Năm học mới này, dư luận bàn tán nhiều về bộ sách 23 cuốn cho học sinh lớp 1 với giá 800.000 đồng.
Hãy đặt vấn đề rằng, trẻ vào lớp 1 là bắt đầu học chữ cái A, B,C, sau đó là ghép vần. Vậy thì làm sao có thể đọc được 23 cuốn sách đó. Ngay cả khi được học chữ ở lớp mầm non, thì cũng không thể đủ “chữ” để đọc sách, bởi vì đọc còn hiểu nữa.
Bắt học sinh mua sách, biết rõ các cháu không thể đọc hiểu được, vậy thì rõ ràng việc cung cấp đống sách đó không phải vì mục dích giáo dục.
Tui không dám nói người ta cố tình in cho nhiều sách, ép học sinh mua để kiếm nhiều tiền, tui thấy đây là một sự lãng phí.
Trẻ lớp 1 và tiểu học đến trường để học nhưng mà chơi, chơi để mà học. Thầy cô giáo không việc gì phải nhồi nhét kiến thức, chữ nghĩa vào đầu các cháu. Có những thứ bắt các cháu học cả năm khi bé, lớn lên chúng chỉ học một giờ là xong.
Các cháu đến trường để học những gì? Rửa tay trước khi ăn, giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh công cộng, lễ phép với thầy cô và người lớn, yêu thương bạn bè. Các cháu có thói quen xếp hàng, đi học đúng giờ, siêng năng tập thể dục, không nói những lời thô tục, chừng đó thôi đã quá đủ.
Những điều đó không cần sách vở, mà thầy cô hướng dẫn và quan trọng là làm gương. Thầy cô nói lời nhẹ nhàng yêu thương thì các cháu cũng sẽ ứng xử như vậy, thầy cô không xả rác mà đi nhặt rác thì các cháu sẽ làm theo. Trẻ em các nước văn minh như Nhật Bản, Singapore, Thụy Sĩ… không bao giờ xả rác là vì các cháu đã được giáo dục điều đó một cách cẩn thận trong nhà trường.
Giáo dục hãy vì sự trưởng thành của con em chúng ta, đừng vì lòng tham của người lớn.
Trần Quí Thanh
Sau nhiều năm sử dụng một bộ sách giáo khoa thống nhất, kể từ năm học 2020-2021, các trường học sẽ được tự chủ trong việc lựa chọn sách giáo khoa để dạy học trò mình.
Chống độc quyền sách giáo khoa đương nhiên là chuyện tốt, nhưng khi giá mỗi bộ sách giáo khoa lớp Một, theo thông báo từ các trường, nằm trong mức từ hơn 450.000 đồng đến 800.000 đồng thì câu hỏi nhất thiết phải đặt ra là: nhiều sách để làm gì?
Cần biết rằng, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường mầm non không được dạy các bé viết chữ và phụ huynh cũng được khuyến cáo không cho trẻ em học viết trước khi vào lớp Một, không học trước chương trình lớp Một. Thế thì một đứa trẻ lớp Một, chưa biết đọc, chưa biết viết, mới bắt đầu làm quen với con chữ, bắt đầu tập ghép vần sẽ cần một đống sách giáo khoa để làm gì?
Hãy lấy ví dụ với cuốn sách Giáo dục thể chất 1, liệu đứa trẻ 6 tuổi có thể đọc và làm theo hướng dẫn “Nhịp 1: Từ tư thế đứng cơ bản, đưa hai tay ngang vai (song song với mặt đất), cánh tay duỗi thẳng. Hai bàn tay sấp, mắt nhìn thẳng phía trước. Duy trì tư thế từ 5 đến 10 giây”? Một đứa trẻ 6 tuổi có thể hiểu “tay ngang vai song song mặt đất”, có thể đếm giây đồng hồ? Tất cả những kiến thức ấy, thay vì in một cuốn sách (mà khả năng lớn là học sinh không thể đọc, hiểu và làm theo) thì chỉ cần giáo viên thể dục hướng dẫn các em là đủ.
Một đứa trẻ 6 tuổi có cần một cuốn sách Đạo đức khi những bài học đạo đức dành cho trẻ em tốt nhất là tấm gương từ người lớn, từ những câu chuyện được thầy cô kể? Trẻ em cần được rèn luyện đạo đức. Thế thì liệu có thể tích hợp 2 cuốn sách để bài học đạo đức cũng là bài tập đọc không? Chắc chắn có thể, nhưng dường như những nhà làm sách đã không chọn phương án đó mà chọn làm ra nhiều cuốn sách khác nhau.
Sẽ có thể bị coi là võ đoán khi bảo in nhiều cuốn sách thì sẽ bán được nhiều tiền, nhưng với việc học trò lớp Một phải mua 8, 9, thậm chí hơn 20 cuốn sách và nhà trường là nơi quyết định việc ấy thì thật khó tin rằng những nhà làm giáo dục đang thực tâm mong điều tốt đẹp cho học trò, mong giảm áp lực lên con trẻ.
Ai dám chắc trên hành trình một bộ sách đến tay những đứa trẻ chỉ mới vào lớp Một kia không có dấu vết của những phết, phẩy giữa nhà trường và nhà làm sách? Ai dám bảo một đứa trẻ học bộ sách nhiều cuốn hơn sẽ giỏi hơn? Trước áp lực của trăm thứ tiền ngày đầu năm học, từ tiền bút viết đến cặp sách, đồng phục, giấy bao, nhãn… thì một bộ sách trung bình 500.000 đồng liệu có thể trở thành lý do để một số đứa trẻ không thể đến trường?
Với những đứa trẻ cấp tiểu học, bài học tốt nhất nằm ở chính thầy cô giáo – những người yêu thương và dìu dắt chúng, uốn nắn chúng từng chút một bằng tất cả trách nhiệm của “người thầy” chứ không phải qua những bài đọc, kiến thức in trên giấy, bất kể chúng có in đẹp đến thế nào, với loại giấy đắt tiền ra sao. Những cuốn sách phụ huynh buộc phải (hoặc “tự nguyện”) mua để rồi học trò không đụng đến hoặc không đọc hết, không hiểu hết thì cố in và bán nhiều sách để làm gì?