Treo cờ ngoài cửa, truy cập vào các trang web, gọi đến số hotline hay báo tin tại hiệu thuốc… là cách người dân các nước cầu cứu khi gặp khó khăn thời dịch bệnh.
Khi đã cảm thấy bế tắc vì phải vật lộn với cuộc sống trong phong tỏa, Hadijah Neamat treo một mảnh vải trắng bên ngoài cửa sổ để báo tin gia đình mình đang cần giúp đỡ. Chồng bà, ông Mohd Rusni Kahman 59 tuổi bị khuyết tật và đã thất nghiệp cả năm nay.
Một lúc sau khi Hadijah treo cờ, hàng xóm của bà xuất hiện, mang theo đồ ăn và một số vật dụng. Nngười phụ nữ ngoài 70 tuổi không khỏi ngạc nhiên, bởi quận Petaling Jaya thuộc bang Selangor gần thủ đô Kuala Lumpur mà vợ chồng bà đang sống vừa đông đúc vừa nghèo khổ.
“Tôi cứ nghĩ ai đó khác sẽ tới, ví dụ như người giàu, quan chức hoặc người quan trọng nào đó”, Hadijah nói. “Nhưng hàng xóm của tôi bảo chúng tôi là láng giềng nên nếu thấy ai treo cờ trắng, nhất định họ sẽ giúp”.
Những lá cờ trắng, đôi khi chỉ là áo phông hoặc miếng vải, là lời kêu cứu từ các gia đình thu nhập thấp chịu ảnh hưởng nặng nề về tài chính do những đợt phong tỏa ở Malaysia. Theo tờ ABC, đây là ý tưởng của doanh nhân kiêm chính trị gia Nik Faizah Nik Othman. Trên mạng xã hội, Othman khuyến khích những người khó khăn treo cờ trắng ngoài nhà nếu cần giúp đỡ và gọi đây là chiến dịch treo cờ trắng (#benderaputih).
“Tôi bắt đầu chiến dịch này để mang đến cho mọi người hy vọng sống tiếp trong suốt đại dịch này”, Othman nói. “Treo cờ trắng là giải pháp để các gia đình thể hiện nhu cầu được giúp đỡ và cũng để báo cho hàng xóm, cộng đồng kịp thời hỗ trợ”.
Trong chưa đầy 24 giờ, bài đăng của Othman được chia sẻ hơn 20.000 lần. Một nhóm sinh viên còn tạo ứng dụng để thông tin về những ngôi nhà treo cờ trắng đến với nhiều “mạnh thường quân” hơn.
Chiến dịch treo cờ trắng thu hút sự quan tâm của nhiều người nổi tiếng và chính trị gia. Theo bà Zuraida Kamaruddin, thành viên Hạ viện Malaysia, treo cờ trắng giúp các gia đình “không phải cầu xin, cũng không bị xấu hổ”.
Tương tự Malaysia, người Myanmar cũng dùng những lá cờ như cách kêu gọi giúp đỡ.
Suốt nhiều ngày, Thuzar Myint khóc trong tuyệt vọng. Năm trong số sáu người nhà cô, bao gồm chính Myint mắc Covid-19. Myint không còn đủ sức để tiếp tục làm việc ở nhà máy may ở Yangon, cũng chẳng đủ tiền để đưa bố mẹ đi bệnh viện.
Một người bạn đề nghị Myint treo một mảnh vải màu vàng trước cửa nhà. “Chiến dịch cờ vàng” tại Myanmar do các nhân viên từ thiện khởi xướng từ giữa tháng 7, trong bối cảnh hệ thống y tế và đất nước bị khủng hoảng kinh tế – chính trị.
Khoảng hai tiếng trôi qua, hai người tới nhà Myint với ít hoa quả. Tiếp đến, một nam thanh niên cho cô vài quả trứng. Một bác sĩ mang tới thức ăn, thuốc men, tiền mặt và đánh giá sức khỏe cả gia đình Myint. “Bà ấy nói chúng tôi sẽ sớm ổn thôi”, Myint kể với The Straits Times.
Ở các nước phát triển, người dân chủ yếu tìm kiếm sự hỗ trợ qua Internet và các số hotline.
Trong thời kỳ phong tỏa do Covid-19, Australia cho ra mắt trang web Angel Next Door (Thiên thần Nhà bên). Qua trang web này, người cần hỗ trợ việc gì đó (như mua đồ ăn, thuốc men hoặc việc nhà) có thể đăng yêu cầu cùng lý do mình cần nhờ để hàng xóm biết và tới giúp.
Những người muốn giúp đỡ cộng đồng cũng có thể đăng thông tin của mình lên website. Họ sẽ được nhận thông báo nếu ai đó trong cùng khu vực cần hỗ trợ.
Angel Next Door hoàn toàn miễn phí. Người cần hỗ trợ cũng không phải trả người hỗ trợ bất cứ khoản tiền nào. Các bên đều phải tuân thủ quy định chống dịch của Bộ Y tế Australia, ví dụ không tiếp xúc trực tiếp với nhau. Thực phẩm, đồ dùng nhờ mua sẽ được để ngoài cửa.
Ngoài đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, nhiều người cầu cứu vì muốn thoát khỏi bạo hành gia đình.
Mắc kẹt ở nhà cùng với kẻ bạo hành khiến nạn nhân càng dễ bị tổn thương. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, sự căng thẳng về mặt cảm xúc có thể làm gia tăng các hành vi bạo lực ở nhà.
Chia sẻ với CNN, Refuge, một tổ chức chống bạo hành gia đình ở Anh cho biết trong đợt phong tỏa đầu năm 2020, số cuộc điện thoại nhờ trợ giúp tăng 25% và số lượt truy cập website tăng 150%. Ở Paris (Pháp), sau lệnh phong tỏa đầu năm 2020, số vụ bạo hành gia đình cần sự can thiệp của cảnh sát tăng 36%.
Để thoát khỏi tình trạng này, các nạn nhân bạo hành đã sử dụng những mật mã và ký hiệu riêng. Tháng 4/2020, một phụ nữ bước vào tiệm thuốc ở thành phố Nancy. Cô không tới để mua thuốc mà vì muốn báo cho dược sĩ rằng mình bị bạo hành. Một lát sau, chồng người phụ nữ này bị bắt giữ.
Hiệu thuốc là nơi Pháp khuyến khích các nạn nhân bạo hành tìm đến. Nếu không thể trò chuyện cởi mở, họ chỉ cần nói mật mã “khẩu trang 19” cho dược sĩ đằng sau quầy.
Đối với những nạn nhân không thể ra khỏi nhà, Quỹ Phụ nữ Canada đưa ra “tín hiệu cầu cứu” để họ thông báo cho người xung quanh. “Tín hiệu cầu cứu” là ký hiệu bằng một tay đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể làm được khi gọi video. Người cần giúp đỡ đưa bàn tay về phía camera, gập ngón cái sau đó gập các ngón khác để che đi ngón cái.
Khi thông tin về “tín hiệu cầu cứu” này lan truyền, kẻ bạo hành có thể chú ý nhiều hơn tới nạn nhân nên Andrea Gunraj, đại diện Quỹ Phụ nữ Canada khuyến cáo nạn nhân kiểm tra xung quanh trước khi ra ký hiệu.
Bên cạnh đó, người được nạn nhân tìm đến cũng nên tiếp cận một cách cẩn trọng, hỏi những câu có thể trả lời bằng “có” hoặc “không” để nạn nhân dễ cung cấp thông tin.