Những điều luật “kỳ cục” ở một số nước châu Á

Nguyễn Thuận theo Breaking Asia/ Báo Phụ nữ Tp HCM
Có những quy định “kỳ cục” tại một số quốc gia ở châu Á khiến du khách cần phải “nhập gia tùy tục” khi đến du lịch ở những nước này.

Singapore: Vi phạm pháp luật nếu… khỏa thân đi lại trong nhà

Không có gì thú vị hơn việc sau một chuyến đi dài, chúng ta về đến nhà, trút bỏ hết quần áo và để cơ thể được tận hưởng cảm giác tự do thoải mái. Thế nhưng hãy cẩn thận nếu bạn đang ở đảo quốc sư tử và đi lại trong nhà của mình hay trong phòng ở khách sạn với tình trạng “nuy” toàn thân.

Đừng quên kéo kín rèm cửa khi bạn ở Singapore khi đang trong tình trạng “nuy” toàn thân – Ảnh: Luca Sartoni

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Singapore xem khiêu dâm là hành vi trái pháp luật. Thế nhưng, luật pháp của nước này còn nghiêm khắc hơn khi có hẳn một điều luật cụ thể từ năm 1996 quy định rằng, nếu ai đó xuất hiện trong tình trạng khỏa thân ở ngay tại địa điểm riêng tư của mình (tư gia, căn hộ, phòng khách sạn,…) nhưng có nguy cơ khiến người khác nhìn thấy từ bên ngoài thì “phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật tưởng như “vô duyên” này chính là món tiền phạt lên đến 2.000 USD (khoảng 46 triệu đồng) hoặc 3 tháng ngồi tù nếu ai đó vô tình nhìn thấy.

Chính vì vậy, lời khuyên khi bạn muốn đi du lịch đến đảo quốc sư tử và không bị xem là có hành vi khiêu dâm thì hãy chắc chắn không để ai nhìn thấy bạn tung tăng ngay trong phòng khách sạn với tình trạng “Adam và Eva” bằng cách kéo kín rèm cửa lại.

Singapore “nói không” với kẹo sing-gum

Singapore còn có một quy định nổi tiếng khắt khe khác, đó là du khách không được phép nhai kẹo cao su. Không chỉ khó khăn trong việc tìm mua kẹo cao su ở đất nước này mà bạn còn có thể bị nguy cơ ngồi tù đến 2 năm hoặc đóng tiền phạt nếu bị bắt gặp đang… nhai nhóp nhép kẹo cao su ở trong miệng.

Nhai kẹo cao su khi ở Singapore sẽ bị phạt 1.000 USD – Ảnh: Sweet Singapore

Chưa kể nếu nhân viên an ninh ở sân bay tìm thấy kẹo cao su trong hành lý của bạn thì mức phạt mà bạn sẽ phải nộp là rất cao: 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng) cho hành vi bán kẹo sing-gum tại đất nước này.

Điều luật khắt khe này được cho là bắt đầu từ năm 1992 khi hệ thống các nhà khách và khách sạn ở đảo quốc sư tử phải chịu đựng tình trạng bã kẹo cao su bị trây trét khắp các lỗ khóa cửa, nút bấm thang máy, thậm chí ở cả các hộp thư báo… Vấn nạn này xảy ra phổ biến khiến các khách sạn và nhà nghỉ phải tốn nhiều chi phí để sửa chữa và bảo trì.

Ở Indonesia, thủ dâm là hành vi phạm pháp

Mặc dù việc “tự xử” này được xem là bình thường ở nhiều nước trên thế giới thì ở Indonesia, đó là một hành vi vi phạm pháp luật được quy định ở điều 281 trong Luật quốc gia của nước này. Hình phạt đối với hành vi bị cho là “thiếu đạo đức” này là tối đa 32 tháng tù giam.

Tuy nhiên, điều mà hầu hết du khách quốc tế thắc mắc chính là cảnh sát sẽ sử dụng nghiệp vụ như thế nào để phát hiện và bắt giữ những kẻ “lỡ tay tự sướng”?

Đi tù nếu phát hiện gian lận thi cử ở Bangladesh

Nếu việc sử dụng tài liệu khi thi cử trong trường học chỉ bị nhắc nhở hoặc cảnh cáo ở các nước khác thì ở Bangladesh lại là một “thảm họa”.

Hành vi gian lận trong thi cử ở Bangladesh sẽ khiến người học phải ngồi tù – Ảnh: Getty

Quốc gia này xem việc gian lận trong học tập là một hành vi vi phạm nghiêm trọng, và với những học sinh trên 15 tuổi thì hậu quả sẽ là ngồi tù nếu bị phát hiện sử dụng tài liệu trong các kỳ thi.

“Chúng tôi không khoan nhượng với hành vi này để không tồn tại những kẻ gian lận trong tương lai”, một quan chức chính phủ Bangladesh nhấn mạnh.

Đừng quên mặc đồ lót khi ở Thái Lan

Nếu bạn muốn đến du lịch tại xứ sở chùa Vàng thì nhất thiết không được quên mang theo đủ đồ lót trong vali của mình. Bởi sẽ là phạm pháp nếu bạn đi dạo phố ở Thái Lan mà quên mặc quần lót bên trong.

Thế nhưng, du khách vẫn tỏ ra khó hiểu bởi không biết cơ quan chức năng sẽ kiểm tra như thế nào để có thể phát hiện và xử phạt những kẻ khoái thả rông ở phần dưới của cơ thể khi bát phố. Và đến nay, cũng chưa thấy có báo cáo nào cho thấy đã có người bị phạt vì điều luật này tại Thái Lan.

Không được mặc quần jean màu xanh ở Bắc Triều Tiên

Kể cả khi màu yêu thích của bạn là màu xanh thì bạn cũng không nên mặc một chiếc quần jean màu xanh ở Bắc Triều Tiên.

Quy định này được đặt ra nhằm chống lại sự “xâm lấn văn hóa” từ thế giới bên ngoài bởi chính phủ nước này cho rằng, loại trang phục “bụi phủi” màu xanh này chính là biểu tượng của chủ nghĩa thực dụng phương Tây.

Chính vì vậy, người ta chỉ có thể nhìn thấy người dân Bắc Triều Tiên mặc quần jean màu đen khi đi ra ngoài đường mà thôi.

Không được phép béo phì khi ở Nhật Bản

Nhật Bản chính là thiên đường của ẩm thực và người Nhật cũng rất mê ăn uống. Thế nhưng điều kỳ lạ là bạn hầu như khó tìm thấy một “bé bự” nào ở đất nước này ngoại trừ những vận động viên môn vật Sumo.

Người dân Nhật Bản có chế độ ăn uống lành mạnh và yêu thích vận động – Ảnh: getrealpundit

Tuy nhiên, điều này là có thật: Nhật Bản được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân béo phì thấp nhất thế giới. Có được kết quả tích cực này là nhờ chế độ ăn uống truyền thống lành mạnh của người Nhật với nhiều rau xanh, cá và gạo cũng như thói quen và sở thích vận động của mình.

Bên cạnh đó, đất nước này còn duy trì một bộ luật đặc biệt có tên gọi là Luật Metabo. Năm 2008, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã giới thiệu Luật Metabo, trong đó yêu cầu nam giới và phụ nữ ở độ tuổi từ 40 đến 74 phải đo vòng eo hàng năm. Điều này có nghĩa là vòng eo của hơn 56 triệu người, tương đương khoảng 44% dân số, sẽ được đo. Giới hạn chu vi vòng eo là 33,5 inch (86 cm) đối với nam và 35,4 inch (90 cm) đối với nữ, giống hệt các số đo được quy định năm 2006 bởi Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF).

Một tấm poster khuyến khích người dân Nhật Bản “đánh bay” mỡ thừa trên cơ thể – Ảnh: Ko Sasaki/NYT

Những công dân vượt quá giới hạn số đo do chính phủ quy định sẽ không bị phạt mà được yêu cầu đến các buổi tư vấn hoặc trao đổi với chuyên gia sức khỏe về các lựa chọn chế độ ăn uống.

Ngược lại, không giống như cá nhân, các công ty và chính quyền địa phương có thể bị phạt hành chính nếu công dân thuộc quyền quản lý của mình không đáp ứng tiêu chuẩn do chính phủ đề ra. Khoản tiền phạt có thể lên đến 19 triệu USD cho một doanh nghiệp.

NGUỒN:  Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Những điều…
https://www.phunuonline.com.vn/nhung-dieu-luat-ky-cuc-o-mot-so-nuoc-chau-a-a1445080.html
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *