M416/ Báo Tri Thức Trẻ
—–
Nhiều bạn trẻ ra trường đi làm việc ở các công ty, cũng có thu nhập ổn định, nhưng không cảm thấy happy với công việc của mình. Một số bạn gửi thư hỏi tui có phải do chọn nhầm việc không, liệu có nên tìm một công việc khác hay không?
Thực ra, để trả lời chính xác cho từng bạn thì phải có đầy đủ thông tin về cá nhân, khi đó mới đưa ra lời tư vấn phù hợp.
Nhưng về tình trạng chung của người chọn nhầm việc là đi làm nhưng như đi hành xác, không thấy hứng thú với công việc, không có sự đam mê đối diện với thử thách, không thấy có khát khao cống hiến.
Tại sao trong một công ty, cùng được giao việc như nhau, nhưng có người say sưa với công việc, luôn tìm tòi, sáng tạo, làm quên cả giờ nghỉ, nhưng có người lại chỉ nhìn đồng hồ mong hết giờ là biến? Câu trả lời quá dễ, đó là chọn nghề không phù hợp với năng lực, sở thích, năng khiếu của mình.
Một đặc điểm khác của chọn nhầm việc là không thấy yêu mến với nơi mình làm việc, xa lạ với tập thể. Đây là điều thực sự chán nản, bởi vì mỗi ngày, nơi làm việc chiếm ít nhất 8 tiếng, không vui vẻ thì “một ngày dài hơn thế kỷ”.
Chỉ xin lưu ý một điều, có những người có năng lực, nhưng vì chọn nhầm việc nên gặp khó khăn, chỉ cần tìm một công việc phù hợp hơn thì sẽ thay đổi theo hướng tích cực.
Nhưng cũng có những người, cho dù chuyển từ công ty này sang doanh nghiệp khác vẫn không thay đổi được gì, thì đó là do không có năng lực và cũng không phải là người làm việc chăm chỉ. Trời cứu.
Trần Quí Thanh
—–
Nếu sếp của bạn luôn tìm cách phản đối các ý kiến của bạn, rất có thể bạn đang làm việc trong một môi trường toxic – điều khiến bạn chỉ muốn đổi việc ngay và luôn.
Có câu nói, đàn ông sợ đi nhầm đường, phụ nữ sợ lấy nhầm chồng. Nhưng hiện tại, câu nói này không còn quá đúng nữa, bởi lẽ dù là nam hay nữ, việc lựa chọn đúng cũng cực kì quan trọng, đặc biệt là với những thứ to lớn như hôn nhân hay sự nghiệp.
Chọn đúng nghề , tìm được một công việc tốt chẳng khác gì sợi dây cứu mạng giữa dòng nước cuồn cuộn. Nhờ sự lựa chọn ấy mà cuộc đời bạn có khi còn thay đổi 180 độ.
Đương nhiên, công việc tốt không phải lúc nào cũng có sẵn. Ngược lại, bạn còn rất dễ sa chân vào một môi trường làm việc toxic , dễ lựa chọn nhầm hướng đi, dễ gắn bó nhầm công việc, để rồi cuối cùng quay đi quay lại vẫn thấy mình chẳng có gì trong tay. Nếu công việc bạn đang làm mang đến những dấu hiệu thế này, có thể sự lựa chọn của bạn đang gặp vấn đề!
1. Bạn cảm thấy buồn chán
Thật tuyệt vời khi có những giây phút rảnh rỗi sau giờ làm việc. Tuy nhiên, nếu bạn thảnh thơi chỉ vì bạn hoàn thành công việc quá nhanh, đôi khi nó không đồng nghĩa với việc bạn giỏi mà vì công việc hoàn toàn không đủ tính thử thách đối với bạn. Một khi vị trí của bạn càng cao, bạn sẽ càng cảm thấy nhàm chán với công việc, ngành nghề mình đang làm.
Một công việc vô vị nghe thì có vẻ bình thường bởi thực sự có rất nhiều chuyện vốn dĩ đã thế. Nhưng nếu công việc không mang đến cho bạn bất kì sự hứng thú nào, vậy bạn có thể cân nhắc đến chuyện nhảy việc.
2. Bạn ở nơi làm việc và bạn ở nhà là hai phạm trù đối lập hoàn toàn
Những người chọn đúng nơi làm việc có thể cống hiến hết mình cho công việc, họ cảm thấy thoải mái trong mọi thứ và dễ dàng xây dựng những mối quan hệ thân thiết cùng đồng nghiệp. Nếu bạn phải mang một lớp mặt nạ khác, phải giả vờ theo hình tượng nào đó, nếu bạn chỉ có thể là chính mình sau giờ làm việc thì điều này chứng tỏ môi trường bạn đã chọn đã phần nào khiến bạn không thoải mái.
Việc phải gồng mình làm một người khác ở chốn công sở khiến bạn kiệt sức, và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn.
3. Bạn không thích nói về công việc của mình
Bạn có bao giờ rơi vào tình trạng thích hỏi người khác về công việc của họ nhưng luôn im như hến khi nhận được những thắc mắc tương tự chưa? Bạn có tự hào và đam mê công việc mình đang có không? Hay bạn chỉ đang cố làm ra vẻ mọi thứ đều tốt đẹp? Nếu đáp án là vế sau, có lẽ bạn đã chọn sai công việc rồi.
Những người hài lòng với công việc của mình sẽ luôn nói về nó bởi họ đam mê, họ ủng hộ công ty họ trước nhất, họ vui vẻ khi giới thiệu nó cho bạn bè, người thân. Ngược lại, những người chọn sai việc không thích nói về vấn đề này, vì họ không muốn tốn thêm dù chỉ một chút sức lực ít ỏi để nghĩ về công việc của mình.
4. Bạn luôn cố gắng rời văn phòng sớm nhất có thể
Dù bạn có thích công việc của mình hay không thì việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ muốn thoát khỏi công ty ngay khi vừa hết giờ làm thì có thể bạn nên cân nhắc quyết định thay đổi công việc hiện tại bằng một công việc mà bạn không ngại đầu tư nhiều thời gian hơn. Những người thiếu sức sống, thiếu hứng thú tại nơi làm việc thường không thích tham gia các hoạt động của team/ công ty, tỷ lệ trốn làm của họ cao hơn và họ chắc chắn sẽ không dành bất kì khoảng thời gian rảnh nào cho công việc nếu như việc đó không phải bắt buộc.
5. Bạn ngưỡng mộ công việc của người khác
Đố kỵ là tâm lý hết sức bình thường của con người, nhưng đố kỵ, so sánh với những người ở công ty khác, thậm chí nghề khác là dấu hiệu cho thấy bạn đã chọn sai công việc. Khi bạn nói về những người khác ấy, nếu bạn cảm thấy ghen tị hoặc cảm thấy môi trường làm việc của họ tốt hơn thì có lẽ công việc bạn đang có không phải điều bạn thực sự mong muốn.
6. Bạn cảm thấy ghét công việc của mình mỗi ngày
Không có công việc nào đáng để bạn trả giá bằng sức khỏe và hạnh phúc của bản thân. Nếu bạn cảm thấy của sống của mình chỉ là một vòng tuần hoàn vô tận: Thức dậy – đi làm – về nhà – đi ngủ – thức dây, thì chắc chắn có điều gì đó không ổn.
Bạn không thể đi làm chỉ vì cuối tuần sẽ được nghỉ mà bạn phải học cách yêu thứ Hai. Ngoài ra, nếu trong đầu bạn vừa nghĩ đến việc đi làm vào thứ Hai tuần tới mà cuối tuần này đã thấy uể oải thì vấn đề còn nghiêm trọng hơn.
7. Bầu không khí ở công ty khiến bạn nản chí
Môi trường làm việc ở công ty thực sự là một yếu tố tiên quyết giúp bạn giải quyết mọi thứ hiệu quả hơn. Công ty có bầu không khí làm việc tốt có thể khích lệ tinh thần nhân viên, trở thành một trong những lý do quan trọng khiến nhân viên quyết định bám trụ lâu dài.
Nhưng ở một vài nơi, khi đi làm bạn chỉ cảm nhận được sự im lặng, đồng nghiệp hoặc là tính toán nhau hoặc là phớt lờ nhau. Không khí này gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc của bạn. Tỉ lệ những người nhảy việc vì môi trường thiếu không khí thiếu thân thiện này cũng rất cao.
8. Bạn làm việc xuất sắc nhưng thăng chức, tăng lương không bao giờ có mặt bạn
Nhìn chung những năm đầu mới đi làm là giai đoạn hoàng kim để bạn nỗ lực vươn lên tìm chỗ đây, đây cũng là giai đoạn phấn đấu đáng được trân trọng nhất. Nếu công việc bạn luôn hoàn thành xuất sắc, mọi người đều công nhận bạn, bạn không có hiềm khích gì đặc biệt với ai nhưng danh sách thăng chức, tăng lương của công ty luôn không có bạn thì hãy cảnh giác, công ty của bạn có thể đang coi “ô dù” được ưu tiên hơn tất thảy, hay đơn giản là cơ chế thăng tiến ở đây không phù hợp với bạn. Nếu vậy, bạn có thể cân nhắc tìm lối thoát cho mình.
9. Bạn làm việc dưới quyền một vị sếp độc đoán, hay áp đặt
Nếu như sự phát triển của một cá nhân phụ thuộc vào việc biết chấp nhận những lời chỉ trích thì hạnh phúc của một tổ chức lại phụ thuộc vào khả năng thể hiện sự quan tâm và ý tưởng riêng của từng nhân viên. Nếu sếp của bạn luôn tìm cách ngăn chặn các phản hồi từ bạn, rất có thể bạn đang làm việc trong một môi trường toxic – điều khiến bạn chỉ muốn đổi việc ngay và luôn.
Cảm thấy bất mãn hay thất vọng trong công việc là lẽ thường tình, đây thậm chí còn là một phần của công việc. Thế nhưng ở một nơi làm việc mà mọi ý kiến cá nhân đều bị loại trừ tuyệt đối, đó lại là điều không bình thường. Về lâu về dài, văn hóa giao tiếp này làm cản trở các sáng tạo mang tính xây dựng, bạn sẽ cảm thấy mất hết ý chí và đam mê.
10. Các chính sách và quy định của công ty không nhất quán
Mỗi tổ chức, công ty đều có quy định riêng. Nhưng trong trường hợp bình thường, những nơi làm việc “độc hại” thường có các quy tắc ngầm không nhất quán và hiển nhiên, chúng được áp dụng cho những đối tượng khác nhau.
Ví dụ, khi một người gặp rắc rối vì một hành vi giống người khác nhưng lại không phải nhận hình phạt tương đương, nhân viên sẽ cảm thấy ban lãnh đạo đang ưu ái, thiên vị người đó. Điều này không chỉ là trái quy định mà còn nhanh chóng làm suy yếu tinh thần quyết tâm làm việc và gia tăng căng thẳng chốn văn phòng.
Hay như công ty bạn có thể không có quy tắc “cố định” nào về giờ làm việc nhưng sếp của bạn lại có quyền bắt một vài người hoặc bộ phận nhất định nào đó đến công ty lúc 8 giờ sáng, trong khi các nhân viên khác lại có giờ check-in là 9 giờ hoặc 10 giờ sáng. Sự chênh lệch này có thể trở thành nguyên nhân chính khiến bạn muốn đặt tay kí vào đơn xin nghỉ việc.
NGUỒN: Báo Soha dẫn theo Báo Tri Thức Trẻ
Link bài: Những dấu hiệu…
https://soha.vn/chon-nham-