Cấm đường hay di chuyển xanh?

Lê Quốc Vinh/ Báo Tuổi Trẻ

—-

Cuối cùng người Hà Nội không bị bắt buộc phải đổi sang giấy đi đường mới theo quy trình công bố cuối tuần vừa rồi, thay vào đó dùng cả mới lẫn cũ.

Nhiều người thở phào, nhưng cũng có người nuối tiếc đã mất khá nhiều công sức email, xếp hàng xin giấy. Nhưng tôi thì lo lắng chuyện khác: Mục đích thực sự của giấy đi đường là gì?

Chúng ta thấy đây đó những biện pháp mang tính hành chính như kiểu cấp giấy đi đường, lập hàng rào ngăn cách, lập chốt kiểm tra giấy tờ không những không giúp giảm bớt nguy cơ lây nhiễm, mà ngược lại, càng làm gia tăng những sự kiện dịch tễ đáng lo ngại, như sự tập trung đông người ở nơi xin giấy hoặc ùn ứ ở các chốt kiểm tra. Bài học đắt giá này đã diễn ra tại TP.HCM những tháng trước và lặp lại y chang ở Hà Nội những ngày qua.

Có vẻ như nhiều nơi chưa hiểu đúng nội hàm của biện pháp hạn chế đi lại tự do trong thời điểm dịch bùng phát và tư duy không đúng dẫn đến cách làm sai. Chúng ta cần hạn chế, ngăn chặn các loại di chuyển không an toàn chứ không phải cần một thành phố “án binh bất động”. 

Chúng ta vẫn cần những loại di chuyển an toàn – di chuyển xanh, cần thiết, để duy trì trạng thái sinh tồn, để đảm bảo huyết mạch kinh tế vẫn lưu thông, để thành phố vẫn thở và khỏe mạnh. Thành phố khỏe mạnh là thành phố có thể chiến đấu chống dịch hiệu quả.

Những biện pháp hành chính nếu tạo ra khó khăn cho việc xin giấy đi đường cũng tương tự như những cái barie, những rào chắn cứng trên đường, những loại chướng ngại vật mà đây đó chính quyền các địa phương đang dựng lên hòng ngăn trở các di chuyển vật lý của người dân. Tư duy đó khuyến khích những “sáng kiến” kỳ lạ như khóa cửa chung cư từ 22h đêm, những chiếc xe tải kẹp ngang con phố, những tấm sắt hàn chết chắn ngang ngõ nhỏ…

Nếu mục đích thực sự của giấy đi đường là hạn chế lây lan virus thì cách làm sẽ khác. Cái gọi là “giấy đi đường” sẽ phải cấp cho những người ít có nguy cơ lây nhiễm hoặc cho những hành trình ít có khả năng tiếp xúc, ít có nguy cơ nhiễm virus cho mình hoặc lây nhiễm cho người khác. Đó gọi là những người an toàn – “người xanh”, và những di chuyển an toàn – “di chuyển xanh”. 

Tờ giấy đóng mộc, cho dù với một cái mã QR hay không, không hề đảm bảo rằng người cầm nó âm tính. Quy trình máy móc này tưởng chừng đầy rào cản kỹ thuật nhưng vẫn không có bất cứ căn cứ khoa học nào để sàng lọc người được cấp giấy theo nguyên tắc “di chuyển xanh”.

Như vậy, việc cấp giấy thông hành hoàn toàn không phải là một thủ tục hành chính mà phải là một quy trình công nghệ, kết nối dữ liệu dịch tễ, lịch sử tiêm vắc xin đối với cá nhân di chuyển hoặc căn cứ trên một quy trình đảm bảo hành trình an toàn, không tiếp xúc. Nó hoàn toàn không phụ thuộc vào nghề nghiệp, công việc của người di chuyển, lại càng không thể dựa vào chính sách ưu tiên cho nhóm này hay nhóm khác.

Các chuyên gia công nghệ nói rằng việc này không hề khó. Cái khó nằm ở tư duy của người nắm quyền quyết định, ở sự kết nối với cơ sở dữ liệu, ở khả năng thiết lập các quy trình di chuyển an toàn cho mỗi hoạt động kinh tế và giao thương. Năng lực của các kỹ sư IT Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những cái app như ở Trung Quốc hay Singapore, với những mã QR Code có thể đổi màu tùy thuộc vào độ an toàn của người sử dụng.

Một người an toàn để di chuyển là người đã miễn nhiễm với virus, ví dụ F0 đã khỏi bệnh hoặc là người tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc là trong hành trình của người đó không tiếp xúc trực tiếp với bất cứ ai, tuân thủ nguyên tắc 5K. 

Người tương đối an toàn là người đã tiêm 1 mũi vắc xin, là người di chuyển trong vùng xanh. Người an toàn sẽ mang mã QR xanh, được phép di chuyển. Người tương đối an toàn sẽ có mã QR vàng, hạn chế di chuyển. Người không an toàn mang mã QR đỏ, chỉ có thể nằm nhà.

Chống con virus corona tinh quái này cần một tư duy khoa học và tư duy công nghệ là thế.

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Cấm…
https://tuoitre.vn/cam-duong-hay-di-chuyen-xanh-20210909075618602.htm
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *