Trần Quí Thanh
—–
Cuộc chiến thương mại Việt Mỹ thu hút sự chú ý của toàn thế giới vì hai nước này là hai nền kinh tế khổng lồ. Việt Nam ở cạnh Trung Quốc nên đương nhiên chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Nhiều nhà sản xuất của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sẽ dịch chuyển sang Việt Nam và Việt Nam sẽ trở thành công xưởng của thế giới, các chuyên gia kinh tế dự đoán như vậy.
Cũng không cần ham hố thật nhiều công ty từ Trung Quốc đổ sang Việt Nam, vì có sang hết chúng ta cũng không đáp ứng được.
Trước hết là nguồn nhân lực. Trung Quốc có 1,5 tỉ người, Việt Nam chỉ gần 100 triệu, có đẻ gấp cũng chẳng ăn thua. Cho nên, họ sang là một việc, ta có đủ nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp đầu tư hay không lại là chuyện khác.
Thứ hai là khu công nghiệp, khu chế xuất, chất lượng hạ tầng có đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư hay không. Quy hoạch khu công nghiệp của các địa phương đã có, tương thích với nguồn lao động, cân bằng với các lĩnh vực phát triển khác. Không thể tùy tiện thay đổi quy hoạch, san lấp đất ruộng hay phá rừng để làm khu công nghiệp, vậy thì công xưởng đâu để đón nhận một cuộc dịch chuyển ồ ạt như ta tưởng tượng.
Trước thực tế này, cứ bình tĩnh để chuẩn bị một cơ sở hạ tầng thật tốt, đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để đón nhận các dự án đầu tư có chọn lọc. Đây chính là thời cơ để Việt Nam đưa ra các điều kiện chọn lọc có lợi nhất cho quốc gia.
Có một miếng đất ngon lành, vội vàng cho một khách hàng mướn trước với giá rẻ, người sau đến có nhiều lợi ích cao hơn thì không còn đất để cho mướn.
Khi chuẩn bị tốt về hạ tầng, cơ sở vật chất, công xưởng, nguồn nhân lực, thì chúng ta phải nâng giá lao động, giá cho thuê mướn nhà xưởng cao hơn. Đã xa rồi thời kỳ giới thiệu với thế giới lao động Việt Nam giá rẻ, mà phải chuyển sang giai đoạn giá phù hợp, và tiến tới giá cao. Nhiều nhà đầu tư để làm gì khi dân mình vẫn nghèo, người lao động cũng chỉ bán mồ hôi để sống.
Nhiều nhà sản xuất sang Việt Nam nghiên cứu để dịch chuyển, vậy thì hãy chọn những dự án đầu tư, nhà sản xuất các sản phẩm công nghệ, hàng hóa ít gây ô nhiễm môi trường.
Một vấn đề lớn đặt ra, đó là trước thời cơ lớn này, Chính phủ cần thiết kế kịp thời các chính sách phù hợp để khai thác hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, mang đến lợi ích kinh tế và uy tín cho quốc gia.
Sài Gòn ngày 11/06/2019
TQT
Bài đọc thêm, Link: Việt Nam liệu có là một công xưởng mới?
(https://www.thesaigontimes.vn/289686/Viet-Nam-lieu-co-la-mot-%E2%80%9Ccong-xuong%E2%80%9D-moi?.html)