Những ý tưởng khởi nghiệp kỳ cục nhất cuối cùng lại thành công vang dội

Thanh Hà/ Báo VietTimes 

Những ý tưởng khởi nghiệp điên rồ. Ảnh: People Matters

Nhiều bạn trẻ gửi thư hỏi tui về một số ý tưởng kinh doanh, có những chuyện tui can ngay, vì theo kinh nghiệm cá nhân, tui thấy sản phẩm đó ai cũng có thể làm được, ai cũng có thể nghĩ ra. Cái mà ai cũng có thể làm, đã nghĩ ra nhưng họ không thèm làm, thì mình kinh doanh sao thắng được.

Có những ý tưởng về sản phẩm hay dịch vụ rất điên rồ, trong đó lấp lánh tia sáng thông minh vượt trội, tui suy nghĩ mãi vẫn chưa ra được là có thể thắng hay bại, những thứ này thì tui lại động viên các bạn hãy mạnh dạn làm. Vì sao?

Nghĩ ra một sản phẩm hay một ý tưởng kinh doanh mà khi nói ra ai cũng có thể hiểu được, có thể thấy được đó là phương án thành công thì coi như khả năng thành công rất thấp. Bởi vì, nếu ai cũng có thể hiểu và làm thì sản phẩm hay ý tưởng kinh doanh đó không có gì đặc sắc.

Trên thế giới này, những tỉ phú đô la lừng danh thường đưa ra những chuyện làm ăn mà thiên hạ không thể nghĩ ra, cũng không thể tưởng tượng được. Họ đã thành công vì đã có trí tuệ siêu việt, dám nghĩ khác cách nghĩ thông thường của cả tỉ người.

Nhưng xin nhắc các bạn rằng, sức tưởng tượng của một trí tuệ siêu việt khác với sự hoang tưởng của một cái đầu tầm thường. Có không ít người hoang tưởng về mình, chạy theo những chế tạo, sáng tạo mà người khác thấy ngay rằng chỉ có thất bại, nhưng người ta vẫn cứ bảo thủ, khăng khăng làm cho đến khi tán gia bại sản.

Cho nên, hãy bùng nổ sáng tạo nhưng luôn có cái nhìn tỉnh táo về mình.

Hiểu được giá trị của mình mới chinh phục được các giá trị khác.

Trần Quí Thanh
—–
Có thể tạo ra một công ty khởi nghiệp “tốt” với một ý tưởng “tốt”, nhưng các công ty khởi nghiệp “tuyệt vời” thường là kết quả của những ý tưởng có vẻ kỳ quặc.

Tất cả chúng ta đều biết những câu chuyện thành công vượt bậc của Facebook, Google hay Uber. Nhưng còn nhiều hơn thế nữa! Dưới đây là những ý tưởng khởi nghiệp điên rồ nhất nhưng thành công ngoài mong đợi!

Amazon

 

Công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới từng bị coi là một ý tưởng lố bịch. Amazon được thành lập vào năm 1994 với sáng kiến ​​bán sách trực tuyến. Với sự gia tăng của truyền hình và màn hình điện tử, xu hướng đọc sách đang đi xuống. Ý tưởng bán sách trực tuyến của Jeff Bezos là rất rủi ro. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm, Amazon đã trở thành công ty có lợi nhuận cao nhất và mở rộng hoạt động kinh doanh sang bán tất cả các loại sản phẩm khác nhau. Ngày nay, Amazon là một công ty nghìn tỉ USD.

Million Dollar Homepage

 

Alex Tew, một sinh viên người Anh gặp vấn đề với tiền bạc vào năm 2005. Với hy vọng kiếm được một số tiền trang trải khoản nợ học đại học, anh ấy nảy ra ý tưởng thiết lập một trang chủ với 1 triệu pixel hoàn toàn trống – Million Dollar Homepage. Mô hình kinh doanh: xây dựng với trang chủ có diện tích đúng 1 triệu điểm ảnh (pixels), là một hình vuông với mỗi cạnh tương đương 1.000 pixels. Bằng việc gắn những logo thương hiệu lên trang này, Alex quyết định bán quảng cáo với giá 1 USD cho mỗi pixel. Đây là một ý tưởng được đánh giá là kỳ lạ vào năm 2005. Nhưng thật bất ngờ, mọi người đã mua nó và biến Tew trở thành triệu phú. Giới truyền thông gọi ý tưởng này là sự sáng tạo trong lĩnh vực quảng cáo trong thời kỳ bùng nổ của Internet.

PayPal

 

PayPal được coi là mẹ của tất cả các công ty FinTech. Ngày nay nó lớn đến mức không thể thiếu trong cuộc sống của con người. PayPal đã phát triển từ một dịch vụ chuyển tiền tại Confinity vào năm 1999 sang phương thức thanh toán eBay vào năm 2002 và cuối cùng là hệ thống thanh toán trực tuyến được sử dụng nhiều nhất hiện nay!

Tại thời điểm mà mọi người còn rất nghi ngờ về chuyển khoản trực tuyến hoặc về việc gửi thông tin thẻ tín dụng trực tuyến, PayPal đã đưa ra một đề nghị dũng cảm: yêu cầu người dùng sử dụng địa chỉ email của họ và kết nối tài khoản ảo với tài khoản ngân hàng thực của họ để thanh toán trực tuyến. PayPal xác minh tất cả thông tin để đảm bảo rằng người thiết lập tài khoản là chủ sở hữu hợp pháp trước khi dịch vụ có thể được sử dụng. Chủ tài khoản PayPal có thể sử dụng trang web hoặc ứng dụng di động của công ty để chuyển tiền cho người khác bằng địa chỉ email hoặc số điện thoại di động của người nhận.

Kể từ năm 2015, PayPal là một công ty độc lập với doanh thu hiện tại là 12,50 tỉ USD.

Snapchat

 

Bạn nghĩ sao về một ứng dụng chia sẻ ảnh mà ảnh sẽ biến mất trong vòng vài giây. Khi Evan Spiegel giải thích ý tưởng đằng sau Snapcha tại một lớp thiết kế sản phẩm của Đại học Stanford năm 2011, mọi người nghĩ rằng nó sẽ không bao giờ hoạt động. Theo Spiegel, trái với Facebook, nơi người ta thường chỉ cập nhật những lúc vui vẻ hay cảm thấy tự tin, Snapchat là nơi bạn giãi bày những cảm xúc chân thành nhất, gần gũi nhất, ngay cả khi đang buồn bực, đau khổ mà không lo bị dòm ngó hay phán xét vì tin nhắn sẽ tự hủy. Ngày nay, ý tưởng kỳ quặc ngày nào đã trở thành một nền tảng truyền thông xã hội triệu USD.

Airbnb

 

Vốn không thể trả nổi tiền thuê nhà ở San Francisco vì quá đắt đỏ, những người sáng lập ra Airbnb là Brian Chesky và Joe Gebbia hồi ấy quyết định chia sẻ bớt tiền thuê bằng cách cho những người khách lạ ở chung phòng, nằm trên những tấm đệm hơi và phục vụ bữa sáng. Sau chưa đầy 9 năm, từ ý tưởng cho thuê đệm hơi ban đầu này đã hình thành nên một doanh nghiệp khổng lồ được định giá trên 25 tỉ USD, khiến ngành công nghiệp khách sạn truyền thống trên khắp toàn cầu phải “run sợ”.

Instagram

 

Nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất trong thập kỷ 21 từng bị coi là lố bịch. Instagram được thành lập vào năm 2010, khi Facebook và Twitter đang thống trị thị trường. Instagram chỉ là một nền tảng truyền thông xã hội bình thường với các bộ lọc độc đáo để chụp ảnh và chia sẻ với bạn bè. Chức năng lọc này bị đánh giá là vô nghĩa, thế nhưng nó đã thành công tạo ra một cơ sở người dùng mạnh mẽ. Ngày nay Instagram là nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới với hơn 800 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Potato Parcel

 

Từ công ty ngu ngốc nhất tại Shark Tank đến khi trở thành công ty siêu lợi nhuận, Potato Parcel là minh chứng cho sự sáng tạo và kiên trì của khởi nghiệp. Đúng như tên gọi, khách hàng có thể đặt một củ khoai tây với thông điệp được viết tay cho bất kỳ dịp đặc biệt nào, từ những lễ kỷ niệm cho đến tiệc sinh nhật. Đối với sản phẩm có giá 14,99 USD, bạn có thể gửi một Potato Pal – một củ khoai tây với một bức ảnh chân dung của ai đó.

No Phone Air

 

Không có màn hình. Không có pin. Không điện thoại. Đúng vậy, đây là một chiếc điện thoại giả. Những chiếc điện thoại giả này dành cho những người nghiện điện thoại, để họ có thể cảm nhận lại con người và thế giới thực xung quanh mình. NoPhone được thiết kế đặc biệt không có pin, màn hình. Đơn giản là bạn sẽ yêu thích việc không bao giờ phải dán mắt lên màn hình, điên cuồng tìm sạc điện thoại khắp nơi hoặc lo sợ màn hình nứt.

Vitality Air

Hằng năm, khoảng 7 triệu người trên thế giới chết vì ô nhiễm không khí, trong đó chỉ riêng Ấn Độ và Trung Quốc là hơn 3 triệu người. Ý tưởng bán không khí sạch cho những vùng ô nhiễm tưởng như một trò đùa nhưng hóa ra lại là một ý tưởng thành công ngoài mong đợi. Năm 2015, công ty Vitality Air ở thành phố Edmonton, Canada bán các chai chứa không khí sạch sang nước ngoài. Không khí sạch trong chai được lấy từ dãy núi Rocky, công viên quốc gia Banff, Canada, với giá 15 USD (~348.000 đồng/chai). Lô hàng đầu tiên của Vitality xuất sang Trung Quốc với số lượng 500 chai đã được bán hết chỉ trong vòng bốn ngày.

Hầu hết những ý tưởng sáng tạo mang lại những thay đổi lớn lúc đầu thường bị coi là điên rồ. Nhưng nếu bạn tin tưởng vào ý tưởng của mình và tiếp tục thúc đẩy công việc kinh doanh của mình, biết đâu đấy sao này bạn cũng có thể thấy mình trở thành Zuckerberg, Jobs hoặc và Spiegel mới.

 

NGUỒN:  Theo Báo Viettimes

Link bài: Những ý tưởng…

https://viettimes.vn/nhung-y-tuong-khoi-nghiep-ky-cuc-nhat-cuoi-cung-lai-thanh-cong-vang-doi-post142396.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *