Bên chén trà nóng thơm mùi hoa nhài, ông chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện về bộ sưu tập hiện vật những chú lợn, cùng với những vấn đề quan trọng khác mà ông quan tâm.
“Kính mong Anh lưu tâm”
Thưa ông, đây là dịp cuối năm nên chúng tôi muốn gợi lại một câu chuyện rất được nhiều người quan tâm và dò hỏi ông. Đó là trong năm qua ông đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, rằng đã đến lúc cần thay đổi lời kêu gọi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Vậy xuất phát từ đâu mà ông đưa ra đề nghị như vậy?
– Nhà sử học Dương Trung Quốc: Câu chuyện này cũng đã lâu rồi nên tôi không còn nhớ cụ thể, hơn nữa đó cũng là điều rất đỗi bình thường trong một xã hội dân chủ. Mọi người dân đều có thể hiến kế cho nhà nước dù người đó có vị trí như thế nào. Tôi nghĩ đó cũng là trách nhiệm của một công dân trước xu thế phát triển của đất nước. Ngược lại chúng ta cần phải nhìn từ năng lực lắng nghe của người lãnh đạo. Lắng nghe ý kiến, kiến nghị hay đề xuất là một trong những năng lực, phẩm chất quan trọng của người làm lãnh đạo. Vì thế, trước sự tư vấn, đề xuất phù hợp với xu thế phát triển và mang tính khả thi cao lại còn phụ thuộc vào người quyết định. Tôi cũng giống như những người khác, nếu có một chút tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình và có những sáng kiến được đưa ra thì tôi nghĩ chắc chắn đến một lúc nào đó sẽ được chấp nhận.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn được không?
– Thực ra, đại ý câu nói “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” không phải của tôi mà của Dr Thanh. Đó là câu chuyện cách đây cũng lâu rồi. Sau khi Dr Thanh tài trợ cho một nhóm bạn trẻ đi chinh phục đỉnh Everest trở về và phóng viên báo chí có hỏi: Sau sự kiện này anh sẽ chinh phục cái gì cao hơn? Dr Thanh có trả lời một câu rất hay và đúng với tư duy của người làm kinh doanh: “Cao hơn đỉnh Everest chỉ có thể là thượng đế, mà thượng đế đối với tôi chính là chinh phục khách hàng”.
Và chính từ câu chuyện này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Hàng hóa của chúng ta hiện nay cũng khá tốt, nhiều quốc gia cũng mượn danh hàng Việt Nam để xuất khẩu đi các nước. Vậy sao chúng ta vẫn cứ ở tâm thế thụ động? Người dân rất thích được hưởng cái gì tốt nhất của người VN chứ. Nếu chúng ta chinh phục được chính chúng ta thì chúng ta sẽ còn tiếp tục tiến xa hơn nữa. Tại sao chúng ta cứ mải mê chuyện xuất khẩu mặc dù xuất nhiều là rất tốt, trong khi đó chính sân nhà lại để người khác đến chiếm lĩnh.
Tôi cho đây là cách đặt vấn đề để chúng ta có thể điều chỉnh nhận thức nhằm tạo ra sự nỗ lực của người Việt Nam cũng như ý thức của người dân. Chính điều này là phù hợp với xu thế phát triển. Rất mừng đến thời điểm này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất nhiệt tâm tới vấn đề đó.
Về chuyện này, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến có cho biết, ông đã gửi thư đến người đứng đầu Chính phủ?
– Đúng là tôi có gửi thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nội dung này. Tôi nhớ là, còn hai hay ba hôm nữa người đứng đầu Chính phủ sẽ có buổi gặp gỡ, đối thoại thường niên với cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi viết bức thư gửi Thủ tướng. Bức thư có đoạn: “Tôi biết rằng sáng mai Anh gặp gỡ doanh nghiệp, tôi muốn chia sẻ với Anh một điều mà tôi đã suy nghĩ từ lâu để Anh tham khảo.
Tôi nghĩ đã đến lúc phải thay đổi tâm thế, bên cạnh việc động viên người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì nên tự tin chuyển sang tâm thế hàng Việt Nam phải chinh phục người Việt Nam! Hãy chiếm lĩnh trước tiên thị trường trong nước lớn thứ 13 thế giới, lại là đồng bào mình, từ đó sẽ đủ sức vươn ra chiếm lĩnh thị trường thiên hạ. Kính mong Anh lưu tâm”.
Tôi được biết tại buổi gặp gỡ hôm đó với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi thông điệp này. Và cuối tháng 11 vừa qua, người đứng đầu Chính phủ đã chính thức phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” gắn với sự kiện ra mắt xe VinFast của Tập đoàn Vingroup.
Hãy nhìn vào yếu tố tích cực
– Thực ra tôi có ý định sưu tập về những hiện vật con lợn rất muộn nên thời gian sưu tập cũng có hạn. Cũng từ việc sưu tập này khiến tôi chợt nhận ra một điều hết sức quan trọng.
Có thể nói sở thích sưu tập hiện vật con lợn đến với tôi một cách khá ngẫu nhiên. Một ngày đẹp trời cách đây đã lâu mà tôi không còn nhớ rõ có một số anh em, bạn bè vì biết tôi sinh năm Hợi (ông sinh năm 1947-NV) nên đã tặng một số hiện vật là những con lợn bằng chất liệu gốm, sành, gỗ… Trong những lúc thời gian rảnh rỗi hoặc đi công tác trong, ngoài nước tôi thường để ý đi tìm mua. Cứ thế bộ sưu tập ngày một lớn dần lên. Những lúc nhìn vào đó tôi tự hỏi, con lợn gần gũi nhất với mình ngày xưa là gì, phải chăng đó là con lợn được làm bằng đất nung mà dường như tuổi thơ của những người lớn tuổi ai cũng gắn liền với nó. Ngày nay con lợn đất nung đã không còn nữa. Con lợn đất ngày xưa giá rất rẻ và làm rất đơn giản để mọi người bỏ đồng xu vào và họ dễ dàng đập ra mà không tiếc, nhưng giờ đã bị thay thế bằng con lợn sứ, lợn nhựa và có cả nút để mở ra để lấy tiền trong đó bất kỳ lúc nào.
Chính vì thế, ở một góc độ nào đó con lợn đất nung ngày xưa được xem như sự thử thách về lòng kiên trì. Kiên trì trong tiết kiệm, kiên trì trong tích lũy đối với người sử dụng. Và qua đây tôi nhận ra là, chúng ta cần bảo tồn để trong tâm thức của mọi người đều coi đó là biểu trưng cho sự tích lũy, làm giàu và kiên trì làm ăn… Tôi tin rằng đến một cái tuổi nào đó khi nhìn lại thì thấy mỗi một con lợn trong bộ sưu tập cũng chỉ là những hiện vật thôi, nhưng lại là một phần ký ức quan trọng của riêng mình. Nhìn vào mỗi sản phẩm tôi sẽ nhớ tôi đã gặp nó ở đâu, trong hoàn cảnh nào và ai tặng. Tôi cho đây là cách để lưu giữ, dung dưỡng tinh thần của mình một cách tốt nhất. Và nhìn mỗi hiện vật giống như một trang nhật ký của mình và nó không phải là tài sản được tính bằng tiền mà thực sự nó là một kỷ niệm chứa đựng yếu tố văn hóa rất sâu đậm.
Đến giờ thì bộ sưu tập những chú lợn của ông đã lên đến con số bao nhiêu?
– Phải nói thật đến tận bây giờ tôi mới kiểm đếm lại nên không có được một con số cụ thể. Nhân năm nay năm Hợi tôi có ý định “tổ chức” cuộc trưng bày bộ sưu tập của mình với mong muốn mang lại cho mọi người, nhất là trẻ con một thú chơi nhưng quan trọng hơn vẫn là đánh thức mỗi người đều có thể chơi một thứ gì đó. Bởi hôm nay nó là cái riêng tư của mình nhưng một ngày nào đó nó sẽ là một tài sản chung của xã hội, một tài sản tinh thần. Đó cũng là một nguyên lý của bảo tàng học. Bảo tàng bắt đầu từ những sưu tập cá nhân, bằng những thích thú của cá nhân nhưng nhờ sự kiên trì, tích lũy cộng với sự may mắn sẽ đến một lúc nào đó số lượng hiện vật ngày càng tăng, có thể trở thành bộ sưu tập quốc gia, thậm chí là của cả nhân loại.
Tôi cũng muốn sau cuộc trưng bày này sẽ khích lệ nhất là các bạn trẻ có một thú chơi lành mạnh. Từ thú chơi lành mạnh này sẽ làm cho xã hội ngày càng phong phú hơn trong đó có yếu tố về giá trị. Nhìn các hiện vật mà tôi có, rất nhiều sản phẩm là của nước ngoài nhưng không có hiện vật nào bằng chất liệu gốm của Việt Nam. Có thể sản phẩm của họ làm bằng các chất liệu tinh xảo hơn nhưng hiện vật con lợn làm bằng chất liệu gốm thì không nơi nào vượt được nước ta cả. Đó là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Là người tuổi Hợi lại có một bộ sưu tập lớn về những con lợn quý hiếm, ông có thể nói điều gì về đức tính của người sinh năm Hợi?
– Tất nhiên người ta quan niệm tuổi là mệnh số của mỗi người. Tôi nghĩ cách tốt nhất là hãy nhìn vào mặt tích cực của nó. Ví như một con chó có thể rất hung dữ nhưng lại có thể là con chó rất trung thành với chủ của nó. Một con lợn trông có vẻ nhếch nhác nhưng lại có thể là con lợn biểu trưng cho sự phồn thịnh. Điều này do mỗi người khai thác, tiếp cận và quan niệm thôi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
NGUỒN: Theo Báo Văn hoá online
Link bài: Nhà sử học Dương Trung Quốc…
(http://baovanhoa.vn/kinh-te/artmid/462/articleid/15506/nha-su-hoc-duong-trung-quoc-cau-chuyen-buc-thu-gui-thu-tuong)