Trần Quí Thanh
Nguồn: Internet
Trong chuyên mục Đọc và Nghĩ ngày 27.7.2017, tui có viết bài “Kiến tạo niềm tin là việc khẩn cấp trong lúc này”, bàn về chuyện người Việt Nam bỏ ra 3 tỉ USD mua nhà ở Mỹ chỉ trong một năm từ 4.2016 – 3.2017. Trong đó có đoạn:
“Nhưng khi người giàu không bỏ tiền đầu tư kinh doanh trong nước, mà tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài nhằm mục đích bảo đảm an toàn tài sản, hoặc kinh doanh trong môi trường an toàn hơn, thì đó là mối lo. Nếu xu hương này ngày càng tăng, thì mất đi nguồn lực tài chính rất lớn để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước."
Hôm nay đọc bài “Tinh thần kinh doanh của người Việt” đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn của luật sư Nguyễn Tiến Lập, tui thấy tác giả có cùng quan điểm với tui, và quả thực đây là vấn đề rất quan trọng, cần phải có nhiều tiếng nói cảnh báo về một hiện tượng chảy máu ngoại tệ hiện nay.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập rất có lý khi cho rằng nhiều người Việt Nam mua nhà, đầu tư là để nhập quốc tịch ở các nước được hưởng nhiều ưu đãi thị thực. Người có tiền thường có nhu cầu tự do đi lại khắp nơi, tấm hộ chiếu Việt Nam rất bị hạn chế. Tui nhớ Giáo sư Ngô Bảo Châu khi được hỏi vì sao nhập quốc tịch Pháp, ông đã trả lời là để dễ dàng đi lại.
Nhưng lý do sâu xa hơn, tui xin trích nguyên văn: “Đó là vấn đề bảo hộ công dân của mỗi nhà nước trong trường hợp công dân đó đang ở nước ngoài. Những người có tiền thường hay di chuyển, và họ có quyền đặt một câu hỏi chính đáng rằng liệu nhà nước nơi mình mang quốc tịch có sẵn sàng và đủ năng lực che chở, bảo vệ mình hay không một khi có tình huống rắc rối về pháp lý xảy ra? Khi thiếu niềm tin vào điều đó, sự ra đi của họ sẽ kèm theo động cơ tìm kiếm cho mình một hộ chiếu mới”.
Mấy năm gần đây, bạn bè trong giới doanh nghiệp cho tui biết có nhiều người âm thầm đầu tư ra nước ngoài, trong đó chủ yếu là tìm đường định cư, đảm bảo an toàn tài sản. Tui xin loại trừ những trường hợp tham nhũng rửa tiền, mà chỉ bàn đến những người làm ra đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt của họ, và tự đặt câu hỏi vì sao họ không tập trung nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bao nhiêu năm kinh doanh trong nước, họ đã quá mệt mỏi rồi chăng? Vì sao họ mệt mỏi, điều gì đã làm họ mất hết nguồn cảm hứng của một doanh nhân?
Họ quá sợ hãi trước những gì mà họ từng gặp phải? Đó là những điều gì?
Tại sao họ lại cho rằng mua tài sản ở nước ngoài sẽ được bảo đảm an toàn hơn?
Những câu hỏi đó thực sự day dứt không chỉ đối với tui, mà có lẽ với nhiều người. Câu trả lời chính xác là ở đâu? Tui nghĩ rằng, cần xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, mọi cá nhân, tổ chức phải được pháp luật bảo vệ một cách tuyệt đối.
Xin mời bạn đọc tham khảo thêm bài viết của luật sư Nguyễn Tiến Lập.
Sài Gòn 15/8/2017
TQT
Link bài: Tinh thần kinh doanh của người Việt