Người Đồng Hành/ Báo Người Đô Thị
—–
Đa số người dân các tỉnh miền Trung vẫn làm nhà kiên cố trên đất, đến khi lũ lụt tới, bị động hoàn toàn, nhà cửa hư hại nặng nề. Đặc biệt nguy hiểm là nhà ở chỗ thấp dễ bị lũ cuốn đi, dân chết nhiều là vì vậy.
Nhiều quốc gia trên thế giới thường xuyên bị lũ lụt, cho nên con người phải nghĩ ra cách sống chung với nó, và cách sống chung tốt nhất là làm nhà nổi.
Nước lên, nhà lên, nước xuống nhà xuống. Sự chủ động bằng cách lo cho mình một căn nhà an toàn là hay nhất.
Kiến trúc sư khắp nơi đã dày công thiết kế những mô hình nhà nổi rất hiện đại, thuận lợi, giá rẻ, giúp con người yên tâm sống trong vùng thường xuyên bị lũ lụt.
Việt Nam cũng có nhiều mô hình nhà nổi, nhà phao, nhưng không thấy áp dụng rộng rải. Có thể do người dân thích nhà kiên cố nên không muốn làm nhà phao, cũng có thể do chính quyền chưa có những giải pháp để đưa nhà nổi vào thực tế đời sống của người dân.
Đã đến lúc phải xem nhà nổi là điều kiện sinh tồn của người dân vùng thường có thiên tai, lũ lụt, nhất là các tỉnh miền Trung. Tất nhiên, phải thiết kế nhà phù hợp với túi tiền của người dân, chủ yếu là an toàn, chắc chắn, chưa cần phải đẹp và nhiều chức năng sinh hoạt như nhà nổi của các nước giàu.
Có nhiều cách để triển khai thực hiện, ví dụ như kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, vận động nguồn tài trợ từ cộng đồng, người dân đóng góp một phần, nhà nước chi một phần. Các nguồn lực đó hợp lại thì sẽ có những khu dân cư nhà nổi để cho người dân “sống chung với lũ”.
Trần Quí Thanh
—–
Các đơn vị kiến trúc tại Mỹ, Hà Lan, Anh và ngay cả Việt Nam đều có những sáng kiến nhà chống lũ khá hữu ích. Một thiết kế nhà chống lũ của kiến trúc sư Việt Nam làm từ cây tre đã nhận được nhiều giải thưởng kiến trúc thế giới.
1. Ngôi nhà lưỡng cư (Amphibious House) – Baca Architects
Baca Architects đã thiết kế Ngôi nhà lưỡng cư chống lũ có tầm nhìn tuyệt đẹp ra bờ sông mà không có nguy cơ bị hư hại do nước.
Nằm trên bờ sông Thames ở thị trấn Buckinghamshire, ngôi nhà sang trọng này được mô tả là ngôi nhà nổi đầu tiên của Vương quốc Anh với khả năng nổi tối đa 2,5 m.
Các kiến trúc sư đã thiết kế móng riêng biệt với phần thân nhà, cho phép nhà nổi lên khi nước vào đầy khoang chứa.
2. Ngôi nhà FLOAT được thiết kế bởi Morphosis
Các kiến trúc sư của Morphosis (Mỹ) đã hoàn thành ngôi nhà nổi cho quỹ Make It Right của tài tử Hollywood Brad Pitt với sự hợp tác của các sinh viên tốt nghiệp Đại học California, Los Angeles.
Với giá cả phải chăng, ngôi nhà được xây dựng trên bộ khung đúc sẵn, làm bằng bọt polystyrene phủ bê tông cốt sợi thủy tinh. Điều này cho phép ngôi nhà hoạt động như một chiếc bè và có thể nâng lên 3,7 m và được cố định bằng các cột.
Dự án Make It Right kể trên nhằm mục đích xây dựng 150 ngôi nhà giá cả phải chăng, bền vững và có khả năng chống bão cho các gia đình bị mất nhà do cơn bão Katrina gây ra năm 2005.
3. Nhà tre chống lũ tại Việt Nam
Được thiết kế bởi H&P Architects, nhà tre này từng nhận được giải thưởng quốc tế IAA do Viện Kiến trúc và thiết kế Chicago (Mỹ) và Trung tâm nghiên cứu kiến trúc nghệ thuật Châu Âu phối hợp tổ chức vào năm 2014. Chủ trì công trình là hai kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà và Trần Ngọc Phương, cựu sinh viên K97 Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.
Trước đó, năm 2013, thiết kế này cũng lọt Top 10 thiết kế tre sáng tạo nhất toàn cầu của Designboom.
Từ những thanh tre có đường kính khoảng 8 – 10 cm và 4 – 5 cm, dài 3,3m và 6,6m, ngôi nhà được lắp dựng theo cách đơn giản (sử dụng chốt, buộc, treo, gác…). Kiến trúc nguyên khối đủ sức để có thể vượt được mực nước lũ cao 1,5m. Các KTS thuộc H&P Architects muốn phát triển nghiên cứu thử nghiệm mô hình chịu lũ cao 3 m.
Không gian trong nhà được sử dụng linh hoạt tùy điều kiện cụ thể như nhà ở, giáo dục, y tế, cộng đồng) và có thể được mở rộng nếu cần thiết.
Thời gian dựng nhà dự kiến khoảng 25 ngày với tổng chi phí khoảng 2.500 USD (60 triệu đồng).
4. Nhà nổi ở Hà Lan
Hà Lan là quê hương của các công trình kiến trúc nhà nổi với địa hình trũng. Công ty kiến trúc Waterstudio và Dura Vermeer đã hoàn thành một thiết kế nổi tiếng về nhà nổi ở Maasbommel, một khu vực gần sông Maas.
Các ngôi nhà nổi được gắn chặt vào các trụ neo linh hoạt và nằm yên trên nền bê tông. Nếu mực nước sông dâng cao, chúng có thể di chuyển lên trên và trôi. Các dây buộc vào trụ neo nhằm hạn chế chuyển động do nước gây ra. Những ngôi nhà nổi sẽ được hạ xuống khi mực nước rút và vẫn nằm yên trên nền bê tông.
Các ngôi nhà nổi và bán nổi có cấu tạo tương tự nhau: một sà lan bê tông với kết cấu khung gỗ tương đối nhẹ ở trên. Mỗi sà lan bê tông nặng 72 tấn, trong khi các công trình xây dựng bằng khung gỗ nặng khoảng 22 tấn. Các sà lan cao khoảng 2 m.
Với kết cấu này, các ngôi nhà có thể nổi lên khoảng 5,5 m.
5. Container nổi ở Pakistan
Khi mưa lớn gió mùa gây ra lũ lụt lớn ở Pakistan vào năm 2010, khoảng 1/5 tổng diện tích của đất nước này chìm trong nước và 20 triệu người bị thương hoặc vô gia sư. Trong một nỗ lực để cứu trợ, Green Container International Aid đã thiết kế nhà nổi từ các container vận chuyển tái chế. Container làm nơi ở, kệ gỗ kê hàng và săm lốp bên trong có thể tách khỏi mặt đất, nổi tối đa 2,5 m khi có lũ lụt.
6. Nhà kính nổi bằng hệ thống nâng thủy lực
Thay vì để nước đẩy nâng cấu trúc nhà lên cao, Between Art và Technology đã sử dụng hệ thống nâng thủy lực có thể nâng tòa nhà lên 800 mm so với mặt đất. Chủ nhà có thể di chuyển ngôi nhà sang vị trí khác thông qua điều khiển từ xa.
NGUỒN: Người Đô Thị dẫn theo Người Đồng Hành
Link bài: Những mô hình…
https://nguoidothi.net.vn/