Những giải pháp nào hữu hiệu để doanh nghiệp “sống chung” với dịch bệnh?

Định Trần/ Báo Công Luận
Trong bối cảnh dịch bệnh ngày một phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, các doanh nghiệp muốn tồn tại bắt buộc phải thay đổi với xu hướng “sống chung” với dịch bệnh.

FPT và “kháng thể số”

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty CP Viễn thông FPT cho biết: Để “sống chung” với dịch bệnh, doanh nghiệp này xác định phải tăng cường tiêm vắc-xin cho người lao động, từ đó mới ổn định kinh doanh.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty CP Viễn thông FPT.

Chính vì vậy, FPT đã triển khai chương trình FPT eCovax với 3 tiêu chí: Hạn chế tối đa tương tác trực tiếp, đảm bảo hiệu suất làm việc và làm chủ tình thế, sẵn sàng đối mặt và ứng biến linh hoạt với các thay đổi trong bối cảnh thị trường.

Theo FPT, các gói giải pháp trong Chương trình FPT eCovax sẽ cung cấp “kháng thể số” cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp, nhằm vận hành, kinh doanh liên tục, thông suốt. Đáng chú ý, “kháng thể số” này sẽ có tác dụng lâu dài đối với sức khỏe doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động ngay cả khi đại dịch đã qua đi.

Tân Hiệp Phát phát minh ra vòng đeo tay truy vết

Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết: Các doanh nghiệp sản xuất ngành hàng thiết yếu, hiện đang hoạt động 3T đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, nỗi lo lớn nhất chính là tâm lý và tính kỷ luật của người lao động.

Tân Hiệp Phát phát minh ra vòng đeo tay truy vết.

Bà Uyên Phương nói: “Tân Hiệp Phát có hơn 1.000 lao động đang làm việc theo mô hình 3T. Ngay trong 1 tháng đầu tiên 3T, chúng tôi đã phải đối mặt với sự xuống dốc tinh thần của người lao động, nhiều người lâu ngày không về quê nhớ vợ, nhớ con, đây là điều rất dễ hiểu”.

Do đó, để giữ vững tinh tinh thần của người lao động, Tân Hiệp Phát đã tổ chức rất nhiều hoạt động kết nối người lao động, đồng thời tuyên truyền cho tất cả mọi người về tình hình dịch bệnh ở bên ngoài, và những chính sách đảm bảo an toàn cho người lao động.

Bên cạnh đó, để giữ gìn sức khỏe cho người lao động, Tân Hiệp Phát đã yêu cầu mọi người lao động khi ra ngoài phải sử dụng nón Vihelm. Chiếc nón này cảnh báo người lao động không đưa tay lên mắt mũi. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn đang nghiên cứu thêm vòng đeo tay, vừa giúp đo thân nhiệt, vừa giúp truy vết nhanh.

“Hiện nay, nhiều đơn vị đặt ra vấn đề không thể truy vết các ca F0. Có trường hợp sau khi phát hiện ca F0 đầu tiên, chỉ trong 3 – 7 ngày đã có 200 ca nhiễm. Chính vì vậy, chúng tôi thử nghiệm vòng đeo tay truy vết, vừa tăng cường công tác quản lý, vừa mang yếu tố đề cao giá trị an toàn cho người lao động”, bà Phương chia sẻ.

Hawa thiết lập khu chăm sóc y tế riêng

Ông Phạm Bình An – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM – cho biết, nhiều hiệp hội doanh nghiệp như Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (Hawa) chủ động giải bài toán sống chung với COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp thành viên của Hawa đã tìm cách xây dựng y tế tại chỗ. Trong đó, doanh nghiệp đảm nhận vai trò tầng 1 trong mô hình tháp điều trị 3 tầng. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí xét nghiệm, ban hành cơ chế phối hợp cụ thể giữa y tế địa phương và doanh nghiệp…

Hiện, một thành viên của Hawa đã áp dụng mô hình y tế tại chỗ này như Tekcom mua máy thở oxy dự phòng, thiết lập ngay một khu chăm sóc y tế riêng, chuyên trách kết nối với y tế địa phương để tổ chức cách ly, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trong khi chờ địa phương xử lý.

Trong bối cảnh y tế địa phương đang quá tải, Tekcom được đội ngũ chuyên trách hướng dẫn để giữ lại các ca nhiễm nhẹ, không triệu chứng và điều trị tại xưởng theo phác đồ chính thức của Bộ Y tế. 

Trong 8 tháng năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 85.500 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó TP.HCM có 24.000 doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43.200 doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

NGUỒN:  Theo Báo Công Luận
Link bài: Những giải pháp…
https://congluan.vn/nhung-giai-phap-nao-huu-hieu-de-doanh-nghiep-song-chung-voi-dich-benh-post155074.html
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *