: ‘Hiếm có startup nào thành công chỉ nhờ sao chép ý tưởng’

Doanh nhân Việt Nam – Hoàng Dung

“Hiếm có startup nào thành công chỉ nhờ sao chép ý tưởng kinh doanh. Ý tưởng rất có giá trị nhưng không phải là điều quan trọng nhất và cũng không phải là điều có thể giấu kín được”, CEO Coolmate Phạm Chí Nhu chia sẻ.

Dù đã là ông chủ nhưng Phạm Chí Nhu – CEO Coolmate không có phòng làm việc riêng vì anh muốn ngồi gần hơn với các bạn nhân viên và cộng sự. Một tuần có 7 ngày thì có tới 5 ngày, người ta thấy Nhu mặc chiếc áo phông đen in dòng chữ thương hiệu. Nhu không phải mẫu người cuồng màu đen hay ghét màu sáng, mà đơn giản, Nhu hay uống cà phê và thường làm rơi trên áo.

Để có một Coolmate khoẻ mạnh, Nhu và cộng sự từng trải qua nhiều lần thất bại, từng tuyệt vọng, từng khát vốn như bao startup khác.  Nhu bảo, “đời khởi nghiệp là thế, có thăng có trầm, không đơn giản và cũng không dễ thành công. Muốn thành công chỉ có làm, làm và làm”. Với anh, kinh doanh là phải có lợi nhuận nên những thứ gì màu mè, không thực chất Coolmate sẽ không làm.

Nếu không nhận được đầu tư, Coolmate chắc chết lâu rồi

3 năm trước, Coolmate có lối đi khác biệt so với nhiều startup là nói không với sàn thương mại điện tử và chỉ bán hàng trên website, một hình thức mua sắm không mấy quen thuộc với người tiêu dùng tại thời điểm đó. Tại sao anh làm vậy? 

Thời điểm đó, tôi cảm thấy sàn thương mại điện tử là một cái gì đó hơi thập cẩm và không có tương lai nên không làm. Hai năm đầu tiên, Coolmate nói không với các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee và Lazada. Thậm chí, chúng tôi còn không bán hàng trên Facebook và chỉ coi đó là kênh để làm marketing.

Trong trường hợp, khách muốn mua hàng thì phải tự lên website, tự đọc thông tin rồi mua sắm, trong khi thói quen này chưa mấy phổ biến ở Việt Nam, nên lúc đó, chúng tôi có bán được có xíu thôi…mà rất cực (cười).

Giờ ngẫm lại, nếu ngày đó, tôi không cực đoan và làm mọi thứ đa dạng hơn thì bây giờ Coolmate đã lớn hơn rất nhiều. Vì có những thời điểm, khách nhắn tin hỏi mua hàng qua Fanpage, tôi cũng không bán mà mời mọi người lên website đặt sản phẩm. Cũng vì thế mà nhiều người đã rời đi vì họ cảm thấy mọi thứ phức tạp.

Đánh giá về mô hình thì Coolmate không phải là mới, tôi cũng không phải là người đầu tiên nghĩ ra. Vì việc bán hàng qua website rất thịnh hành ở Mỹ và châu Âu, trong khi tôi thấy thị trường Việt Nam đang thiếu một cái như vậy nên quyết định làm.

Việc tôi cứ khăng khăng bảo mọi người lên website mua hàng thì cái đấy là cực đoan vì mình đang tự cắt đi một mảng lớn. Sau này, tôi có ngồi với Facebook Việt Nam, họ có nói với tôi là không nên chỉ chạy chuyển đổi trên website, làm như thế sẽ phát triển chậm. Vì ở Việt Nam, người ta vẫn thích mua trực tiếp, nhắn tin qua Fanpage và nhận tư vấn từ nhân viên.

Sau bao lâu, Coolmate mới tự “cởi trói” cho chính mình trên sàn thương mại điện tử? 

Năm 2019, Coolmate vẫn thực hiện chiến lược nói không với các sàn thương mại điện tử nên cả năm thu về có hơn 5 tỷ đồng, tính ra mỗi tháng, chúng tôi kiếm được 300 – 400 triệu đồng. Phải đến tháng 7/2020, chúng tôi mới tìm hiểu Shopee và bắt tay với Lazada.

Có người nghĩ chúng tôi cực đoan nhưng nhìn theo hướng tích cực thì đây cũng là điều tốt để Coolmate làm tốt thứ gì đó tại một thời điểm. Vì chiến lược này giúp chúng tôi đi nhanh, tập trung vào tệp khách hàng là nam giới và dồn toàn lực vào kênh bán là website.

Hiện tại, tỷ lệ khách mua hàng trên website của Coolmate vẫn chiếm 55%, 45% còn lại thuộc về sàn thương mại điện tử. Tôi không biết nữ giới thế nào nhưng nam giới có thói quen khá hay là họ đã mua hàng theo cách nào thì sau sẽ mua theo cách đó.

Không coi sàn thương mại điện tử, mạng xã hội là kênh bán hàn chính yếu, vậy anh đã làm gì để nhiều người biết đến thương hiệu và mở rộng tệp khách hàng trong thời gian đầu? 

Thời gian đầu, Coolmate có chiến lược khá hay là làm việc, hợp tác với các bạn Youtuber, Influencer (người có sức ảnh hưởng). Chúng tôi gửi tặng các bạn ấy những sản phẩm mới của công ty như áo, tất hay box đồ. Một box đồ khi đó có giá khoảng 490.000 đồng gồm một vài cái áo, quần lót, tất…

Với các Youtuber sở hữu 1.000 – 2.000 subscribe (lượt đăng ký kênh) thì các bạn ấy không lấy tiền mà vẫn lên video trải nghiệm sản phẩm. Một số bạn nổi tiếng hơn thì có lấy kinh phí nhưng số tiền ít lắm, chỉ khoảng mấy triệu đồng.

Thông thường, dưới mỗi clip, các bạn sẽ dẫn link sản phẩm để khách lên website mua hàng. Tôi nghĩ đấy là một chiến lược mà Coolmate đã làm rất thành công. Còn bây giờ, có cho chúng tôi làm lại cũng không thể làm lại. Vì tôi so sánh giá ngày trước và bây giờ đã khác, hơn nữa, độ nhận diện của thương hiệu cũng khác. 

Thời điểm đó, Coolmate lỗ hay lãi? 

Phải đến tận tháng 3/2020, Coolmate mới có lợi nhuận (cười).

Đầu tháng 3/2019, Coolmate đi vào sản xuất và cung ứng hàng ra thị trường từ nguồn vốn góp 2 tỷ đồng. Nhưng chỉ sau 6 tháng, chúng tôi đã tiêu tiền nên phải góp thêm 1 tỷ đồng. Thậm chí, để có tiền, tôi phải mang cả sổ đỏ đi cắm lấy 800 triệu đồng.

Thời điểm đó, mấy anh em cũng khó khăn vì có bao nhiêu tiền thì đã góp vào Coolmate. Với lại, việc gọi vốn của chúng tôi khi ấy cũng không mấy thuận lợi vì mọi người vẫn đề cao mô hình B2B, chứ không phải B2C như cách Coolmate vận hành.

Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với chúng tôi khi tiếp cận được quỹ đầu tư 500 Startups Vietnam. Nếu không có đầu tư thời điểm đó, Coolmate chắc chết lâu rồi.

 Ý tưởng rất có giá trị nhưng không phải là điều quan trọng nhất

Coolmate tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp khá nhiều trong giai đoạn 2020-2021, đây có phải chiến lược của công ty để phủ rộng thương hiệu hay đơn thuần là đi gọi vốn vì thiếu tiền?

 Coolmate không đi thi nhiều, tính ra chỉ có 2 cuộc thi là chính thức (cười).

Vì khi mới khởi nghiệp, chúng tôi cũng giống như bao startup khác là hào hứng tham gia các cuộc thi. May mắn là có lần chúng tôi gọi vốn thành công. Từ đó, ban tổ chức các chương trình bắt đầu để ý Coomate và hay mời tham dự.

Với lại, chúng tôi cũng muốn có cái name (tên tuổi) trên truyền thông vì bạn bè xung quanh đều làm thế. Nhiều người từng hỏi Coolmate là đi thi Shark Tank Việt Nam là cần tiền hay cần danh tiếng.

Với tôi, mục đích lớn nhất đến với chương trình là thực hiện ước mơ của bản thân. Vì tôi là fan (người hâm mộ) của Shark Tank Mỹ và “cá mập” Mark Cuban. Tôi từng hứa với chính mình là khi có chương trình về Việt Nam thì sẽ đi thi.

Với tôi, mỗi cuộc thi đều mang lại cho mình giá trị và kinh nghiệm như mở rộng mối quan hệ, gặp gỡ các nhà đầu tư hay mang lại hiệu ứng truyền thông tốt.

Mang sản phẩm đi thi nhiều, Coolmate có bao giờ sợ ý tưởng bị sao chép? 

Mindset (tư duy) của tôi ngay từ đầu là không sợ bị sao chép là cái thứ nhất, cái thứ hai là không sợ bị cạnh tranh. Do đó, Coolmate không hay đi nghiên cứu các đối thủ và không quan trọng việc ai đó đang cạnh tranh trực tiếp với mình mà cố gắng làm tốt công việc mỗi ngày.

Mọi người có thể truy cập vào website công ty, bấm vào bất kỳ một sản phẩm thì sẽ biết rõ sản phẩm ấy được sản xuất từ nhà máy nào, nguyên vật liệu có nguồn gốc từ đâu.

Tôi cho rằng, hiếm có startup nào thành công chỉ nhờ vào việc sao chép ý tưởng kinh doanh. Còn ý tưởng có giá trị không, dĩ nhiên là có, nhưng nó không phải là điều quan trọng nhất và cũng không phải là điều bạn có thể giấu kín được.

Tính tới hiện tại, Nhu có tự tin mọi chiến lược của mình đều đúng hết? 

Đầu tiên, phải định nghĩa thế nào là đúng, thế nào là sai vì đúng hay sai nó chỉ mang tính tương đối. Như trường hợp của tôi, thời gian đầu, tôi không bán hàng trên sàn thương mại điện tử mà xây website trong khi người người, nhà nhà đều bán hàng trên đó.

Nếu tôi thành công thì mọi người sẽ bảo tôi là kiên định, còn nếu tôi thất bại thì mọi người sẽ nói tôi cứng đầu, bảo thủ nên tôi không bao giờ thấy hối tiếc về những gì đã làm. Nếu cho làm lại thì tôi vẫn làm thế vì cái được bây giờ của Coolmate là sở hữu nền tảng website tốt.

Còn ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ Coolmate chưa thành công đâu vì làm startup sẽ có giai đoạn lên và xuống. Trên thực tế, có startup được định giá hàng trăm triệu vẫn phá sản nên Coolmate mà không làm tốt ở giai đoạn này và giai đoạn tiếp theo thì một ngày nào đó, sẽ có một bài báo đưa thông tin không vui về chúng tôi (cười).

Nhu từng có tuyên ngôn là “các bạn có quyền sai, sai là bình thường miễn sao công ty đừng phá sản”. Để công ty không phá sản thì giới hạn, quy tác anh đặt ra là gì? 

Tùy vào vị trí, công việc của mỗi người sẽ có những giới hạn và nguyên tắc riêng. Ví dụ như bạn làm vận hành kho thì bạn không được phép lấy cắp hàng dù chỉ là một sản phẩm, đấy chính là giới hạn, nó thuộc về giá trị cốt lõi, văn hoá của công ty chứ không thuộc về tài chính.

Còn hôm nay, các bạn làm sai cái này lần thứ nhất, lần thứ hai thì có thể bỏ qua nhưng đến lần thứ ba mà bạn vẫn lặp lại thì nó thuộc về vấn đề tư duy. Đến lúc đó, công ty sẽ xem xét có nên giữ bạn ở lại hay không.

vậy lỗi sai khiến Coolmate mất nhiều tiền nhất là gì? 

Năm 2020, Coolmate phải bỏ đi hàng nghìn sản phẩm do không đạt chất lượng. Lô hàng đó giá trị khoảng 600 triệu đồng. Vì tôi nghĩ bên trên nói là A thì mang đi sản xuất, chạy máy sẽ cho ra A nhưng không, mọi thứ không như vậy. Để khắc phục tình trạng trên, Coolmate phải điều động nhân viên đến tận xưởng sản xuất giám sát 24/24.

Đồng thời, tôi cũng nhìn nhận lại vấn đề để thấy rằng, không nên đặt rủi ro vào tay người khác, những rủi ro quá lớn thì mình phải tự quản trị, nay có thể làm chưa tốt nhưng mai sẽ làm tốt hơn.

Tại Coolmate, chúng tôi sẽ tự làm mọi thứ như không thuê agency, không thuê out soure bên ngoài, còn đội dev, đội chăm sóc khách hàng đều là tự phát triển.

Kinh doanh là phải tạo ra lợi nhuận

Năm 2020, 2021 là giai đoạn khó khăn với nhiều doanh nghiệp vì dịch Covid-19 bùng phát. Một số quan điểm cho rằng, thương mại điện tử là phao cứu sinh của doanh nghiệp, Nhu nghĩ sao? 

Theo tôi, giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát không mang lại lợi thế thương mại điện tử. Vì thời kỳ đó, ông startup nào cũng sấp mặt, chẳng ông nào được lợi hưởng lợi. Nhiều người hay nói cụm từ “được hưởng lợi”, tôi thấy là vô tâm vì công ty nào cũng phải cầm cự trong mùa dịch.

Còn cái được ở đây theo tôi là thị trường chuyển đổi theo hướng tích cực, người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến mạnh mẽ và có chiều sâu hơn.

Với Coolmate, chúng tôi có lợi thế là thực hiện được phương án 3 tại chỗ vì các xưởng may, xưởng nguyên vật liệu đều gần nhau. Hơn 60.000 công nhân ngày đêm làm việc ngay cả khi TP HCM thực hiện giãn cách xã hội, đó là những điều chúng tôi đã xây từ trước và đến lúc đó thì mang ra dùng. Nhờ thế, khi dịch đi qua, chúng tôi có nhiều hàng để bán nên doanh thu từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2021 bằng các tháng trước cộng lại.

Khi khởi nghiệp, nhiều người hay nói đến giai đoạn “đốt tiền” để làm hình ảnh và quảng cáo sản phẩm, Coolmate thì sao? 

Coolmate không màu mè cho lắm nên những thứ gì chúng tôi cảm thấy không thiết thực sẽ không làm, nhất là những thứ không đo lường được. Chúng tôi luôn hướng đến mô hình kinh doanh bền vững, với tiêu chí kinh doanh là phải tạo ra lợi nhuận, làm cái gì thì làm nhưng vẫn phải ra tiền.

Còn hỏi chúng tôi có “đốt tiền” không, chắc chắn là có. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chứng minh cho các nhà đầu tư rằng, Coolmate dùng số tiền đó vào khoản gì, với mục đích gì. Chúng tôi dùng tiền là để đi nhanh hơn, đạt được mục tiêu lớn hơn nhưng không “đốt tiền” bằng mọi giá.

Thị trường luôn có chỗ cho Startup

Nhìn vào quy trình sản xuất, phân phối của Coolmate dường như Nhu đang hướng tới mục tiêu nội địa hóa, điều này có đúng không? 

Trước khi làm Coolmate, tôi quen biết khá nhiều anh chị trong ngành may mặc. Mọi người cũng biết từ Made in Vietnam trong ngành may mặc thì có nhiều step (công đoạn) khác nhau từ sợi, vải, may.

Từ trước đến nay, Việt Nam mới chỉ mạnh về may nhưng yếu về mặt nguyên liệu nên Coolmate muốn làm tất cả sản phẩm may mặc ở Việt Nam, tương lai cũng vậy.

Tôi tin rằng những thứ gì nước mình làm được thì có thể tiếp tục làm được và làm tốt hơn. Trừ những thứ không thể làm ở Việt Nam thì chúng tôi mới mang ra nước ngoài.

Tôi cho rằng, một doanh nghiệp có thể làm nhiều hơn việc kinh doanh và tạo ra lợi nhuận. Do đó, tôi luôn kỳ vọng Coolmate sẽ làm được một điều gì đó trách nhiệm hơn, ý nghĩa hơn và tạo ra nhiều giá trị hơn ở đất nước mình.

Nhu từng chia sẻ về kế hoạch IPO của Coolmate vào năm 2025. Vậy anh thực hiện đến đâu rồi và dự định IPO ở đâu? 

Mục tiêu của Coolmate vẫn vậy, là IPO (cổ phiếu lần đầu phát hành ra công chúng) vào năm 2025 và kỳ vọng có quy mô lớn hơn nếu làm tốt.  Vì chúng tôi đang có nhiều nhà đầu tư chiến lược tham gia.

Tôi nghĩ, hành trình từ nay cho đến năm 2025 còn nhiều thứ xảy ra nhưng ít nhất tới thời điểm hiện tại là mình có một đội ngũ tốt, có những cơ hội và thị trường thương mại điện tử phát triển.

Còn năm sau, chúng tôi dự định mang Coolmate tới Philippines, năm sau nữa là Indonesia trước khi IPO. Vì trước đó, chúng tôi kỳ vọng, một ngày nào không xa sẽ mang Coolmate vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.

Chúng tôi luôn trăn trở câu chuyện Việt Nam là nước sản xuất dệt may, da giày lớn nhưng lại không có mấy thương hiệu đủ mạnh để cạnh tranh với thế giới. Và tôi luôn nghĩ rằng, đấy là trách nhiệm của thế hệ trẻ .

Qua nhiều lần trò chuyện với các tiền bối, anh chị đi trước làm trong ngành may mặc, tôi hiểu rằng, họ rất muốn thực hiện giấc mơ ấy.

Vậy theo Nhu, khởi nghiệp có khó và ngành thời trang còn “đất” để các bạn trẻ khởi nghiệp không? 

Tôi nghĩ khởi nghiệp khó nhưng đáng để làm với các bạn trẻ. Ở đó có rất nhiều cơ hội cho các bạn thể hiện, nên các bạn cứ làm đi, sai thì sửa.

Còn việc bạn lập một công ty mà công ty ấy lỡ phá sản, nhà đầu tư mất tiền là chuyện bình thường, trừ khi các bạn gian lận làm cho công ty phá sản.

Về thị trường thời trang cũng có 2 góc nhìn. Góc nhìn thứ nhất là thị trường rất chật chội, nhìn ở đâu cũng thấy quần áo như trên Website, Facebook, Shopee, Lazada, Tiki.

Góc nhìn thứ hai của nhà đầu tư nước ngoài là thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tiềm năng từ 2 góc độ, thứ nhất là quy mô thị trường lớn, thứ hai là sự cạnh tranh ít. Vì mọi người muốn biết sự cạnh tranh trong ngành thời trang khốc liệt như thế nào thì phải sang Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đấy cũng là một trong những lý do khiến Coolmate đi nhanh hơn dù chưa làm tốt hẳn. Vì chúng tôi mới chỉ cung cấp những thứ thị trường Việt Nam thiếu. Nhìn sang Trung Quốc, họ có những thương hiệu nội địa (Local brand) làm rất là tốt. Tốt ở đây có nghĩa là chất lượng sản phẩm tốt, hình ảnh sản phẩm tốt, thương hiệu tốt, cách bán hàng thông minh.

Vậy cơ hội dành cho các bạn trẻ còn rất nhiều, các bạn cứ làm đi và hãy nhìn xa hơn vì thị trường luôn có chỗ cho mọi người. 

 Xin cảm ơn chia sẻ của anh! 

Nguồn: https://doanhnhanvn.vn/ceo-coolmate-pham-chi-nhu-hiem-co-startup-nao-thanh-cong-chi-nho-sao-chep-y-tuong.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *