Kây Pi theo Thrillist/ Báo Tuổi Trẻ Cười
—–
Rượu bia là câu chuyện ngàn đời của con người. Luật pháp ứng xử đối với hành vi uống bia rượu ở mỗi vùng đất đều mang đậm tính văn hóa và xã hội nơi nó được sinh ra. Sau đây là một vài điều luật kỳ lạ về rượu bia khắp thế giới.
Say nhiều khi là một điều chẳng có gì xấu xa với một trong những thứ chất lỏng “trường thọ” nhất nhì nền văn minh của loài người, thế nhưng những tác hại do tiên tửu gây ra, nhất là giữa xã hội hiện đại chồng chất những bổn phận, trách nhiệm ràng buộc lấy chúng ta cũng không hề nhỏ, hay giản đơn chút nào. Chẳng hạn như là:
1. Tài xế lái xe răn đe bằng… tử hình – El Salvador
Quốc gia Nam Mỹ El Salvador có thể mang tài xế say xỉn ra pháp trường hành quyết, kể cả đó là lần đầu tiên vi phạm. Dù quốc gia này không còn áp dụng án tử hình, đứng giữa pháp trường so với vành mống ngựa là hai cảm giác hoàn toàn… khác biệt.
2.Say trong club hay quán rượu bị coi là… phạm pháp – Anh
Nếu đi bar mà không uống rượu, thì hoặc ta là người điều khiển phương tiện, hoặc ta… cũng “tới” lắm rồi. Có ai đời đi bar mà không được say? Nhưng ở Anh Quốc, xứ sản sinh ra khái niệm beerpire (ma cà rồng vampire hút… bia) có lẽ đến từ Đạo luật cấm giải trí ra đời năm 1872, người đến bar sẽ bị khép vào phạm pháp nếu say, còn chủ quán ép khách cũng phạm pháp nốt.
3.Không được cưỡi bò đang lúc say – Scotland
Ở Scotland, leo lên lưng bò lúc đang say được tính là “phạm pháp” dù đây là một luật trong số những luật từ lâu đời. Có lẽ để hạn chế tai nạn giao thông, nhất là nạn đua… bò của cái quái xế đã nốc cồn vào người.
4.Bia trên 3,5 độ cồn phải do nhà nước kinh doanh – Thụy Điển
Muốn mua bia ở Thụy Điển, ta phải tới Systembolagt, một chuỗi cửa hàng kinh doanh chất có cồn do nhà nước điều hành, thay vì các quán rượu. Và chỉ ở đây mới có thể mua được bia “nặng” hơn 3,5 độ.
5.Muốn uống cần có giấy phép – Maharashtra, Ấn Độ
Luật bia rượu của Ấn được quyết tùy theo từng tiểu bang. Ở Maharashtra, nơi có thủ phủ Mumbai (Bombay) sầm uất cũng là thủ phủ của Bollywood, muốn uống bia rượu cần phải có giấy phép do Bệnh viện Nhà nước cấp.
6.Nếu lái xe cần có thiết bị phát hiện nồng độ cồn riêng!
Ai mà đi giữ thiết bị này trong tay? Nếu không phải bác sĩ, hẳn bạn là người từng bị bắt vì tội danh uống rượu khi đang lái xe, hoặc… bạn chính là người Pháp. Nếu muốn lái xe khi say, ta buộc phải đem theo cả máy đo nồng độ!
7.Không cho xuất khẩu bia ra ngoài Nigeria
Ở Nigeria, bia là ngành công nghiệp ăn nên làm ra – đứng chỉ sau mỗi Nam Phi. Ấy vậy mà Nam Phi không cho xuất khẩu bia, một luật đề ra nhằm hạn chế các hãng bia nội địa cạnh tranh với nhau trên thương trường quốc tế.
8. Phục vụ bia tại Sydney cực kỳ… phức tạp – Úc
Ngoài cháy rừng thảm khốc tại Úc, hình dung của ta về vùng xa xăm “down under” (xa tít mù tắt đằng dưới) này có lẽ chỉ gói gọn qua vài bộ phim điện ảnh như Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Trở lại Eden, hay… Mad Max. Trên thực tế, Sydney ban hành bộ luật như sau: sau nửa đêm cấm bán rượu trong dạng shot hoặc bia bằng ly; sau nửa đêm cấm bán một lần bốn ly; hay cấm một người cùng lúc uống hai thức uống sau 3 giờ sáng.
9. Vừa uống vừa đạp xe? Mời điều trị tâm lý – Đức
Đạp xe nốc rượu có thể là một cách lách luật thất sách ở “đâu đó” nhưng ở Đức, hành vi này được cho là nghiêm trọng hơn cả. Không chỉ mất bằng lái, ta có thể bị bắt phải trải qua một kỳ đánh giá tình trạng tâm lý của bản thân vô cùng gắt gao.
10. Chở rượu vùng này sang vùng khác còn… đuối hơn giải Rubik – Canada
Việc vận chuyển rượu giữa các vùng khó tới nỗi người ta còn cho rằng, kẻ nào nghĩ ra cái luật cấm say xỉn này hẳn đã soạn thảo nó khi đang say xỉn. Ở Quebec, ta có thể mang tối đa 9 lít rượu từ tỉnh khác về, nhưng không được phép vận chuyển tới nhà mình. Ở Alberta, có thể nhập rượu để tiêu dùng cá nhân nếu món rượu ấy chỉ ở quanh thân chủ (hợp lý mà!). Ở Newfoundland, ta chỉ có thể mang về 1,14 lít (chưa được 1,5 lít) cho việc tiêu dùng cá nhân mà thôi. Ấy vậy mà họ lại gửi đi Justin Bieber và buồn đòi anh chàng lại…
11.Phụ nữ đã kết hôn chỉ có thể uống một ly rượu khi ở ngoài đám đông – Bolivia
Luật về bia rượu đưa ra nhằm củng cố những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức. Ở La Paz, thủ phủ Bolivia, cũng tương tự: phụ nữ đã kết hôn chỉ được uống một ly rượu mỗi khi ra ngoài, nhằm bảo đảm các chị chị em em không ngả ngớn, tán tỉnh cánh đàn ông ngoài hôn nhân. Luật chỉ áp dụng cho nữ giới, vì đàn ông xứ này CHƯA BAO GIỜ hành xử như thế cả. Tin không?
12.Hai lần trong ngày cấm mua bia, từ nửa đêm tới 11 giờ trưa, và từ 2 giờ tới 5 giờ chiều – Thái Lan
Ở Thái, bia hoàn toàn hợp pháp, nhưng chỉ trong khung giờ đã định. Ngoài hai khung trên, ta không được phép mua sắm bất cứ thứ cồn nào cả. Muốn say được, có khi phải uống thật.. nhanh, kẻo hết giờ như cô bé lọ… chai!
13.Vào ngày bầu cử phải tỉnh táo, không bia rượu – Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày toàn dân đi bầu, để bảo đảm cử tri tỉnh táo chọn ra đúng người hiền đức, Thổ Nhĩ Kỳ cấm mọi hình thức bán rượu bia. Chẳng nhẽ lại đếm lại phiếu bầu nhỡ đâu ai đó bảo họ nhầm lẫn vì đang lúc… say xỉn thì sao?
14.Dưới váy không được mặc quần lót. Dám mặc? Phạt hai bia – Scotland
Luật của người Scot là niềm tự hào của người con xứ Scot, dù thỏa đáng hay lỗi thời đến đâu đi chăng nữa. Tuy nhiên sự hòa trộn giữa luật pháp và dân luật để lại một số khoảng trống oái oăm, chẳng hạn nếu một chàng trai Scot mặc quần lót bên dưới váy kilt – một loại váy truyền thống có hoa văn kẻ ô – anh ta sẽ phải chịu phạt hai bia, lon hay cốc hay vại chưa rõ. Nhưng kiểm tra bằng cách nào nhỉ?
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười
(https://cuoi.tuoitre.vn/giai-tri/nhung-luat-le-ky-la-ve-bia-ruou-tren-the-gioi-phan-1-3962.html)