Những cái loa bêu riếu, những lời lẽ miệt thị

Anh Đào/ Báo LĐO

Học sinh kể việc bị giáo viên Trường THCS thị trấn Vân Đình tát chảy máu miệng, gãy răng và lá đơn đề nghị nhà trường vào cuộc xác minh vụ việc của một phụ huynh.

Có học trò cá biệt không? Tui xin thưa có, nhưng chính vì vậy mới cần đến giáo dục.

Nếu ai từng đọc cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh”, tác giả là Trần Uyên Phương – con gái tui, hoặc vở kịch cùng tên, thì sẽ biết Trần Quí Thanh cũng từng là học sinh cá biệt.

Một đứa trẻ, có rất nhiều lý do, hoàn cảnh để trở thành cá biệt. Hãy xem đó là một trường hợp đặc biệt để giáo dục, không phải là một tội phạm cần phải loại trừ.

Những cách thức trừng phạt học sinh theo kiểu bêu rếu, miệt thị, thậm chí chửi bới hay đánh đập là phi giáo dục. Đánh học trò là thể hiện sự bất lực của giáo dục, hơn thế nữa, đó là minh chứng sự đi vắng của tình thương yêu.

Linh hồn của giáo dục, nguồn dinh dưỡng để nuôi sống giáo dục chính là tình thương yêu.

Ngay cả đối với người trưởng thành, khi họ phạm sai lầm, thì để đưa họ trở về với sự công chính cũng bằng tình yêu thương. Với đứa trẻ, tại sao lại không tha thứ, che chở mà phỉ báng, xua đuổi.

Để một đứa trẻ mang mặc cảm phạm tội, thì sau này rất có thể nó sẽ trở thành tội phạm.

Trần Quí Thanh

—–

“Cô T yêu cầu mỗi học sinh trong lớp phải mua một lốc sữa nộp cho giáo viên. Xuân nói rằng gia đình không có tiền mua sữa, cô T hỏi “Bố mẹ cô làm nghề gì?”. Khi nghe học trò trả lời, nữ giáo viên nói rằng: “Chị chỉ cần nói như vậy là tôi biết bố mẹ chị là cái loại gì rồi. Bố nào con đấy, rau nào sâu đấy”.

Đây là một đoạn trong lá đơn mà một phụ huynh tố một nữ giáo viên trường THCS Vân Đình, Hà Nội được báo chí đăng tải với “tên nhân vật được thay đổi”. Ngoài việc xúc phạm, miệt thị nặng nề, cô giáo còn đánh, đuổi học sinh ra khỏi lớp. Và thật trớ trêu. Đó lại là một giáo viên dạy môn Giáo dục công dân.

Đơn có nhiều chi tiết phải nói là kinh khủng và đang được nhà trường xác minh. Và dù kết quả có là “chót nhỡ”, “nóng giận”, thậm chí… không có chuyện xúc phạm. Thì rõ ràng những câu chuyện tương tự đang làm tổn thương không chỉ một học trò, một gia đình mà còn tổn thương ngay những thầy cô giáo chân chính khác.

Chúng ta có nhiều câu chuyện nhìn qua tưởng… bình thường nhưng lại hàm chứa trong đó những cách thức hết sức phi giáo dục: Giáo viên lục lọi điện thoại học sinh tìm tin nhắn; oang oang cầm loa dằn mặt, bêu riếu học sinh trong giờ chào cờ, trước toàn trường; gây sức ép, kỷ luật thậm chí giống như trừng phạt chỉ vì phụ huynh chậm tiền học phí.

Chuyên gia giáo dục Thụy Diễm Quyên vừa bùi ngùi trên Dân trí: Một đứa trẻ vi phạm nội quy dễ dàng được gán cho ác từ “học sinh cá biệt”. Có thể là đứa trẻ cá biệt thật. Đứa trẻ ấy cá biệt là bởi vì trong nội tâm của em đầy giông bão, trái tim của em đầy vết thương… nhưng chúng ta lại có thể hành xử với các em như tội phạm.

Không có học sinh nào là cá biệt cả. Hoặc nếu có, đó chính là sản phẩm của giáo dục, và bắt đầu từ sự tổn thương trong cách đối xử cá biệt nếu như cách thức cô giáo miệt thị học sinh, xúc phạm gia đình cũng được coi là giáo dục.

Những đứa trẻ dưới mái trường, dù nghịch ngợm, dù vi phạm thì chúng vẫn đang chỉ là những tờ giấy trắng. Chúng cần được động viên, vỗ về, khuyên nhủ hơn là bêu riếu, trừng phạt.

Với những cái loa dưới cột cờ, bởi những lời lẽ cay độc ấy chỉ là những vết bẩn trên trang giấy trắng tâm hồn của các em mà thôi.

Thưa cô giáo môn giáo dục công dân tên đã được viết tắt: Bố nào con nấy, rau nào sâu nấy thì phải chăng logic đúng cũng là trò nào thầy nấy?

Và cô sẽ đắc ý, thanh thản sau khi vùi dập miệt thị một đứa học trò?

 

NGUỒN:  Theo Báo Lao Động online

Link bài: Những cái loa bêu rếu…

(https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nhung-cai-loa-beu-rieu-nhung-loi-le-miet-thi-641965.ldo)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *