Nhìn lại 2017, cải cách thể chế quyết liệt là lựa chọn duy nhất  

Trần Quí Thanh

Nguồn ảnh: Internet

—–

Báo cáo tăng trưởng kinh tế năm nay cho biết tăng mức kỷ lục là 6,7%, nhưng giới nghiên cứu không mấy lạc quan về con số này, thậm chí có cái nhìn ưu tư hơn về nền kinh tế.

Không phải con số tăng trưởng cao luôn phản ánh lên sự tốt lành của nền kinh tế đất nước, mà phải phân tích từng góc độ khác nhau thì mới thấy được bản chất của con số tăng trưởng.

Trong các khu vực kinh tế của Việt Nam, năm qua khu vực FDI ăn ra làm nên nhất, mà theo các chuyên gia kinh tế, là bởi khu vực này ít bị trói buộc bởi các thể chế, chính sách trong nước. Nhưng khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu mạnh thì cũng chính họ gia tăng nhập khẩu. Vì sự gia tăng nhập khẩu đó dẫn đến mất cân bằng cán cân thương mại, nhập siêu của Việt Nam vẫn cao.

Khu vực FDI thâm dụng lao động nhưng phần lớn là máy móc, dây chuyền lắp ráp cũ, không giúp cho nền kinh tế hấp thu những công nghệ mới, thu nhập của người lao động còn thấp. Vậy thì sự tăng trưởng của khu vực FDI không mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế. Đất nước đang cần các cơ hội tiếp cận với các dây chuyền sản xuất và thiết bị công nghệ cao, hệ thống quản trị hiện đại, nếu như các doanh nghiệp FDI chỉ khai thác thị trường lao động giá thấp mà không tạo được sức lan tỏa của công nghệ đến nền kinh tế, thì sự có mặt của họ và sự tăng trưởng do họ tạo ra không phải là tích cực hoàn toàn.

Khu vực kinh tế quốc doanh tưởng cũng không cần nói nhiều, điều mà họ làm được quá ít so với tiềm năng và lợi thế họ có trong tay, ở đây tui không dám bàn đến các “cục cưng” của nhà nước.

Khu vực được chờ đợi nhất là kinh tế tư nhân, nhưng các chỉ số tăng trưởng không như kỳ vọng. Chính phủ có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, tác động tích cực đến các doanh nghiệp, nhưng rõ ràng, chính sách cần có thời gian để có “độ thấm”, không thể ban hành hôm nay là ngày mai có tác dụng. Có điều, thời gian chờ đợi phải rút ngắn, không thể cứ kéo dài chờ độ thấm để rồi trì trệ, chậm chạp, bởi vì cho dù chính sách tốt đẹp cũng trở thành vô ích.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra nhận định, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt phải có cải cách thể chế mạnh mẽ khi tiến hành hội nhập. Lý do là nền kinh tế đã hội nhập rất sâu rộng, nhưng thể chế kinh tế thị trường và cạnh tranh đều chưa đáp ứng được yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế. 

Việt Nam đã đưa ra khái niệm “cải cách thể chế kinh tế” nhiều năm nay, nhưng chuyển biến trên thực tế rất chậm, cộng đồng doanh nghiệp chưa thụ hưởng được nhiều sản phẩm cải cách có chất lượng. Một số quyết định cắt giảm điều kiện kinh doanh hay sẽ giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành chẳng thấm vào đâu so với yêu cầu thay đổi. Cải cách không chỉ là những chuyển động cục bộ, mà phải từ thể chế, bằng một khung pháp lý mới, hiện đại và văn minh, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn thị trường, với pháp lý và thông lệ quốc tế trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.

Phải cải cách thể chế mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đó là lựa chọn duy nhất.

Nhưng, chính sách được ban hành thì phải có con người thực thi, lực cản chính là ở đội ngũ công chức, như Tiến sĩ Trần Du Lịch cảnh báo, rằng cải cách thể chế kinh tế gắn với nền hành chính công và tài chính công. Quốc hội sửa Hiến pháp, ban hành hàng trăm đạo luật nhưng thể chế vẫn không hoàn hảo vì phải thông qua bộ máy, con người.

“Còn bộ máy như thế này thì chính sách không thể đi vào cuộc sống được”. ông Trần Du Lịch khẳng định như vậy.

Tui quá nhất trí với ông Lịch luôn.

Sài Gòn ngày 25/12/2017

TQT

Bài đọc thêm, Link bài: Phía sau bức tranh tăng trưởng

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *