Ngọc Linh/ Theo Soundofhope
—–
Trưởng thành chẳng phải là kết quả của việc sống lâu hơn một chút mà tự đắc được kinh nghiệm và trí tuệ, đôi khi có những người đã đi hết gần hết cuộc đời của mình mà vẫn chưa đạt được đến độ trưởng thành.
Quá trình trưởng thành của một người là quá trình không ngừng học hỏi, nó giống như việc chúng ta nhìn vào gương hàng ngày, để thấy rõ bản thân mình, phát hiện ra những khuyết điểm của mình, nâng cao điểm mạnh và tránh điểm yếu. Thông qua hình ảnh phản ánh từ tấm gương, trong thành công đúc kết ra kinh nghiệm, trong thất bại rút ra bài học.
Một người chăm chỉ suy nghĩ, thích đọc sách và giỏi tự suy xét bản thân, sẽ ngày một đề cao được bản thân, hào quang tạo ra ngày một sáng sủa mà không chói mắt bởi sự tự mãn, kiêu ngạo.
Còn một người chưa trưởng thành thì sao? làm thế nào để phán đoán một người đã trưởng thành hay chưa? Từng có người chia sẻ rằng, không lâu trước đây người ấy ra nước ngoài du lịch và chụp một vài bức ảnh đăng tải lên trang cá nhân, cho những người bạn của anh ấy xem. Trong rất nhiều lời bình luận, có một lời bình rất thú vị:
“Thật không thể hiểu nổi những người sính ngoại như các cậu, có tiền ra nước ngoài phóng khoáng, sao không quyên góp giúp những huyện miền núi khó khăn”.
Bạn tôi vô cùng sửng sốt, người này, anh ấy mới kết bạn vài hôm trước, bình thường cũng chưa nói chuyện bao giờ, hôm nay đột nhiên bình luận như vậy.
Tại sao lại nói bình luận này rất thú vị? Bởi vì nó phản ánh chính xác tính cách của những người chưa trưởng thành trong xã hội ngày nay.
Đối với những người này thì ra nước ngoài du lịch là sính ngoại, mà nếu bạn lên núi cao quyên tiền thì họ lại nói là giả tạo. Cuối cùng thì, trong mắt những người chưa trưởng thành, bạn làm gì cũng không thuận mắt họ, làm bạn với những loại người này, không có lợi cho bản thân.
Vậy làm thể nào mới có thể nhận ra một người chưa trưởng thành. Tăng Quốc Phiên từng nói, một người chưa trưởng thành, có 3 biểu hiện, chỉ cần trên người có một biểu hiện, cần phải sửa chữa ngay.
Cái miệng là cửa phúc họa, nhiều lời tất lỡ lời
Tử Cầm hỏi Mặc Tử rằng: “Nói nhiều và nói ít thì lợi ích như thế nào?”
Mặc Tử trả lời: “Ruồi và ếch cả ngày phát ra âm thanh, miệng lưỡi khô khan, vậy mà chẳng ai nghe. Gà kêu sáng sớm, thiên hạ đều chấn động thức tỉnh. Nhiều lời phỏng có ích gì? Nói ít mà đúng lúc vậy”.
Nói nhiều mà không có nội dung phù hợp thực ra là một biểu hiện của chưa trưởng thành.
Cũng giống như những gì Mặc Tử nói, nói chuyện phải chú ý xem nó có đúng nơi đúng lúc không, nếu đúng thì dù có là lời nói chân thật đến mức nào cũng không làm tổn thương người khác. Nhưng nếu bạn không thể kiểm soát, nói nhảm, nói nhiều chỉ khiến người khác cảm thấy mệt mỏi.
Khi còn trẻ Tăng Quốc Phiên thường hay nổi giận, thường hay lớn tiếng với bạn bè, tranh luận một cách quyết liệt, thỉnh thoảng còn động tay động chân. Sau này, ông nhớ lại và liệt kê vào nhật ký của mình 3 sai lầm lớn nhất của ông:
Một là tự cho mình là đúng, hai là nói chuyện thiếu cân nhắc, ba là biết rõ là nói nhiều sẽ đắc tội người khác nhưng lại khăng khăng cãi chày cãi cối.
Cũng từ đó, Tăng Quốc Phiên nhận thức rõ tác hại và lợi ích của “nhiều lời”, mỗi ngày tự kiểm điểm, cuối cùng ông cũng bỏ được thói xấu này.
Sự trưởng thành và ổn định của một người, trên thực tế là khi một người biết ở đâu, lúc nào có thể nói những gì, trong giao tiếp với người khác, không làm đối phương khó chịu, đồng thời thể hiện sự rộng rãi, cởi mở của bản thân.
Cái miệng chính là cửa ra vào của phúc họa, hiểu được lý lẽ “ít lời”, thấu hiểu cảm nhận của người khác, mới là biểu hiện của một người trưởng thành.
Ngạo mạn đẩy người ra xa
Vị giáo sư người Hoa, Tiền Chung Sách từng nói: “Một người, đến 20 tuổi chưa ngạo mạn thì không có tiền đồ, đến 30 tuổi rồi vẫn còn ngạo mạn cũng là không có tiền đồ”.
20 tuổi, là độ tuổi cần được nắn chỉnh, nhờ người giúp đỡ chỉ bảo mà phát triển nhân cách, không ngạo mạn tự tin một chút thì không ai để ý đến để mà giúp đỡ.
30 tuổi, là lứa tuổi mà Khổng Tử nói là lập thân, lập nghiệp, phải biết tự nhìn nhận bản thân thì mới có thể trưởng thành ổn định, nếu kiêu căng ngạo mạn, thì có thể nhận thấy rằng người này tâm trí kém, chưa thuần thục.
Tăng Quốc Phiên cho rằng: “Xưa nay nói hung đức dẫn đến thất bại của đời người ước chừng đứng đầu là hai điều này – ngạo mạn và nhiều lời”.
Mà trong đó, ngạo mạn đặt trước nhiều lời, là biểu hiện càng nghiêm trong hơn so với nhiều lời của người chưa trưởng thành. Ngạo mạn cũng là kiêu căng, sẽ khiến người khác ghen ghét, nghiêm trọng hơn còn ảnh hưởng đến an toàn tính mạng.
Bởi vậy Tăng Quốc Phiên chủ trương đời người phải học được cách khiêm tốn, biết điều, cũng lại phải hiểu được cách luôn hướng nội, nhìn lại bản thân.
Vương Dương Minh cũng nói: “Con cái mà kiêu ngạo, tất không có hiếu, làm em mà kiêu ngạo, tất không có tình anh em”.
Ngạo mạn không chỉ là biểu hiện của những người chưa trưởng thành mà là một căn bệnh lớn của đời người, nếu không sửa chữa kịp thời, những người bên cạnh cũng sẽ có lúc rời xa ta.
Tính toán so kè lợi ích
Không lâu trước đây, trên mạng lan truyền rộng một bức tranh biếm họa. Trên đường đời, ai cũng vác một cây thập giá khó khăn tiến về phía trước. Có một người cảm thấy rất mệt, trong lòng thầm nói: “Thượng Đế, tôi quá mệt mỏi rồi, hãy giúp tôi phá bỏ cây thập giá đi”.
Cây thập giá lập tức được cắt gọt bớt cho nhỏ lại, anh ta cảm thấy thoải mái hơn bao giờ hết, tiếp tục tiến về phía trước.
Không lâu sau anh ta lại cảm thấy vô cùng mệt mỏi, anh ta lại xin cắt bỏ đi một phần của cây thập giá, cứ như thế cây thập giá càng lúc càng nhỏ, anh ta cảm thấy vô cùng nhẹ nhàng, anh ta cảm thấy rất thoải mái và cứ thế bước đi tự do.
Đột nhiên trước mặt anh ta xuất hiện một vực thẳm rất dài và rất sâu. Lúc này, những người khác liền lấy cây thánh giá trên lưng xuống, làm cầu bắc qua vực và qua bờ bên kia một cách dễ dàng, nhưng cây thánh giá của anh ta quá nhỏ, không thể làm thành cầu, anh ta chỉ đành mãi mãi đứng một bên bờ vực thở dài.
Làm việc mà đi đường tắt, đầu cơ trục lợi cũng là biểu hiện của người chưa trưởng thành.
Tăng Quốc Phiên không phải là một chiến lược gia quân sự thực sự, ông đánh trận chỉ dựa vào hai chữ “vững” và “ngốc”.
Ông nói: Đánh trận, chỉ cần chữ “vững vàng” là đủ.
Trận đánh cả cuộc đời của ông là trận đánh từ từ vững vàng và xuẩn ngốc, sống trên đời cũng như một trận chiến, không cần chiến thuật nào cả, không tính toán đầu cơ trục lợi, cứ vững vàng ổn định là thắng rồi.
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Cái vụng về trong thiên hạ có thể thắng cái khéo léo trong thiên hạ”.
Bất kể sự vật nào khi đạt tới cực hạn, sẽ phát sinh từ biến đổi lượng sang biến đổi chất, trình độ cao nhất của “ngốc” đến tận cùng chính là “thông thái”, “vụng về” đến điểm tận cùng chính là “tài kỹ” vậy.
Trên đường đời, có những chuyện chúng ta gặp, những người chúng ta quen, không phải chuyện gì cũng thuận buồm xuôi gió, sẽ có những lúc u ám, chúng ta phải tự mình chịu đựng. Có một số nỗi cô đơn, tự chúng ta phải nếm trải, nhưng phải nhớ rằng: không có lối tắt trong cuộc sống, tính toán trục lợi sẽ chỉ tự hủy hoại tương lai. Khi chúng ta thực sự hiểu về việc “không cầu mà tự được”, con đường thành công sẽ rộng mở.
NGUỒN: Đại Kỷ Nguyên dẫn theo Soundofhope
Link bài: Người thiếu chín chắn…
(https://www.dkn.tv/van-hoa/