Những giải pháp cho việc phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế

Đặng Đức Thành/ Báo DNSG

“2 tại chỗ, 1 vùng xanh” cho phép doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí nhưng công nhân có thể sinh hoạt thoải mái hơn

Sau hơn 2 tháng giãn cách nghiêm ngặt, hiện thời người dân và doanh nghiệp (DN) đều nóng lòng chờ đợi ngày mở cửa. Trong tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn và buộc phải sống chung với virus giống như nhiều quốc gia khác, giải pháp nào cho việc phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế ở Việt Nam?

Những quan sát về việc phòng và chống dịch Covid-19 

Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) xác nhận hiện chưa có thuốc điều trị Covid-19. Quy trình và phác đồ điều trị của WHO và Bộ Y tế Việt Nam hiện nay chủ yếu là chữa triệu chứng. Trong khi đó virus Covid-19 liên tục nảy sinh các biến thể khác nhau: Alpha, Delta, Delta Plus, Lambda, MU… và chưa biết sẽ còn những biến thể nào nữa. 

Đặc điểm của virus Covid-19 là tấn công phổi. Khi virus tấn công phổi sẽ làm bệnh nhân trở nặng và có thể tử vong trong khoảng thời gian từ 10-20 ngày. 

Do đó để phòng và chống virus Covid-19 hiệu quả, chúng ta phải bảo vệ phổi, làm cho phổi mạnh lên bằng cách tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Thực tế tại nhiều gia đình ở TP.HCM có 1 người bị nhiễm Covid-19 nhưng những người còn lại trong nhà (khoảng 4-5 người) không bị lây, đó là do họ có sức đề kháng mạnh. Cũng có những gia đình 5-6 người bị nhiễm Covid-19 cả nhà nhưng khi tự cách ly tại nhà một thời gian thì họ hoàn toàn khỏi bệnh, như vậy bản thân họ đã có sẵn sức đề kháng mạnh hơn, ít nhất trong vòng 6 tháng.

Tập thể dục nên là thói quen hằng ngày của người dân để tăng cường sức đề kháng

Phòng và chống Covid-19 hiệu quả nhất bằng cách nào? 

Đối với cá nhân, có 3 biện pháp quan trọng:

Thứ nhất, tinh thần mỗi người phải mạnh lên. 

Thứ hai, phải chích ngừa vaccine với phương châm “Vaccine tốt nhất là vaccine được chích sớm nhất”.

Thứ ba, phải tăng cường sức đề kháng cho mình. 

Đối với Nhà nước, cũng có 3 biện pháp: 

Thứ nhất, làm cho nội lực của người dân mạnh lên. 

Thứ hai, làm cho nội lực của DN mạnh lên.

Thứ ba, chuẩn bị cơ sở hạ tầng y tế đầy đủ cho việc chữa bệnh nhân nhiễm Covid-19. 

Cách làm cho nội lực của người dân mạnh lên 

Đầu tiên, tinh thần của mỗi người dân phải mạnh lên. Truyền thông Nhà nước phải giúp người dân xác định cuộc chiến với virus là dài hạn, phải sống chung, đừng trông chờ hết số ca nhiễm. Nếu đã chích đủ hai mũi vaccine, luôn tuân thủ 5K, người dân không nên sợ hãi. 

Sau đó, mỗi người phải tự tìm cách tăng sức đề kháng cho cơ thể mình. Bên cạnh việc tuân thủ quy định nghiêm ngặt của Bộ Y tế và chính quyền địa phương về 5K và chích đủ 2 mũi vaccine, mỗi người cần tập thể dục theo chuyên đề tập thở mỗi ngày, buổi sáng 20 phút và buổi chiều ít nhất 20 phút.

Ngoài ra, mỗi người cần chọn lọc chế độ dinh dưỡng có lợi cho phổi, tìm nguồn thực phẩm an toàn, không hút thuốc lá, giảm rượu bia…

Cuối cùng, Nhà nước cần có chính sách giúp đỡ cho người dân và hộ kinh doanh cá thể 

+ Tạo điều kiện đẩy mạnh khởi nghiệp với các cơ hội mới do dịch bệnh mang lại. 

+ Trên cơ sở kiểm soát dịch bệnh, triển khai nhanh chóng bản đồ kiểm soát dịch (đỏ, cam, vàng, xanh) từng bước nhanh chóng cho phép các hộ kinh doanh hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo an toàn. 

Nơi nào đảm bảo an toàn, người đã được tiêm chủng vaccine sẽ được mở cửa sớm để hoạt động bình thường. Không cần phải đợi cho cả địa phương và TP kiểm soát dịch rồi mới mở cửa. Người dân phải có tiền (do chính mình làm ra) để lo cho chính mình (đây mới thực sự tinh thần người dân sẽ mạnh lên). 

+ Nhà nước và TP phải có các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, hỗ trợ các hộ kinh doanh phát triển thành DN.

Người lao động xếp hàng chờ thực hiện thủ tục khai báo y tế trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ. Ảnh: TTXVN

Cách làm cho nội lực DN mạnh lên 

Điều kiện đầu tiên là DN phải chích ngừa đủ 2 mũi vaccine cho người lao động. Mỗi ngày, nên dành thời gian cho người lao động tập thể dục ít nhất 20 phút buổi sáng trước khi vào làm, với những động tác đơn giản liên quan đến hít thở và có chuyên gia hướng dẫn. Đồng thời, khuyến khích người lao động tự tập thêm 20 phút mỗi buổi chiều tại nhà. 

Ngoài ra, DN tiếp tục thực hiện những giải pháp an toàn khác như thực hiện 5K; ứng dụng công nghệ vào chăm sóc sức khỏe; test nhanh hằng tuần; thay “3 tại chỗ” bằng 2T và 1 xanh; bố trí làm việc trực tuyến ngay khi có thể; ký hợp đồng dịch vụ với các BV công – tư để được tư vấn và hỗ trợ đưa F0 đi điều trị. 

Bên cạnh đó, mỗi DN cần tái cấu trúc về chiến lược kinh doanh, mô hình – phương thức hoạt động theo tình hình mới (phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0; phù hợp với sống chung với virus và với biến đổi khí hậu toàn cầu…).

Nội dung tái cấu trúc bao gồm:

– Tái cấu trúc về vốn, nguồn vốn. 

– Tái cấu trúc về bán hàng, hệ thống phân phối. 

– Tái cấu trúc về nhân lực. 

– Tái cấu trúc về marketing. 

– Xây dựng chuyển đổi số cho DN.

Đối với một số DN, nếu mô hình sản xuất và kinh doanh không còn phù hợp thì cần phải “xóa bài – làm lại”, hình thành phương án hoạt động mới. 

Công nhân tham gia tập thể dục giữa ca tại Công ty CP Xuất nhập khẩu may Phương Nam, Q. Gò Vấp giai đoạn trước dịch

Nhà nước hỗ trợ bằng chính sách 

Tổ chức chích ngừa 2 mũi vaccine cho người lao động của các DN nhanh nhất và sớm nhất có thể, trong đó ưu tiên các DN đang sản xuất trong chuỗi cung ứng hàng thiết yếu và thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu…

Xem xét giảm 10% thuế lợi tức cho DN (năm 2021- 2022), giúp DN có tiền trang trải chi phí y tế chống dịch. 

Cho phép xuất nhập cảnh đối với gia đình các chuyên gia nước ngoài (làm việc tại Việt Nam) đã chích ngừa đầy đủ 2 mũi vaccine.

Trao quyền tự chủ (tự chịu trách nhiệm) cho DN với tinh thần “mỗi doanh nghiệp là một pháo đài chống dịch. Từ sau ngày 15/9/2021, Nhà nước cho phép DN tổ chức lại sản xuất kinh doanh khi đã bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Mở cửa từng bước với vùng xanh, vàng, đỏ… 

Ngoài ra, Nhà nước nên phát động trên truyền thông chương trình toàn dân tập thể dục phòng và chống Covid-19 bằng cách huy động lực lượng thể dục thể thao, các hội âm nhạc, nhạc sĩ… sáng tác nhạc cổ vũ tinh thần rèn luyện thân thể và đưa ra chương trình thể dục cộng đồng chống Covid-19. 

Người lao động tại Intel Việt Nam được sàng lọc chặt chẽ trước khi tham gia thí điểm phương án sản xuất mới. Ảnh: Intel Việt Nam

Chuẩn bị cơ sở hạ tầng y tế đầy đủ  

Nhà nước nên chuẩn bị cơ sở hạ tầng y tế đầy đủ. Đề nghị cách làm như sau: 

Quận, huyện sẽ áp dụng y như với DN, giao quyền tự chủ cho phường, xã. Nơi nào bảo đảm an toàn (người dân đã chích ngừa đủ 2 mũi vaccine) thì ra hướng dẫn mở cửa cho từng hộ kinh doanh cá thể.

Phát động phong trào tập thể dục chống Covid đến từng gia đình ở địa phương và toàn thành phố, trong cả nước. 

Song song đó, TP và các quận huyện kiểm tra số lượng y, bác sĩ ở tuyến đầu (trong các bệnh viện và cơ sở phục vụ việc cách ly), kiểm tra cơ sở hạ tầng phục vụ việc chữa trị F0. Phải đảm bảo sẵn sàng ứng chiến – đảm bảo đủ lực lượng/tính dư thừa.

Huy động toàn bộ nhân lực trường y, ngành y học cổ truyền, các DN trong ngành dược phẩm, thực phẩm chức năng… 

Tập trung huy động mọi nguồn lực để có đủ trang thiết bị y tế phục vụ chữa trị F0 bị trở nặng. Toàn bộ F0 thể nhẹ được cách ly tại nhà và tuyệt đối không cách ly tập trung F1. 

Cuối cùng, kiến nghị truyền thông đưa nhiều tin tức về những gương tốt chống được Covid-19 nhờ tập luyện, ăn uống khoa học; đưa những hình ảnh F0 xuất viện và câu chuyện của họ; hạn chế đưa thông tin xấu; cổ vũ người dân siêng năng rèn luyện sức khỏe bằng cách tập thể dục. 

Tại các “vùng xanh”, mở cửa công viên cho người dân được đến tập luyện hàng ngày (bảo đảm quy định an toàn của Bộ Y tế); từng bước mở cửa toàn bộ công viên, tạo điều kiện cho phong trào tăng cường tinh thần và thể lực, giúp sức đề kháng của người dân mạnh lên, hoàn toàn đủ sức chống được Covid-19.

 
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link bài: Những giải pháp...
https://doanhnhansaigon.vn/doanh-nhan-viet/nhung-giai-phap-cho-viec-phong-chong-dich-va-phuc-hoi-kinh-te-1106771.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *