Trong di sản văn chương đồ sộ của nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn (1918-2008), đoạt giải Nobel Văn chương năm 1970, có hai chuỗi đoản văn viết vào hai giai đoạn: 1958-1963 – trong những chuyến du hành bằng xe đạp ở miền Trung nước Nga; 1996-1999 – khi trở về Nga sau hai mươi năm biệt xứ, mà ông gọi đó là những ghi chép “vụn vặt”.
Nhưng chính những “vụn vặt” này lại mang đậm tinh thần Nga nhất trong toàn bộ sáng tác của Solzhenitsyn, và chỉ khi ở trên mảnh đất Nga chôn nhau cắt rốn, ông mới có cảm hứng để viết. Trong bức thư gửi ban biên tập tạp chí “Thế giới mới” năm 1996, ông viết: “Chỉ sau khi trở về Nga, dường như tôi lại mới có thể viết chúng, còn ở đó (bang Vermont, Hoa Kì) – thì không thể nào!”. Mùa thu 1964, tạp chí “Grani” của Nga kiều tại Frankfurt lần đầu tiên đăng tải một loạt “Đoản văn” trên số báo 56. TTCT trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số trong 32 đoản văn này của Alexander Solzhenitsyn.
THỞ
Mưa nhỏ vào đêm, và bây giờ mây đen đang vần vũ trên bầu trời, thi thoảng lại lắc rắc những hạt mưa nhẹ.
Tôi đứng dưới gốc táo đang trổ hoa và hít thở. Không chỉ mỗi cây táo mà cả đám cỏ xung quanh cũng đang ngái hương sau cơn mưa – không sao gọi được tên cái tinh chất ngọt ngào đang thấm đẫm không gian. Tôi hít căng hai buồng phổi, cảm nhận hương thơm bằng trọn lồng ngực, hít vào, hít nữa, lúc mở to mắt, lúc lại nhắm nghiền, không biết cách nào thì tận hưởng tốt hơn.
Có lẽ, đấy chính là tự do – thứ tự do duy nhất nhưng đáng quý nhất mà chốn ngục tù đã tước mất của chúng tôi: được hít thở thế này, được hít thở nơi đây. Không một món ăn trân quý nào trên thế gian, không một thứ rượu vang nào, thậm chí không một nụ hôn của người đàn bà nào đối với tôi lại ngọt ngào hơn thứ không khí này, đượm hương hoa, ẩm ướt và tươi mát.
Cho dù đây chỉ là khoảnh vườn con con, bị dồn nén trong song sắt như chuồng thú của những khu nhà năm tầng. Tôi đã không còn nghe thấy tiếng rú xe máy, tiếng rột roạt của máy thu thanh, tiếng lục bục của loa phóng thanh. Chừng nào còn có thể hít thở không khí sau cơn mưa dưới gốc táo, chừng ấy còn có thể sống thêm!
CHÚ VỊT CON
Một chú vịt con vàng vàng be bé, áp cái ức trăng trắng vào đám cỏ ướt trông rất buồn cười, đôi chân mỏng mảnh suýt nữa thì ngã dúi, chạy trước mặt tôi và líu ra líu ríu: “Mẹ tôi đâu? Anh em tôi đâu cả rồi?”
Chú không có mẹ, mà là một cô gà mái: người ta dúi mấy cái trứng vịt vào ổ, cô ta ấp chúng lẫn với đám trứng của mình, ủ ấm đều như nhau. Giờ đây sắp sửa mưa giông, người ta dời nhà của chúng – một cái sọt không đáy lật úp – vào nơi có mái che, phủ tấm bao bố lên. Cả nhà đều ở đó, còn mỗi chú bị lạc đàn. Nào bé con, bước lên lòng bàn tay ta nào.
Hồn phách có chăng trong cái thân xác bé tẹo này? Nhẹ bẫng, cặp mắt đen nhánh hạt huyền, đôi chân chim sẻ, chỉ cần siết nhẹ một cái là chú mình tan biến. Thêm nữa, lại hơi âm ấm. Cái mỏ tí hon màu hồng nhạt, như được phủ một lớp sơn móng tay, đã có dáng bè bè. Bàn chân đã kéo màng, màu lông đã phớt vàng, và đôi cánh phủ lông tơ đã nhô ra. Thậm chí tính cách cũng đã khác biệt với đám anh em mình.
Còn chúng ta, chúng ta sắp sửa bay lên tận sao Kim. Giờ đây, nếu như tất cả đều đồng lòng, thì chỉ trong vòng hai mươi phút ta có thể đảo lộn cả thế giới.
Nhưng không bao giờ, với tất cả sức mạnh nguyên tử, dù có được cấp lông và xương, chẳng đời nào chúng ta có thể tạo ra được, cấy ghép được trong ống nghiệm chú vịt con vàng vàng nhẹ bẫng đáng thương này…
KHÚC GỖ DU
Chúng tôi cưa củi, nhặt khúc gỗ du – và thốt lên kinh ngạc: từ dạo chúng tôi đốn cây hồi năm ngoái, rồi lôi về bằng máy kéo, rồi cưa hết các nhánh, rồi quẳng lên xà lan và lên thùng xe, rồi chất thành đống, rồi quăng bừa trên đất – khúc gỗ du vẫn không chịu đầu hàng! Từ thân gỗ một chồi xanh nõn lại nảy ra – cả một cây du trong tương lai hoặc một nhánh rậm rạp xào xạc.
Chúng tôi đã đặt khúc gỗ lên giá, như đưa lên đoạn đầu đài, nhưng còn chần chừ chưa nỡ hạ lưỡi cưa vào cổ nó: lòng dạ nào mà xuống tay cưa? Nó còn ham sống biết dường nào! Sức sống của nó còn mãnh liệt hơn cả của chúng tôi!
CƠN GIÔNG TRÊN NÚI
Cơn giông bắt gặp chúng tôi vào một đêm tối đen như mực trước khi vượt qua bên kia núi. Chúng tôi bò ra khỏi lều và tìm chỗ núp.
Nó đến chỗ chúng tôi qua sườn núi.
Tất cả chỉ còn là một màu đen kịt, không thấy trời, không thấy đất, đường chân trời cũng không. Rồi một tia sét như xé rách màn đêm lóe lên, tách biệt bóng tối và ánh sáng[1], những đỉnh núi khổng lồ nhô lên, Belala-Kaya và Juguturlyuchat[2], những cây thông đen thẫm cao vút gần chúng tôi, cũng nhô lên với núi. Chỉ trong nháy mắt, chúng tôi có cảm giác như đất cứng dưới chân, rồi tất cả lại tối đen và thăm thẳm không đáy.
Những tia chớp lóe lên, bầu trời luân phiên hết sáng chói rồi lại đen kịt, lóe trắng, lóe hồng, lóe tím; tất cả vẫn ở nguyên tại chỗ, những đỉnh núi và những cây thông cứ nhô lên, làm sửng sốt vì vẻ khổng lồ sừng sững, còn khi biến mất thì không thể tin được là chúng tồn tại.
Tiếng sấm lấp đầy khe núi át cả tiếng gầm gừ không ngớt của những dòng sông. Những tia sét, tựa những mũi tên của Đấng Sáng Thế Sabaoth, từ trên không bổ xuống sườn núi, chẻ ra thành những con rắn ngoằn ngoèo, thành những tia nhỏ, dường như bắn tung tóe vào các đỉnh núi hoặc như bắn ra, tóe ra những sinh linh.
Còn chúng tôi, chúng tôi quên cả sợ sấm chớp và mưa rào – như giọt nước biển nào biết sợ gì bão tố. Chúng tôi hóa thành hạt bụi li ti được ban ơn của thế giới này. Một thế giới lần đầu tiên được tạo ra hôm nay – trong mắt chúng tôi.
QUẢ CẦU BÔNG
Trong sân nhà chúng tôi, một cậu bé dắt chú chó nhỏ tên “Quả Cầu Bông” với sợi dây xích – cậu nuôi nó từ hồi còn là một chú cún bé tẹo.
Một bận, tôi đem cho nó ít mẩu xương gà, còn nóng hổi và thơm phức, vừa lúc đó, cậu bé thả chú chó đáng thương chạy rông đôi chút. Tuyết dày và xốp phủ kín sân, Quả Cầu Bông nhảy nhót tung tăng như chú thỏ rừng, khi chân trước, lúc chân sau, từ góc này sân sang góc kia sân, chúi mõm vào tuyết.
Nó chạy đến chỗ tôi, lông ướt bù xù, nhảy quanh, hít hít mẩu xương, rồi lại vụt chạy, tuyết ngập tới bụng!
Chả cần xương của ông, nó nói, tôi chỉ muốn tự do!
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Nào chàng tuấn mã, lượn tấm lưng cong, nện móng oai hùng, bờm tung trong gió, mắt rực sáng tinh anh! Nào bác lạc đà, chàng thiên nga hai bướu, nhà thông thái ung dung với điệu cười nhếch mép uyên bác trên cặp môi dày! Nào, thậm chí chú lừa nhỏ mõm đen, vẻ kiên trì bền bỉ, đôi tai dịu dàng sống động!
Còn chúng ta đã chọn gì? – đây, một thứ chẳng ra sao nhất trong tất cả những tạo vật của thế gian, lướt nhanh trên những vó cao su, những con mắt bằng kính vô hồn, cái mõm đờ đẫn góc cạnh, gồ lên trong cái hộp sắt. Nó không hí lên kể lể về niềm hoan lạc thảo nguyên, về hương cỏ dại, về mối tình dành cho nàng ngựa cái hay niềm quyến luyến dành cho ông chủ. Nó thường xuyên nghiến ken két tấm thân bằng sắt và phun phì phì làn khói tím hôi hám.
Nồi nào vung nấy, chúng ta như thế nào thì phương tiện di chuyển của ta cũng như thế nấy.
CÁI GÙI NÔNG TRANG
Khi trên chuyến xe buýt ngoại thành mà bạn bị cái cạnh giỏ cứng như thép thúc vào ngực hay vào sườn đau điếng, bạn khoan vội mắng chửi mà hãy quan sát thật kĩ cái giỏ đan bằng vỏ cây ấy, có gắn đai đeo bằng dây dù rộng bản đã sờn. Chủ nhân của nó gùi sữa, pho mát tươi, cà chua, của mình và của hai bà láng giềng, lên thành phố, rồi từ đó tha về nửa trăm ổ bánh mì cho cả ba gia đình.
Cái gùi ấy của các bà nhà quê không thể sánh được với loại túi thể thao đủ màu sắc, có nhiều ngăn và khóa cài sáng choang, song nó chứa được nhiều, bền chắc và rẻ tiền. Nó có thể tải một sức nặng khiến dây đeo của nó, qua lần áo bông dầy, vẫn làm đau buốt đôi vai lam lũ của người nông dân.
Vì thế, các bà phải đeo nó theo lối thế này: vác chiếc giỏ đan cân đối giữa lưng, sau đó vòng sợi đai qua đầu ra phía trước ngực như khoác yên cương. Khi đó, trọng lượng được phân bố đều xuống hai vai và ngực.
Các bạn viết! Tôi không bảo các bạn đeo thử thứ giỏ ấy lên lưng. Nhưng nếu các bạn thấy khó chịu khi bị thúc vào sườn, xin mời đi taxi!
ĐỐNG LỬA VÀ BẦY KIẾN
Tôi quẳng vào đống lửa một khúc gỗ mục, không để ý trong ruột gỗ bầy kiến làm tổ đặc nghẹt.
Khúc gỗ nổ lách tách, bầy kiến túa ra, tuyệt vọng chạy tán loạn, chạy trên thân gỗ rồi quằn quại cháy trong ngọn lửa. Tôi khều khúc gỗ và hất nó ra rìa. Lúc này, nhiều con kiến thoát nạn chạy xuống cát, leo lên đám lá thông. Nhưng lạ thay: chúng không chạy xa đống lửa. Vừa qua cơn kinh hoàng, chúng đã quay ngược lại, chạy loanh quanh, và như có một sức mạnh vô hình kéo chúng trở về, về chốn quê hương vừa mới rời xa! – rất nhiều con kiến, một lần nữa lại leo ngược lên khúc gỗ đang cháy, cuống quýt chạy dọc thân gỗ rồi chết ở đó…
LẠC DIỆP TÙNG
Loài cây mới kì lạ làm sao!
Ta thấy nó đã bao lần – loài cây lá kim. Ắt cùng họ nhà thông? Nhưng không phải. Thu sang, lạc diệp tùng trút lá ào ào tưởng chừng như lìa bỏ cõi đời. Phải chăng lá theo nhau lìa cành vì lòng xót thương quyến luyến? – ta sẽ không rời bỏ các người, anh em ta vẫn trụ vững dẫu có vắng ta. Và lạc diệp tùng trút lá mới đồng loạt nhịp nhàng và tưng bừng làm sao – những chiếc lá rơi còn lấp lánh ánh mặt trời.
Phải chăng cây cũng có trái tim mềm yếu như lõi gỗ bên trong? Lại không phải nốt: mô gỗ loại cây này bền vững nhất trần gian, không phải lưỡi rìu nào cũng hạ nổi, thả bè thì không bị bềnh lên, còn ngâm nước không biết mục, càng ngâm càng cứng lại như hóa đá vĩnh cửu.
Năm nào tiết trời ấm áp dịu dàng cũng sẽ trở lại như một món quà bất ngờ – ta biết rằng thêm một năm mới được ban cho đất trời, cây cối lại được xanh tươi, những lá non óng ả hình kim kia lại trở về với người thân.
Cả con người cũng như thế đấy.
TIA SÉT
Bản thân tôi chưa từng thấy cảnh sét chẻ đôi cây mà chỉ đọc được ở trong sách.
Nhưng lần này được chứng kiến tận mắt. Từ cơn giông ào ào kéo đến giữa ban ngày, vụt bừng lên tia chớp chói lòa khiến các cửa sổ sáng rực lên như được dát vàng, chưa đầy một giây ngay sau đó là tiếng sét long trời lở đất – hẳn chỉ cách nhà độ đôi ba trăm bước chân?
Tan giông. Chính thế: ngay vạt rừng sát bên. Tia sét đã không chọn ngọn cao nhất giữa những cây thông cao vút – sao thế nhỉ? Từ phía trên, dưới ngọn một ít, tia sét đã chạy dọc thân cây, xuyên qua cái lõi tràn trề nhựa sống và tự tin của nó. Nhưng như cạn lực, luồng sét không chạy thẳng xuống gốc, mà trượt ra ngoài hay kiệt sức? Có điều đất bị xới tung bên một thân rễ cháy sém, một mảnh vỏ cây lớn văng ra xa có đến năm mươi mét.
Và một nửa thân cây bị bổ dọc đến lưng chừng thì đổ vật sang bên, đè lên mấy cành vô tội bên cạnh. Còn nửa kia, chẳng hiểu lấy đâu ra sức mà còn trụ được cả ngày trời, nó cũng bị sét khoan cho một lỗ toang hoác. Cuối cùng cũng bổ ngửa xuống một chạc tốt bụng của một cây cao chị em khác.
Cũng giống như trong chúng ta, chỉ có điều khác là: một khi ai đó bị lương tâm trừng phạt thì cú đánh ấy vừa xuyên thẳng vào tim vừa xuyên suốt cuộc đời. Thế rồi có người sau cú đó còn gượng đứng lên được và có người thì không.
TIẾNG GÀ GÁY
Chúng ta đã quên, không còn nhớ nữa, còn thế hệ sau thì chưa từng được nghe những âm điệu khác nhau của tiếng gà thi nhau gáy giữa trưa hè trong những thôn làng hoang vắng, điêu tàn, không một bóng người. Từ sân này qua sân khác, bên kia đường, ngoài cổng làng, trong ánh nắng chói chang của mùa hè, giàn hợp xướng khúc khải hoàn ấy mới tuyệt vời làm sao.
Hiếm khi nào có được cảm giác bình yên trong tâm hồn như thế. Giai điệu tươi tắn, rung động, du dương, mạnh mẽ, mà không ồn ã những náo động tất bật hối hả, vang đến tai chúng ta, khiến khung cảnh quanh ta trở nên thanh bình hoan lạc, yên tĩnh chẳng gợn âu lo, khiến ngày hôm nay trôi chảy vào không gian ấy, và cớ sao không tiếp tục trôi mãi như thế? Hãy thực hiện nhiệm vụ cao cả của các ngươi đi.
Và ở đâu đây, một anh chàng diện bộ cánh màu cam phớt trắng ngạo nghễ đi qua đi lại, vươn cao chiếc mào đỏ rực của nhà hiệp sĩ quý tộc.
Không âu sầu buồn chán.
Giá như chúng ta cũng được thế.